Tập trung nguồn lực, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô
Chính trị - Ngày đăng : 07:15, 06/04/2011
Cùng điều hành có các đồng chí Phó Bí thư Thành ủy: Nguyễn Công Soái, Nguyễn Thế Thảo, Ngô Thị Doãn Thanh, Tưởng Phi Chiến. Hội nghị đã đề cập 4 nội dung quan trọng: Kết quả phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) Thủ đô 3 tháng đầu năm; Kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2011-2015; Dự thảo chương trình công tác tăng cường quốc phòng - an ninh và một số vấn đề về công tác cán bộ.
Tháo gỡ ách tắc
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Bá Hoạt
Báo cáo tóm tắt về tình hình KT-XH của Thủ đô quý I-2011 do Phó Chủ tịch UBND TP Hoàng Mạnh Hiển trình bày tại hội nghị cho thấy: Trong bối cảnh không thuận lợi, lạm phát, lãi suất tăng cao, tình hình quốc tế diễn biến phức tạp nhưng tổng sản phẩm nội địa của TP vẫn tăng 9,2%, cao hơn so với cùng kỳ năm trước. An sinh xã hội được bảo đảm; công tác giáo dục, văn hóa, y tế tiếp tục đạt kết quả tốt; công tác quy hoạch, quản lý xây dựng và phát triển đô thị, xử lý môi trường được tăng cường… TP đã ứng 400 tỷ đồng hỗ trợ 14 doanh nghiệp (DN) dự trữ hàng hóa thiết yếu nhằm bình ổn giá, kiềm chế lạm phát; bước đầu đề xuất đình hoãn, giãn tiến độ 17 dự án TP quản lý, 97 dự án quận, huyện, thị xã quản lý. TP đã chỉ đạo quyết liệt và tích cực việc ngừng các đoàn đi công tác nước ngoài, giảm các cuộc hội nghị, tiếp khách không cần thiết. Tổng kinh phí tạm dừng trang bị ô tô, mua sắm tài sản có giá trị lớn và sửa chữa trụ sở thuộc ngân sách thành phố cấp là 88 tỷ đồng.
Bí thư Huyện ủy Ba Vì Hoàng Thanh Vân cho rằng, đây là thành công lớn của Thủ đô. Tuy nhiên, công tác quy hoạch và CCHC liên quan đến xây dựng nông thôn mới còn lúng túng. Hiện nay, cơ sở đang rất thiếu nhà tư vấn xây dựng quy hoạch. Nguồn vốn từ quỹ đất tại chỗ chưa được khai thác hiệu quả vì việc triển khai đấu giá quyền sử dụng đất vướng nhiều thủ tục. Nếu không giải quyết được ách tắc này, đến năm 2015, khó có thể thực hiện được mục tiêu 40% số xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Theo Bí thư Quận ủy Hà Đông Lê Hồng Thăng, Hà Nội đã có giải pháp để đẩy mạnh CCHC. Tuy nhiên chỉ số cạnh tranh về môi trường đầu tư còn rất thấp. Vì vậy, cần có giải pháp mới, ví dụ như Ủy ban Kiểm tra các cấp cần kiểm tra điểm về CCHC, để từ đó rút kinh nghiệm, có giải pháp khắc phục. Phản ánh những bất cập trong CCHC, Bí thư Quận ủy Hà Đông dẫn thêm một ví dụ, quận triển khai xây dựng một nhà trẻ mà sau gần 2 năm vẫn chưa thi công được, tất cả chỉ tại chỉ giới đường đỏ chưa được xác định.
Trước phản ánh của nhiều địa phương, lãnh đạo Sở Quy hoạch và Kiến trúc, Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định, trong tương lai gần, tình trạng này sẽ chấm dứt. Về vấn đề này, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho rằng, TP đã phân cấp việc đấu giá đất, việc triển khai chậm, là do xử lý cứng nhắc. Tại thôn, xã đấu giá mấy chục mét vuông nhưng thủ tục phải thực hiện không ít hơn so với đấu giá mấy trăm hécta. Vì vậy, để khắc phục những vướng mắc này, cần đẩy mạnh phân cấp để giảm thủ tục, nơi nào làm sai phải hậu kiểm, xử lý nghiêm minh và tăng cường sự phối hợp giữa quận, huyện với sở, ngành. Không riêng lĩnh vực quy hoạch hay CCHC, chính quyền TP, các quận, huyện phải nâng trách nhiệm, triển khai hiệu quả Nghị quyết 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát...
