Cần có tiếng nói chung
Xã hội - Ngày đăng : 06:51, 06/04/2011
Niềm tin… không có cơ sở
Cho đến nay, nghi lễ khai ấn có từ thời nhà Trần hay không vẫn còn là chuyện gây tranh cãi, chưa nói đến việc phát ấn đại trà. Người thì cho rằng dưới thời Trần, khai ấn là nghi thức mở đầu cho một năm làm việc của bộ máy chính quyền. Sau này, người dân tiếp tục duy trì mỹ tục này để tưởng nhớ công đức của các vua Trần, đồng thời giáo dục con cháu truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm, bảo vệ xã tắc. Người lại nói không có căn cứ lịch sử về việc phát ấn, mà các đơn vị hành chính thời phong kiến thường phong ấn trước Tết và khai ấn sau Tết để đánh dấu thời điểm nghỉ Tết và ngày bắt đầu hoạt động trở lại.
Du khách thập phương tới dâng hương, dự Lễ khai ấn Đền Trần (Nam Định). |
Trước báo giới, nhà văn Hoàng Quốc Hải, tác giả bộ tiểu thuyết nổi tiếng “Bão táp triều Trần” đã nhiều lần gay gắt: “Lễ khai ấn Đền Trần là một câu chuyện bịa. Chưa hề có sử sách nào viết về lệ khai ấn cả. Nếu có chuyện khai ấn thì là sau Tết Thượng nguyên, người thủ ấn (người giữ ấn) sẽ tự làm việc đó, chứ làm gì có việc đóng hàng loạt ấn cho khắp bàn dân thiên hạ. Hãy đọc “Lịch triều hiến chương loại chí” của nhà sử học Phan Huy Chú mà xem, nếu có lệ thì chắc chắn đã được ghi trong đó”.
Mặc dù vậy, không ai có thể phủ nhận rằng lễ khai ấn Đền Trần đã có từ hàng trăm năm nay. Cũng như nhiều lễ hội cổ truyền tưởng nhớ các danh nhân, anh hùng dân tộc khác, lễ khai ấn Đền Trần có ý nghĩa tôn vinh sức mạnh dân tộc, khơi dậy tinh thần đoàn kết, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, thái bình thịnh trị… Đáng tiếc là hiện nay nghi lễ tốt đẹp này đang mất dần ý nghĩa.
Việc người dân đổ xô về Đền Trần vào đêm 14, rạng sáng ngày 15 tháng Giêng hằng năm để mua ấn, xin ấn với mong muốn sự nghiệp được hanh thông, thăng quan tiến chức, phát tài, phát lộc là niềm tin hoàn toàn không có cơ sở. Minh chứng rõ nhất chính là những chữ được in trên ấn, có ý nghĩa khác hoàn toàn với thăng quan tiến chức.
Về câu chuyện nhận được ấn sẽ thăng quan tiến chức, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Nguyễn Văn Tuấn cũng khẳng định: “Đó là câu chuyện lan truyền ngoài xã hội chứ người dân Nam Định và cá nhân tôi không bao giờ nghĩ như vậy”. Ông Tuấn còn thẳng thắn: “Nếu xin được ấn mà thăng quan tiến chức thì Nam Định có nhiều người làm quan lắm. Nhưng thực tế đâu phải vậy, nếu không học hành đàng hoàng, không chăm chỉ làm việc, không cố gắng phấn đấu thì miếng cơm hằng ngày cũng không có mà ăn, nói gì đến chức tước, bổng lộc”.
Cần sớm có tiếng nói chung
Như Hànộimới đã thông tin, sự lùm xùm trong lễ khai ấn Đền Trần những năm gần đây đã được Bộ VH,TT&DL có văn bản số 291 ngày 28-3. Văn bản này yêu cầu lễ khai ấn tại Đền Trần phải được tổ chức đúng theo các nghi thức truyền thống; không tổ chức phát ấn vào đêm 14 tháng Giêng; đồng thời giao cho Viện Văn hóa - Nghệ thuật Việt Nam phối hợp với Sở VH,TT&DL và UBND thành phố Nam Định xây dựng mô hình quản lý, tổ chức lễ khai ấn một cách phù hợp nhất.
Các đơn vị được giao nhiệm vụ đang triển khai nghiên cứu, nhưng xem ra, tìm được tiếng nói chung trong việc quản lý lễ khai ấn không phải là điều dễ dàng. Chánh Thanh tra Bộ VH,TT&DL Vũ Xuân Thành lên tiếng: “Trước hết, chính quyền địa phương cần phải xem xét lại việc in hàng vạn ấn lộc và phát tràn lan cho mọi người như vậy có đúng truyền thống không? Việc duy trì phát ấn lấy tiền một cách ồ ạt có phải là biểu hiện của “thương mại hóa”? Trả lời được những câu hỏi này, lắng nghe dư luận xã hội, tỉnh Nam Định sẽ lấy lại được vẻ đẹp của lễ hội Đền Trần và không bị nhiều ý kiến phê phán như thời gian qua”.
Từ phương diện của một nhà nghiên cứu, PGS. TS Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Viện Văn hóa - Nghệ thuật Việt Nam cho rằng: Mấy năm gần đây, phạm vi, quy mô, đối tượng phát lộc ấn đã bung ra đến mức không thể kiểm soát nổi. Thực tế đó đòi hỏi các nhà quản lý văn hóa, lãnh đạo địa phương, Ban Quản lý di tích đền Trần phải nhìn nhận và đánh giá một cách nghiêm túc về sự thương mại hóa quá đà trong việc phát ấn lộc cho du khách.
Là người từng tham gia nghiên cứu phục hồi lễ hội khai ấn Đền Trần, nguyên Giám đốc Sở VH,TT&DL Nam Định cho biết: Tương truyền, sau khi tổ chức lễ khai ấn, các vua Trần chỉ phát ra 3 lá ấn trong 3 di tích là Chùa Phổ Minh, Đền Trần và Đền Cố Trạch, không có chuyện phát hàng vạn lộc ấn như hiện nay. Nghi lễ, mỹ tục của người xưa là thế, nhưng chính quyền TP Nam Định vẫn mong muốn được duy trì lễ hội khai ấn, phát ấn tại đền Trần vào những năm tiếp theo.