Nhật Bản chưa thay đổi chính sách ODA với Việt Nam
Kinh tế - Ngày đăng : 07:18, 04/04/2011
Nhiều công trình sử dụng nguồn vốn ODA trong đó có Cảng Cái Lân. |
Theo ước tính ban đầu của Ngân hàng thế giới (WB), thảm họa động đất gây sóng thần tại các tỉnh Đông bắc Nhật Bản ngày 11-3 khiến nước này thiệt hại hơn 230 tỷ USD. Đại sứ Tanizaki Yasuaki nói: “Trong thời điểm khó khăn nhất hiện nay, rất nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ cần tiếp tục dành viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho các nước, trong đó có Việt Nam. Đến nay chính sách ODA của Nhật Bản với Việt Nam là không thay đổi, bởi đây là cam kết của lãnh đạo hai nước”. Đại sứ Yasuaki khẳng định, sẽ cố gắng hết sức mình để các dự án ODA của Nhật Bản tại Việt Nam tiếp tục phát huy hiệu quả.
Hơn 20 ngày qua, người dân thủ đô Hà Nội nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung đều hướng về Nhật Bản để cảm thông, chia sẻ những mất mát mà nước bạn đang phải gánh chịu sau thảm họa động đất. Quỹ Trái tim nhân ái Báo Hànộimới đã phát động người dân Thủ đô cũng như các doanh nghiệp trong cả nước ủng hộ nhân dân Nhật Bản sớm khắc phục thảm họa.
- Đại sứ có thể cho biết cảm nhận của ngài về tình cảm giữa hai dân tộc trong thời điểm khó khăn này?
- Khi nhận được rất nhiều lời thăm hỏi, chia sẻ, giúp đỡ của các tầng lớp nhân dân Việt Nam, tôi rất xúc động và cảm kích. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc khi được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các bộ trưởng, đến các doanh nhân, cơ quan thông tin đại chúng, các học sinh… gửi lời thăm hỏi và chia buồn tới các nạn nhân. không chỉ người dân ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh mà người dân ở các địa phương xa xôi cũng thể hiện tình cảm với người dân Nhật Bản. Tình cảm đó sẽ là nguồn động viên lớn lao để người dân Nhật Bản sớm vượt qua thảm họa này. Nhật Bản và Việt Nam là hai quốc gia có quan hệ đối tác chiến lược. Quan hệ này được dựa trên nền tảng tình hữu nghị và tình cảm của nhân dân hai nước dành cho nhau, nhất là trong lúc khó khăn này.
- Vậy những khó khăn lớn mà Chính phủ cũng như người dân Nhật Bản phải đối mặt là gì, đặc biệt trong việc khắc phục thảm họa tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1?
- Sau khi động đất và sóng thần xảy ra, lò phản ứng của Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1 đã tự động ngừng hoạt động hiệu quả, song hệ thống làm mát bị hư hỏng. Tình hình dần được cải thiện nhưng chưa kiểm soát được 100%. Chính phủ Nhật Bản cũng như Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) đang cố gắng hết sức mình, sau khi kiểm soát được tình hình của nhà máy này 100%, các cơ quan hữu quan của Nhật Bản sẽ phân tích tình hình và thông báo lên cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cũng như các nước quan tâm đến việc phát triển nhà máy điện hạt nhân, trong đó có Việt Nam. Hiện việc cung cấp lương thực, nước sinh hoạt… cho người dân tại các tỉnh chịu ảnh hưởng bởi động đất và sóng thần đã được bảo đảm. Tuy nhiên, dịch vụ y tế tại những vùng thiệt hại nặng này vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Hiện vẫn còn hơn 200 nghìn người phải đi sơ tán, nhưng không phải với lý do sự cố của Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1, mà vì động đất khiến họ mất hết tài sản, nhà cửa.
- Người dân Nhật Bản đang thể hiện sự bình tĩnh, can đảm trước một thảm họa ghê gớm, Đại sứ có lời khuyên nào về kinh nghiệm ứng phó khi nó xảy ra?
- Chúng ta có khoa học công nghệ và trí tuệ nhân loại để ứng phó với thiên tai. Ví dụ Nhật có như hệ thống dự báo sớm, hệ thống vệ tinh dự báo khí tượng có thể dự báo được mức độ lũ lụt. Thiết bị này rất hữu ích cho Việt Nam, đặc biệt là khu vực miền Trung. Hai nước có thể hợp tác trong lĩnh vực này. Đối với việc ứng phó với thiên tai, người dân mỗi nước đều có văn hóa và kỹ năng riêng. Tôi thấy Việt Nam cũng đã ứng phó rất tốt với tình trạng khẩn cấp. Cụ thể trong trận động đất ở Nhật vừa qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cùng với sự trợ giúp của Chính phủ Nhật Bản đã nhanh chóng xác nhận sự an toàn của 30.000 người Việt Nam đang sinh sống, học tập tại Nhật. Hệ thống liên lạc của cộng đồng người Việt Nam tại Nhật cũng hoạt động rất hiệu quả. Đặc biệt, tôi đánh giá rất cao hoạt động cứu hộ công dân Việt Nam tại Libya vừa qua.
- Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!