Hàng bình ổn điều chỉnh theo thị trường

Kinh tế - Ngày đăng : 07:07, 06/04/2011

(HNM) - Chi phí đầu vào liên tục biến động nên các doanh nghiệp tham gia bán hàng bình ổn không thể "chốt giá" như năm 2010. Từ ngày 1-4, TP Hồ Chí Minh cho phép hàng bình ổn được điều chỉnh theo giá thị trường và phải bảo đảm thấp hơn ít nhất 10% so với giá thị trường.

Trong khi đó, để "sống chung" với tăng giá, các bà nội trợ phải xoay xở đủ cách để tiết kiệm: từ thay đổi cách chi tiêu, bỏ bớt những nhu cầu không thiết yếu đến chọn hàng nội thay hàng ngoại…

Từ ngày 1-4, TP Hồ Chí Minh bắt đầu bước vào đợt bình ổn giá mới, kéo dài đến ngày 31-3-2012. Số tiền bình ổn là 412 tỷ đồng, dành cho 22 DN vay không lãi suất. Có 9 nhóm hàng được bình ổn (tăng thêm nhóm hàng thủy hải sản so với năm ngoái). Hằng tháng các DN bán hàng bình ổn sẽ đưa ra thị trường 5.500 tấn gạo nếp, 2.100 tấn đường, 800 tấn dầu ăn, 18 triệu quả trứng gia cầm, 1.430 tấn rau củ quả và hơn 1.700 tấn thịt gia cầm, 1.000 tấn thực phẩm chế biến, 165 tấn thủy hải sản, đáp ứng khoảng 20-25% nhu cầu.

Do năm 2010 các DN bình ổn bị lỗ khi chốt giá từ tháng 6-2010 trong khi giá thị trường liên tục tăng, nên năm nay TP Hồ Chí Minh cho phép hàng bình ổn được tăng giá theo thị trường, nhưng bảo đảm thấp hơn ít nhất 10%. Sau đó, nếu giá nguyên liệu đầu vào tăng 15% thì DN được phép điều chỉnh tăng, nhưng phải thấp hơn giá thị trường 10%; ngược lại khi giá thị trường giảm 5%, thì các đơn vị này phải giảm tương ứng. Theo Sở Công thương, cơ chế linh hoạt này sẽ giúp DN bình ổn không phải chịu lỗ và không còn cảnh đầu cơ gom hàng bình ổn ra thị trường bán như thời gian qua.

Các DN đã đề xuất điều chỉnh tăng giá bán từ ngày 1-4. Theo đó, mức tăng sẽ từ 9% đến 43% (so với giá tháng 6 - 2010). Tăng cao nhất là dầu ăn, từ 25.000 đồng lên 36.000 đồng/lít (tăng 43%), gạo trắng thường từ 8.000 đồng lên 10.800 đồng/kg, đường RE từ 18.000 đồng lên 22.000 đồng/kg, thịt heo từ 70.000 đồng lên 83.000 đồng/kg...

Để "giải" bài toán chi phí trong thời tăng giá, nhiều bà nội trợ đã tính toán lại cách chi tiêu. Chị Nguyễn Tuyết Minh (quận Tân Bình) cho biết, hằng tháng gia đình chị đều phải tính rất kỹ 10 triệu đồng tiền lương của 2 vợ chồng cho cả 4 miệng ăn. Vì vậy, mỗi khi ra chợ chị phải tính toán chi ly.

Bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc Quan hệ công chúng và đối ngoại của BigC cho biết, ưu tiên hàng thiết yếu và thực phẩm là sự lựa chọn của người tiêu dùng trong thời điểm này. Người tiêu dùng sẵn sàng bỏ qua những thương hiệu quen thuộc để cân nhắc đến những sản phẩm có chất lượng tương đương mà giá rẻ hơn. Theo thống kê của Saigon Co.op, sự chuyển dịch cách chi tiêu không phải mới bắt đầu từ đợt tăng giá này, mà là từ giữa năm 2009, nhưng những tháng đầu năm 2011 là rõ nhất.

Từ đầu năm 2011 chi tiêu cho hàng thực phẩm khoảng 57% và phi thực phẩm còn 43%.

Cùng với thay đổi chi tiêu thiết yếu, những nhu cầu dịch vụ khác cũng được cắt giảm tối đa. Chủ tiệm cắt tóc Hương trên đường Trương Định cho biết, lượng khách vào cắt tóc, gội đầu ở tiệm giảm khoảng 1/4. Đây cũng là tình trạng chung của một số cửa hàng thuộc dịch vụ làm đẹp trên địa bàn. Vì vậy, dù giá cả thị trường, điện nước tăng, giá mặt bằng cho thuê cũng tăng giá nhưng các chủ cửa hàng này vẫn không dám tăng giá dịch vụ để giữ chân khách.

Bình ổn giá thuốc và dụng cụ học tập

Từ ngày 1-4, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh khởi động chương trình bình ổn giá thuốc, kéo dài đến ngày 31-3-2012. Có 10 nhóm thuốc thiết yếu với 40 loại thuốc sản xuất trong nước tham gia chương trình. Giá thuốc bình ổn thấp hơn giá thị trường 10%. Các nhà thuốc tham gia bình ổn sẽ niêm yết giá và có logo để người dân nhận biết hàng bình ổn. Sau thời gian này sẽ mở rộng mặt hàng và đối tượng tham gia.

Từ ngày 1-5, TP Hồ Chí Minh cũng bắt đầu thực hiện bình ổn dụng cụ học tập gồm tập vở, cặp ba lô, túi xách và đồng phục học sinh phục vụ mùa khai trường năm học 2011-2012. Giá bán cũng thấp hơn ít nhất 10% so với giá thị trường.

Thùy Linh