Oằn lưng trước mùa mưa lũ

Đời sống - Ngày đăng : 07:18, 08/04/2011

(HNM) - Tình trạng vi phạm đê điều, công trình thủy lợi tiếp tục là vấn đề


Ẩn họa khó lường


Cứng hóa mặt đê sông Hồng tại huyện Phúc Thọ trước mùa mưa bão. Ảnh: Bá Hoạt


Tình trạng vi phạm Luật Đê điều, Pháp lệnh PCLB, vi phạm quy định về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi tiếp tục dóng lên hồi chuông báo động trước mùa mưa bão. Theo Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội, trên 20 tuyến đê chính với tổng chiều dài gần 470km của thành phố đang tồn tại hơn 4.000 vụ vi phạm, với hàng trăm trường hợp phát sinh từ năm 2010 đến nay, tập trung ở các huyện Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thường Tín, Phúc Thọ, Phú Xuyên, Đan Phượng, Gia Lâm... Ngoài các vi phạm hành lang đê, hành lang thoát lũ trên sông Tô Lịch, sông Nhuệ cũng bị lấn chiếm nghiêm trọng. Theo thống kê của Công ty Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ cho thấy, sông Nhuệ đoạn qua các huyện Từ Liêm, Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên và quận Hà Đông, đã có tới trên 4.000 vụ vi phạm, với hơn 150.000m2 đất bị chiếm dụng bất hợp pháp. Trong khi đó, việc xử lý vi phạm không khác "muối bỏ bể" và cũng chỉ giải tỏa được các loại "vi phạm giản đơn" như làm lều, lán, để vật liệu xây dựng trên mái đê... Các trường hợp phức tạp như xây nhà, đốt lò gạch trong hành lang bảo vệ đê, đào đất, hút cát lấn vào thân đê... hầu như chưa được xử lý.

Trong khi đó, chất lượng đê điều ở một số nơi đã xuống cấp, nhiều tuyến thân đê có tổ mối, tổ chuột... Năm 2010, tuy đã được gia cố, song ở mức báo động cấp II, một số nơi xảy ra hiện tượng thấm nước như đê hữu Đà (đoạn Ba Vì), đê hữu Hồng (đoạn Ba Vì và Từ Liêm)… Đáng báo động là tình trạng vi phạm hành lang đê điều, công trình thủy lợi xảy ra nhiều nhưng chính quyền địa phương thiếu quyết liệt, thậm chí né tránh xử lý. Chính phủ và UBND TP Hà Nội nhiều lần chỉ đạo nhưng tình trạng vi phạm hành lang sông, khai thác cát sỏi vẫn phức tạp.

Năm 2010, mặc dù lũ trên các sông đều ở mức thấp nhưng đã xảy ra 22 sự cố đê điều khá nghiêm trọng như nứt trượt mái kè Sen Hồ, kè Thanh Am, kè Dương Hà; sạt lở khu vực bờ tả sông Hồng (quận Long Biên), bờ hữu sông Hồng khu vực xã Phong Vân (Ba Vì), kè Hồng Hậu (Sơn Tây)... Ngoài ra là các sự cố có liên quan đến chất lượng xây dựng công trình thủy lợi như sự cố lún, nứt đê Ái Nàng, Mỹ Hà (Mỹ Đức)... Đáng lo ngại là những sự cố này diễn ra trong điều kiện thời tiết bình thường nhưng địa phương và ngành chức năng lúng túng, có vụ đã qua nhiều tháng nhưng đến nay vẫn chưa có phương án xử lý.

Hệ thống đê tại Hà Nội vốn đã yếu lại bị xâm hại nghiêm trọng đang là vấn đề không ai có thể chắc chắn rằng nó đủ sức chống chọi với tình hình mưa lũ ngày càng diễn biến phức tạp.

Chủ động ứng phó

Năm 2011, thời tiết tiếp tục diễn biến khó lường, từ đầu năm đến nay xuất hiện hiện tượng rét bất thường, mưa lớn khác hẳn mọi năm. Khu vực Hà Nội đã được đầu tư xây dựng nhiều công trình thủy lợi, hồ đập, công trình tiêu thoát nước nhưng do diện tích rộng, địa hình đa dạng, phức tạp, tình trạng xâm phạm phổ biến nên vẫn chưa đáp ứng yêu cầu nếu mưa lớn tập trung, lũ cao, bão đổ bộ vào đất liền. Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trịnh Duy Hùng chỉ đạo các đơn vị, địa phương có phương án bảo đảm an toàn về người, tài sản, hệ thống đê điều, hồ đập, công trình thủy lợi, hạn chế thấp nhất thiệt hại khi mưa, lũ, bão, úng xảy ra. Đối với hệ thống đê điều, cần đẩy nhanh tiến độ tu sửa; hoàn thành kiểm tra đánh giá chất lượng công trình đê điều, hồ đập, thủy lợi trước ngày 15-5-2011; bổ sung số lượng vật tư, phương tiện, dụng cụ phục vụ chống lũ bão trên các tuyến đê; xây dựng phương án bố phòng hộ đê, các điểm xung yếu, trọng điểm hoàn thành trước ngày 31-5-2011; tiếp tục xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đê điều, công trình thủy lợi.

Qua thảo luận của các ngành, các huyện, Ban Chỉ huy PCLB TP thống nhất các phương án chống ngập nội, ngoại thành. Theo đó, khu vực nội thành, vùng lưu vực sông Tô Lịch khai thác triệt để năng lực và chủ động tiêu thoát đối với cụm công trình đầu mối Yên Sở và vận hành các hồ điều hòa; lưu vực sông Nhuệ, vận hành các trạm bơm tưới Tiên Tân, Minh Khai, Phương Bảng, Đào Nguyên bơm tiêu ra sông Đáy, đồng thời mở cống Bá Giang tiêu ra sông Hồng… Khu vực ngoại thành, hệ thống công trình tiêu úng xây dựng đã lâu, địa hình chia cắt, thay đổi nên chưa đáp ứng yêu cầu. Vì vậy, giải pháp tiêu úng khu vực này phải linh hoạt, kết hợp chặt chẽ giữa giải pháp công trình và phi công trình; trước mắt là chủ động tiêu kiệt nước đệm.

Cơ bản nhất trí với kiến nghị, đề xuất của các địa phương về nâng cấp đê, kè, nạo vét lòng sông Đáy, bổ sung máy bơm tiêu, mua trang thiết bị phòng chống lụt bão… Phó Chủ tịch UBND TP Trịnh Duy Hùng lưu ý, dù Chính phủ đã xóa bỏ vùng phân lũ, chậm lũ ở các huyện nằm trong lưu vực sống Đáy, nhưng khi cần thiết vẫn đưa vào đây lưu lượng 2.500m3/giây để tham gia cắt lũ lớn cho sông Hồng. Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu các địa phương phải chủ động xây dựng phương án di dân, chống lũ.

Tổng kết nhiệm vụ PCLB năm 2010, UBND TP Hà Nội đã khen thưởng 32 tập thể, cá nhân; Ban Nông nghiệp và Nông thôn (Báo Hànộimới) được Chủ tịch UBND TP tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong tuyên truyền PCLB, úng và tìm kiếm cứu nạn.

Chí Đạo