Mục tiêu tăng thu nhập đầu người lên 7.500 USD/năm

Kinh tế - Ngày đăng : 07:00, 05/04/2011

(HNM) - Hà Nội thể hiện rõ quyết tâm giữ vững vị trí đầu tàu cả nước về kinh tế - xã hội (KT-XH) trong Chương trình hành động vừa được ban hành nhằm thực hiện Chiến lược phát triển KT-XH của cả nước giai đoạn 2011-2020. Phát triển cơ cấu kinh tế hợp lý, duy trì tăng trưởng 2 con số, TP đặt mục tiêu tăng thu nhập đầu người gấp gần 4 lần hiện tại trong 10 năm tới.


Kinh tế hiện đại, dân sinh phát triển


Lắp ráp linh kiện tại Công ty TNHH máy tính Thế Trung.  


Chiến lược phát triển KT-XH cả nước giai đoạn 2011-2020 được Đại hội lần thứ XI của Đảng thông qua, đặt mục tiêu đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Ngoài ra, GDP tăng trưởng bình quân hằng năm 7-8%, đến năm 2020, GDP tăng gấp 2,2 lần so với năm 2010, thu nhập bình quân đầu người theo giá thực tế khoảng 3.000 USD. Với vị trí, vai trò hiện tại, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tiếp tục là đầu tàu thực hiện các mục tiêu chiến lược. Điều này được TP Hà Nội thể hiện rõ trong chương trình hành động của mình.

Về kinh tế, TP đặt mục tiêu tăng trưởng bình quân trong 5 năm tới tương tự thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XV Đảng bộ TP với mức 12-13%/năm, 5 năm tiếp theo được đặt ở mức thấp hơn là 11-12%. Đây là mức cao hơn tăng trưởng bình quân trong vòng 5 năm qua (10,4%) của TP, nên có thể thấy, Hà Nội rất tự tin vào khả năng, cũng như đặt kỳ vọng vào những yếu tố thuận lợi rất lớn trong những năm tới. Năm 2010, thu nhập bình quân đầu người ở Hà Nội đạt khoảng 1.950 USD. Chỉ số này được TP đặt mục tiêu tăng gấp hơn 2 lần trong 5 năm tới, lên từ 4.100 đến 4.300 USD và tăng gần 4 lần sau 5 năm tiếp theo, lên từ 7.100 đến 7.500 USD vào năm 2020, cao gấp hơn hai lần mục tiêu của cả nước.

Trong 10 năm tới, nông nghiệp TP sẽ chiếm tỷ trọng ngày càng thấp trong cơ cấu kinh tế với mức dưới 4%, thấp nhất xuống còn 2-3% vào năm 2020. Dịch vụ chiếm tỷ trọng cao nhất với mức trên 50%, công nghiệp - xây dựng chiếm phần còn lại. Đặc biệt, Hà Nội xác định "dịch vụ chất lượng cao và trình độ cao đóng vai trò trọng yếu trong cơ cấu kinh tế". Trong đó, TP dự định phát triển trở thành trung tâm đào tạo chất lượng cao của cả nước và có tầm cỡ khu vực. Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2015 đạt 46-47%, tăng lên 54-55% vào năm 2020. Số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới vào năm 2015 chiếm khoảng 40-45%, năm 2020 tăng lên 70%. Những mục tiêu này sẽ thay đổi bộ mặt đô thị và nông thôn Thủ đô.

Cần 180 tỷ USD và hơn thế nữa

Để hoàn thành các mục tiêu nói trên, TP cần quyết tâm thật sự to lớn cùng với những đòi hỏi đa dạng về nguồn lực và cần nguồn vốn đầu tư rất lớn. Tính chung trong 10 năm tới, tổng vốn đầu tư toàn xã hội của TP có thể lên tới trên 4.000.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 180 tỷ USD. Trong đó, giai đoạn 2011-2015 cần 69-70 tỷ USD, giai đoạn 2016-2020 cần khoảng 110-112 tỷ USD. Vốn đầu tư từ ngân sách sẽ đáp ứng khoảng 16-18% tùy theo từng giai đoạn. TP xác định, nguồn nội lực là chủ yếu, huy động tối đa nguồn vốn từ quỹ đất, từ tài sản công thuộc sở hữu nhà nước để phát triển đô thị, kết cấu hạ tầng, chú trọng thu hút vốn từ các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, đẩy mạnh xã hội hóa. Đặc biệt, các giá trị văn hóa sẽ được Hà Nội coi là nguồn lực phát triển quan trọng.

Không chỉ cần nguồn lực về tài chính rất lớn, TP cũng xác định phải hoàn thiện hệ thống quy hoạch và hệ thống cơ chế chính sách. Trong đó, về cơ chế chính sách, Luật Thủ đô là một phần quan trọng tạo điều kiện cho Thủ đô nâng cao hiệu quả quản lý đô thị, cũng như bảo đảm các mục tiêu quản lý khác. Ngoài ra, TP dự định sẽ tiếp tục nghiên cứu đưa vào áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù trong các lĩnh vực: xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị; quản lý và phát triển đô thị; khai thác và sử dụng đất; phát triển văn hóa - xã hội và bảo vệ môi trường, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Những cơ chế đặc thù này sẽ là yếu tố quan trọng quyết định khả năng và hiệu quả khai thác quy hoạch cũng như thu hút các nguồn lực đầu tư.

Võ Lâm