Phát triển Đảng trong HSSV: Không xem nhẹ chất lượng
Chính trị - Ngày đăng : 07:10, 07/04/2011
Tín hiệu vui
Các đảng viên trẻ trưởng thành từ trường đại học tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong, gương mẫu trước quần chúng. Ảnh: Đình Trân
Bí thư Đảng ủy khối các trường ĐHCĐ Hà Nội Nguyễn Thị Hường đánh giá rất cao ý nghĩa buổi tọa đàm "Công tác phát triển Đảng trong HSSV Thủ đô - thực trạng và giải pháp" do Báo Hànộimới và Thành đoàn Hà Nội tổ chức năm 2010. Tại đây, những khó khăn, vướng mắc đã được thẳng thắn chia sẻ, giúp cho cấp ủy các cấp có cái nhìn khách quan, thêm quyết tâm vượt khó. Hơn một năm qua, cùng với việc chỉ đạo 61 TCCSĐ tổ chức đại hội nhiệm kỳ 2010-2015 thành công, Đảng ủy khối đã tập trung cho công tác bồi dưỡng, kết nạp đảng viên là HSSV. Nhiều giải pháp được đảng bộ các trường triển khai quyết liệt, xây dựng cơ chế tạo nguồn, tạo môi trường để HSSV phấn đấu, rèn luyện. Số lượng đảng viên được kết nạp cũng được coi là chỉ tiêu thi đua, đánh giá, xếp loại, tạo động lực để các chi bộ, đảng bộ phấn đấu. Đảng ủy khối đã ủy quyền cho 20 đảng bộ các trường được xét, quyết định kết nạp đảng viên, tạo sự chủ động cho cơ sở.
Năm 2010, Đảng bộ Trường ĐH Thủy lợi (trực thuộc Đảng bộ khối các trường ĐHCĐ Hà Nội) tiếp tục giành được nhiều kết quả trong công tác phát triển Đảng. Đảng ủy giao cho Đoàn trường chịu trách nhiệm cùng chi bộ sinh viên, đảng ủy các khoa tích cực phát hiện, giới thiệu đoàn viên ưu tú để bồi dưỡng, kết nạp. Kết quả, sau 4 đợt kết nạp đảng viên (đợt 3-2, 19-5, 2-9 và 20-11), đến nay toàn đảng bộ có 513 đảng viên, trong đó 108 là SV. Ngoài ĐH Thủy lợi, Đảng bộ Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội, ĐH Công đoàn, ĐH Lâm nghiệp… cũng phát triển được từ 30 đến 50 đảng viên là HSSV. Đáng nói, Chi bộ Trường Cao đẳng Nghề Phú Châu (Cầu Diễn - Từ Liêm) trong năm 2010) đã kết nạp được 9 đảng viên, nâng tổng số lên 17 đảng viên. Một số đảng bộ, chi bộ nhiều năm không kết nạp được đảng viên nào thì năm qua cũng có tiến triển tốt. Nếu như năm 2010, toàn Đảng bộ TP kết nạp được hơn 11.000 đảng viên thì riêng Đảng bộ khối các trường ĐHCĐ kết nạp được 1.347 đảng viên, trong đó 50% là HSSV.
Lượng đồng với chất
Phát triển được nhiều đảng viên là đích mà các đảng bộ phấn đấu nhưng không vì thế mà coi nhẹ chất lượng. Bí thư Đảng ủy khối các trường ĐHCĐ Hà Nội Nguyễn Thị Hường cho biết, 100% TCCSĐ trực thuộc đều xây dựng quy trình kết nạp xác định, coi trọng số lượng nhưng không xem nhẹ chất lượng. Đảng bộ Trường ĐH Lâm nghiệp khi chọn đối tượng để xét bồi dưỡng, kết nạp đều căn cứ vào kết quả học tập trung bình từ 7.0 trở lên. Ngoài ra, SV còn phải tích cực tham gia nghiên cứu khoa học và phong trào sinh viên tình nguyện.
Cùng với các TCCSĐ thuộc Đảng bộ khối các trường ĐHCĐ Hà Nội, các trường thuộc Đảng bộ ĐH Quốc gia Hà Nội cũng khẳng định, lượng phải đi đôi với chất. Với hơn một vạn sinh viên, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn có nguồn rất dồi dào. Phó Trưởng phòng Tổ chức phụ trách Văn phòng Đảng ủy nhà trường Phạm Ngân Trinh chia sẻ, từ khi trường áp dụng mô hình đào tạo tín chỉ, ngoài học lực còn đặc biệt chú trọng đến hoạt động phong trào đoàn thể và sự tự khẳng định của SV. Những SV tiêu biểu, sôi nổi hoạt động sẽ được đưa vào "tầm ngắm". Năm thứ hai, chi bộ bắt đầu phân công theo dõi, bồi dưỡng, giúp đỡ, định hướng cho SV phấn đấu, rèn luyện… cho đến năm thứ tư xét và tổ chức kết nạp, hoàn thiện một quy trình. Quy trình chặt chẽ, hầu hết các em sau khi được vào đảng, tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong, gương mẫu trước các quần chúng.
Vũ Đình Phong, SV năm thứ tư, K52 Khoa Lưu trữ học - Quản trị văn phòng vinh dự được kết nạp đảng đúng dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đoàn. Em cho biết, ngay từ năm thứ nhất, thấy các anh chị năm thứ tư được kết nạp đảng, em đã đặt ra mục tiêu cho mình. Trở thành đảng viên, em thấy mình trưởng thành hơn, ngoài việc học tốt cho bản thân còn phải giúp đỡ bạn bè cùng tiến bộ, thực hiện nhiệm vụ chi bộ phân công.
Bà Phạm Ngân Trinh cũng cho biết, đảng bộ các trường đang lúng túng trong việc duy trì sinh hoạt đảng cho những đảng viên là HSSV khi các em đi thực tập, hoặc tốt nghiệp ra trường nhưng chưa xin được việc làm. Việc sinh hoạt đảng không đều đặn, cá biệt có đảng viên (là sinh viên) hàng năm trời bỏ sinh hoạt, không đóng đảng phí. Từ thực trạng như vậy, Đảng bộ TP cần nghiên cứu, thành lập một tổ chức đảng làm nơi sinh hoạt cho các đối tượng là đảng viên HSSV sau ra trường chưa xin được việc làm, nhằm duy trì quá trình phấn đấu, rèn luyện, trưởng thành của đảng viên trẻ.