Phát triển kinh tế tri thức, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Trong giai đoạn 2011-2015, TP xác định cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nền tảng vật chất kỹ thuật và văn hóa của Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại gắn với phát triển kinh tế tri thức. 5 năm tới, đất nông nghiệp của Hà Nội chỉ còn 177 nghìn hécta, quy mô dân số khoảng 7,2-7,4 triệu người, trong đó có khoảng 4,55 triệu người trong độ tuổi lao động. Dự kiến cơ cấu lao động đến năm 2015 là: Dịch vụ 53-54%; công nghiệp - xây dựng 24-25%; nông nghiệp 21-23%. Bảo đảm mức tăng trưởng GDP khoảng 12-13%/năm, tổng số vốn đầu tư xã hội trong 5 năm tới Hà Nội cần huy động khoảng 1.400-1.500 nghìn tỷ đồng.
Năm nhiệm vụ trọng tâm, 2 khâu đột phá và 7 giải pháp đã được TP triển khai, với những bước đi cụ thể để thực hiện các mục tiêu này. Trong đó, TP sẽ ưu tiên phát triển khoa học công nghệ, giáo dục-đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô trong thời kỳ mới, phát triển mạnh kinh tế tri thức, đi đầu trong đào tạo nhân tài và nguồn nhân lực chất lượng cao…
Theo Bí thư Quận ủy Hoàn Kiếm Hoàng Công Khôi, 5 năm tới tình hình rất khó khăn, cần phải đẩy mạnh quan hệ đối ngoại để thu hút đầu tư nước ngoài và cả trong nước. TP phải xác định công tác giải phóng mặt bằng là yếu tố tiên quyết, cải thiện môi trường đầu tư đi đôi với chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật, CCHC, nâng cao chỉ số cạnh tranh. Bí thư Quận ủy Long Biên Vũ Đức Bảo cũng cho rằng, TP cần tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho địa phương và nên phân cấp theo hai khối quận, huyện riêng biệt để bảo đảm tính chủ động cho cơ sở. Bên cạnh đó, TP cần tập trung tháo gỡ vướng mắc trong cơ chế, chính sách (chủ yếu ở quận, huyện, sở, ngành). Theo Bí thư Huyện ủy Mê Linh Lê Văn Hoạt, việc Hà Nội cần làm trong 5 năm tới là đầu tư xây dựng hạ tầng khung, đầu tư các công trình, dự án trọng tâm, trọng điểm. Dự báo bình quân hằng năm sẽ có 200-220 nghìn lao động mất việc làm hoặc thiếu việc làm do chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Do vậy, TP cần quan tâm đến công tác đào tạo, giải quyết việc làm cho đối tượng này. Đặc biệt, TP phải có giải pháp thể hiện rõ quan điểm phát triển nhanh và bền vững theo lộ trình; đồng thời triển khai bài bản, quyết liệt việc xây dựng nông thôn mới, tránh hình thức, kém hiệu quả.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đã tiếp thu các ý kiến và giải trình một số vấn đề. Theo đó, vấn đề phân cấp quản lý đã được TP thực hiện từ lâu, như phân cấp về ngân sách, thu chi hành chính nhằm tăng quyền quản lý hành chính cho địa phương, kể cả đầu tư xây dựng, cấp phép… Chủ tịch UBND TP khẳng định, 5 năm tới, TP tiếp tục đẩy mạnh phân cấp hơn nữa, với phương châm: "Cấp trên dứt khoát không làm cái gì cấp dưới làm được". TP sẽ hỗ trợ để cơ sở có đủ năng lực thực hiện phân cấp. Cùng với đẩy mạnh phân cấp, TP sẽ tăng cường kiểm tra, để tăng hiệu quả phân cấp.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị: Hà Nội quyết tâm kiềm chế lạm phát Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị khẳng định, tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị của TP thời gian tới được dự báo có rất nhiều khó khăn, thách thức, mức độ có thể còn lớn hơn so với những tháng đầu năm. Để thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ năm 2011 và các năm tiếp theo, các cấp, các ngành cần theo sát tình hình, tăng cường công tác dự báo, đề ra các giải pháp phù hợp, chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ đề ra. Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, cùng với việc phân tích, làm rõ khó khăn, thách thức và tác động đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, TP cần tiếp tục kiến nghị, đề xuất các giải pháp thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 11 của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. TP cũng cần khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, nhất là trong công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp. Tiếp tục thực hiện CCHC, nâng cao năng lực cạnh tranh về môi trường đầu tư… Tổ chức thành công cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIII và HĐND các cấp. Về kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2011-2015, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho biết, đây là sự cụ thể hóa một bước, bảo đảm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XV Đảng bộ TP. Mục tiêu tổng quát của kế hoạch là phát huy các nguồn lực và sức mạnh tổng hợp của TP; xây dựng và phát triển Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, đi đầu trong phát triển kinh tế tri thức và nâng cao chất lượng chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Phát triển kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững, hài hòa với phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. |