Cần những quy định sát thực

Đời sống - Ngày đăng : 07:28, 07/04/2011

(HNM) - Tại một hội thảo về xóa bỏ tình trạng bắt trẻ em lao động, ông Nguyễn Hải Hữu, Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bộ LĐ - TB&XH rất trăn trở: liệu đến năm 2016, Việt Nam có xóa bỏ được vấn đề bắt trẻ em lao động như đã hoạch định hay không? Và trong từng ấy năm, liệu chúng ta có thực hiện đúng cam kết xây dựng chương trình hành động này một cách có hiệu quả?

Tình trạng trẻ em phải lao động quá sớm hiện vẫn còn phổ biến.


Bố mẹ bắt con lao động sớm
Nhiều chuyên gia lao động trong nước và quốc tế cũng bày tỏ quan điểm lo lắng về tình trạng trẻ em phải bỏ học sớm hoặc có nguy cơ phải bỏ học để tham gia lao động trong những môi trường lao động nặng nhọc, độc hại, mức lương quá thấp, thậm chí không có lương. Có em bị bóc lột tới vài năm  mà không ai biết hoặc có nhiều bé gái bị rơi vào tình trạng bị cưỡng bức… với những nhân chứng có thực tại Hà Nội và các tỉnh, thành trong cả nước vài năm trở lại đây. Đó là những em bé bị vắt kiệt sức lao động nhưng chỉ được ba bữa ăn trong ngày (chỉ có 41% số trẻ được hỏi được nhận tiền lương, tiền công), là những trẻ em từ 5 đến 17 tuổi phải bỏ học  đi kiếm tiền mang về cho bố mẹ... Kết quả khảo sát tình trạng trẻ em lao động sớm của Sở LĐ-TB&XH Hà Nội trên một số quận, huyện trong giai đoạn 2009-2010 cho biết: có gần 85% trẻ em tham gia lao động nặng nhọc, độc hại đang đi học, trong  đó  có 18,3% đang học tiểu học, 54,57% đang học THCS và 27% đang học THPT. Có gần 60% trẻ em trong diện điều tra phải làm việc sau giờ đi học, gần 40% làm việc cả trước và sau giờ đi học.

Có nhiều nguyên nhân trẻ bỏ học để lao động sớm, trong đó có nguyên nhân từ chính bố mẹ của các em. Phần lớn các gia đình có con lao động sớm là do hoàn cảnh nghèo nên chính họ bắt các con phải lao động để đóng góp cho gia đình. Một số em do học kém, lười học nên không còn lựa chọn nào khác là đi làm để giúp đỡ gia đình. Như vậy, có thể thấy, đa số trẻ em lao động sớm là do áp lực từ  gia đình. Theo ông Nguyễn Hải Hữu thì nhiều người vẫn chưa ý thức được sự ép buộc con cái đi làm sớm là không nên, là sai phạm, mà nếu có biết đó là sai thì cũng chưa có luật nào quy định bắt phạt bố mẹ đã bắt con lao động sớm.

Phải có cam kết hành động!
Vấn đề lạm dụng và bóc lột sức lao động trẻ em không chỉ là nguy cơ trước mắt, nó sẽ tồn tại vĩnh viễn nếu chúng ta không hành động cụ thể. Các chuyên gia lao động cho rằng, các cơ quan chức năng cần vào cuộc và xác định hành động can thiệp. Chẳng hạn: Chúng ta sẽ làm gì? Cách  làm như thế nào? Ai làm? Thời gian làm trong bao lâu? Có được kết quả gì từ những hành động này?… Bên cạnh đó, cần tác động đến các cơ quan  chức năng  tập trung hoạch định chính sách, thay đổi một số điểm chưa hợp lý trong các quy định, rút ra các mô hình, cơ chế hợp lý từ các địa phương. Các cơ quan thực hiện phải có cách tuyên truyền để chính các ông bố, bà mẹ, cộng đồng hiểu rằng phải xóa bỏ tình trạng bắt trẻ em lao động. Sở LĐ- TB&XH Hà Nội  đưa ra 9 khuyến nghị với mong muốn cùng cả nước xây dựng chương trình hành động về xóa bỏ tình trạng bắt trẻ em lao động ở Hà Nội. Trước tiên, cần thống nhất quy định độ tuổi giữa Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 và Bộ luật Lao động 2002 và nên mở rộng độ tuổi là trẻ em dưới 18 tuổi. Với các địa phương, cần xây dựng kế hoạch có thời hạn xóa bỏ các hình thức trẻ em lao động nặng nhọc, độc hại; đồng thời cần đóng vai trò tích cực hơn trong phối hợp với ngành giáo dục, các nhà trường tại địa bàn để vận động, thu hút trẻ đến trường.

Đặc biệt, đề nghị chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội địa phương chủ động tham gia  đàm phán, thỏa thuận tiền lương, tiền công giữa chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ và người lao động. Nếu khuyến nghị này được chấp nhận thì ít nhất từ nay đến lúc chúng ta xóa bỏ được lao động trẻ em, các em vẫn được hưởng sự công bằng từ sức lao động của mình. Theo ông Nguyễn Hải Hữu, đến năm 2013 Bộ LĐ - TB&XH sẽ trình Chính phủ phê duyệt phương án sửa một số điều trong Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em và Bộ luật Lao động cho phù hợp với thực tế. Theo kế hoạch, các tỉnh, thành trong cả nước đã có cam kết từ nay đến hết 2016 phải xây dựng được lộ trình xóa bỏ lao động trẻ em.

Kim Vũ