Lan rộng do địa phương chậm phản ứng
Xã hội - Ngày đăng : 07:17, 07/04/2011
Nhiều địa phương giấu bệnh
Tiêm vắc xin phòng dịch trên đàn lợn ở xã Cao Viên, huyện Thanh Oai (Hà Nội). Ảnh: Hoàng Hùng – TTXVN
Dịch LMLM xảy ra từ tháng 9-2010, nhưng đến nay chưa có dấu hiệu lắng dịu. Dịch xảy ra trên địa bàn 1.680 xã, phường, thị trấn của 241 quận, huyện, thuộc 39 tỉnh, thành phố, làm 133 nghìn con gia súc mắc bệnh, trong đó hơn 70 nghìn con trâu bò, còn lại là lợn. Cục trưởng Cục Thú y Hoàng Văn Năm cho rằng, dịch xảy ra nặng như hiện nay một phần do biến đổi của virus, nhưng chủ yếu do nguyên nhân chủ quan trong phòng dịch, phản ứng với dịch. Đáng lo ngại, việc phát hiện, báo cáo dịch chậm, trung bình đối với các địa phương là 24 ngày, một số nơi, dịch xảy ra hơn 3 tháng nhưng không biết hoặc thờ ơ, đến khi đoàn của trung ương kiểm tra phát hiện mới công bố. Qua kiểm tra đã phát hiện nhiều nơi buông lỏng, thả nổi, có tỉnh chỉ triển khai trên giấy tờ, văn bản; Ban chỉ đạo tê liệt, giấu dịch và không triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
Để tháo gỡ khó khăn do thiếu vắc xin chống dịch, Chính phủ đã quyết định phê duyệt Chương trình quốc gia phòng chống bệnh LMLM giai đoạn 2011-2015 triển khai từ tháng 8-2010, được cấp miễn phí 100% vắc xin, vùng đệm 50%, người dân chịu trách nhiệm 50%. Tuy nhiên, ở nhiều tỉnh người dân không đóng góp, phần lớn chờ trung ương nên xảy ra tình trạng thiếu vắc xin. Hơn nữa, Việt Nam chưa sản xuất được vắc xin LMLM, nên bị động trong cung ứng.
Hà Nội chủ động khoanh vùng dập dịch
Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay tại Hà Nội đã xảy ra LMLM tại 20 xã thuộc 7 huyện làm hơn 800 con gia súc mắc bệnh. Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Huy Đăng, ngay sau khi phát hiện ổ dịch, UBND TP, Sở NN&PTNT và các ngành, địa phương quyết liệt chỉ đạo, chủ động khoanh vùng, khống chế dịch bệnh. Hiện, tình hình chăn nuôi trên địa bàn TP cơ bản ổn định và các ổ dịch đã qua 21 ngày. UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, chỉ đạo các địa phương tiêm phòng thành 2 đợt trong năm 2011. Hiện đợt 1 đã cơ bản hoàn thành với số lượng tiêm 825.169 liều vắc xin dịch tả lợn; gần 4 triệu liều vắc xin cúm gia cầm và 164.393 liều vắc xin LMLM. Đợt 2 sẽ tiến hành từ ngày 10-9 đến ngày 10-10-2011.
Quyết liệt chống dịch từ cơ sở
Qua thực tế chống dịch lãnh đạo các tỉnh đề xuất nhà nước cần tạo hành lang pháp lý để địa phương chủ động xây dựng cơ chế, chính sách phòng, chống dịch, hỗ trợ nông dân. Đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam đề nghị trung ương ủy quyền cho tỉnh mức hỗ trợ phù hợp với thị trường ngay tại địa phương. Đại diện tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, lực lượng thú y cơ sở mỏng, mỗi xã có 1 cán bộ thú y nhưng phụ trách khoảng 20 thôn với hàng nghìn con gia cầm, gia súc. Hiện, kiểm dịch chỉ thực hiện được ở các trang trại chăn nuôi, còn các hộ nhỏ lẻ không kiểm soát được. Tại Tiền Giang, mặc dù có khoảng 1.100 thú y viên nhưng cơ chế chưa rõ ràng nên công tác phòng dịch gặp khó khăn.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát thừa nhận chính sách hỗ trợ còn những bất cập, Bộ sẽ đề xuất Chính phủ xem xét vấn đề hỗ trợ để lực lượng cán bộ thú y hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chỉ đạo các biện pháp chống dịch, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu các ngành, địa phương giám sát chặt chẽ dịch tễ. Trong tháng 4, Cục Thú y cử cán bộ về các vùng xây dựng bản đồ dịch tễ để có cơ sở tiêm phòng và sử dụng vắc xin phù hợp. Tiếp tục kiểm soát vận chuyển và giết mổ gia súc, gia cầm. Kiên quyết không bán gia súc mắc bệnh và không cấp giấy chứng nhận cho gia súc mắc bệnh cho dù đã hết triệu chứng, nếu để xảy ra thì đây là hành vi vi phạm pháp luật. Xử lý ổ dịch, chống dịch phải thực hiện theo quyết định của Chính phủ, Thông tư của Bộ; kiểm tra và xử lý nghiêm những người không tuân thủ luật pháp, nhất là những cán bộ thú y tư lợi trong phòng, chống dịch.