Đổi mới ở một vùng quê

Đời sống - Ngày đăng : 07:41, 07/04/2011

(HNM) - Cùng với quá trình đô thị hóa của TP, huyện Thạch Thất đứng trước cơ hội phát triển bứt phá trong những năm tới. Thế nhưng, điều kiện để khai thác hiệu quả tiềm năng không phải luôn luôn sẵn sàng. Chính vì vậy, đổi mới cách làm, chủ động vươn lên là cách mà Thạch Thất đang nhen nhóm hướng đến những mục tiêu của mình.


Trước cơn lốc đô thị hóa

Với những làng nghề sản xuất đồ gỗ nội thất như Hữu Bằng, mỗi ngày có đến hàng nghìn bộ bàn nghế, giường tủ ''made in Thạch Thất'' theo các chuyến xe tải "chảy" đi khắp trong Nam ngoài Bắc. "Đồ gỗ ở Đê La Thành có đến 2/3 là của quê mình" - ông Nguyễn Doãn Hoàn, Chủ tịch UBND huyện tiết lộ. Không chỉ mạnh về sản xuất đồ gỗ, ở Thạch Thất, các sản phẩm kim khí cũng đang ngày càng phát triển, cạnh tranh hiệu quả với làng nghề của các tỉnh Bắc Ninh, Hà Nam, Hải Dương…

Theo ông Nguyễn Doãn Hoàn, làng nghề đóng góp rất quan trọng thúc đẩy cơ cấu kinh tế huyện chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Năm 2010, giá trị công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và xây dựng cơ bản của huyện chiếm 66,6%, 18% thương mại - dịch vụ - du lịch, còn lại 15,4% là nông - lâm nghiệp - thủy sản. Sự vươn lên về kinh tế của Thạch Thất trong vài năm trở lại đây ngày càng rõ nét. Cả vùng đất như con hổ đang cựa mình thức tỉnh. Số lượng tỷ phú ở đây cũng ngày một nhiều hơn.

Ngay cả những xã nghèo mới nhập vào huyện từ Lương Sơn (Hòa Bình) như Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung cũng đang vươn lên, thay da đổi thịt từng ngày. Cùng với giao thông được đầu tư lên tới hàng chục tỷ đồng mỗi xã, các chương trình khuyến nông, khuyến công cũng đã về với bà con. "Chúng tôi đang làm điểm trồng rau sạch và phát triển cây hoa cho bà con. Hiệu quả đang được khẳng định" - Chủ tịch Nguyễn Doãn Hoàn cho biết. "Trong năm 2010, tuy diện tích nông nghiệp giảm do chuyển dịch cơ cấu kinh tế, song giá trị sản xuất nông nghiệp vẫn tăng, cơ cấu chăn nuôi trong nông nghiệp đã cao hơn trồng trọt" - ông nói.

Dễ dàng nhận thấy, đô thị hóa chính là lĩnh vực sôi động nhất ở Thạch Thất. Bởi lợi thế của huyện đã được định hình rất rõ ràng: có Đại lộ Thăng Long và nhiều quốc lộ, tỉnh lộ chạy qua; có nhiều dự án lớn như Khu công nghệ cao Hòa Lạc, ĐH Quốc gia, Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai… Trong 5 năm tới, trên địa bàn huyện sẽ có hơn 3.000 dự án lớn được triển khai với diện tích đất thu hồi lên tới 10 vạn héc ta, được coi là lớn nhất TP. Đây là niềm hy vọng rất lớn của người dân Thạch Thất, nhưng đồng thời cũng là thách thức đối với họ để cân bằng sự thay đổi đến chóng mặt mà đô thị hóa đang mang lại.

Chủ động tận dụng cơ hội

"Đồ gỗ Thạch Thất sản xuất rất nhiều, thậm chí hơn cả Đồng Kỵ, nhưng lại không có thương hiệu. Đó là điều khiến chúng tôi trăn trở, muốn thay đổi" - Chủ tịch Nguyễn Doãn Hoàn bộc bạch. Đây chỉ là một trong rất nhiều những điều còn băn khoăn đằng sau những thế mạnh mà Thạch Thất đang có. Đô thị hóa là động lực phát triển, người Thạch Thất hẳn cảm thấy may mắn vì những lợi thế phát triển hiện nay. Tuy nhiên, từ một vùng đất nông nghiệp chiếm đa số, nay đất ruộng bị thu hồi, việc chuyển đổi nghề cho nông dân đang là thử thách thực sự. "Chúng tôi đang cùng với các làng nghề bàn cách gây dựng thương hiệu. Không thể cứ chạy theo thị trường mà quên mất việc này” - ông Hoàn khẳng định. Thạch Thất cũng đang tìm cách thu hút một số trường đào tạo nghề. Huyện sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, thủ tục để thuyết phục các trường. Chủ trương khuyến công, nhân cấy nghề cũng đang được huyện triển khai xuống các địa phương bị thu hồi đất.

Có thể thấy, Thạch Thất đã chủ động nhận ra những vấn đề của mình và có giải pháp. Tuy nhiên, huyện cần có sự chủ động hơn nữa mới có thể đi trước giải quyết những vấn đề mặt trái của đô thị hóa, thay vì chạy theo đô thị hóa để giải quyết những vấn đề phát sinh - cách mà các địa phương vẫn thường mắc phải hiện nay.

Nhằm chuẩn bị nhu cầu về vốn cho các dự án đô thị hóa trên địa bàn (trên 3.000 dự án trong 5 năm tới), UBND huyện đã trực tiếp làm việc với 9 ngân hàng để đề nghị mở chi nhánh trên địa bàn. Đây cũng là cách để huyện nâng cao điều kiện thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tiếp cận về vốn thuận lợi hơn.

Để chuyển dịch cơ cấu theo dự định, huyện cũng đang tập trung thực hiện 3 chương trình kinh tế lớn gồm: Chương trình phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; Chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hiệu quả, bền vững và Chương trình giải quyết việc làm cho người lao động. Chưa kể, huyện đang xây dựng hàng loạt quy hoạch như quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phân khu, quy hoạch ngành, sắp tới là quy hoạch nông thôn mới để sẵn sàng khi Quy hoạch chung Thủ đô được duyệt là khớp nối kịp thời. Với những tính toán chủ động như vậy, cộng với lợi thế trong tầm tay, Thạch Thất chắc chắn sẽ nhanh chóng tạo được điểm nhấn phát triển của Thủ đô.

Hiền Lương