Giữ “hồn” làng Việt

Xã hội - Ngày đăng : 07:21, 03/04/2011

(HNM) - Những năm gần đây, các vùng nông thôn Hà Nội có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều nơi đã mất hẳn hình ảnh cổng làng - nét đặc trưng của nông thôn truyền thống. Để giữ gìn vẻ đẹp này, gắn với phong trào xây dựng làng văn hóa, huyện Đan Phượng đã phục dựng nhiều cổng làng, đáp ứng niềm mong mỏi của người dân.

Cổng làng Đông Khê.

Thôn Đông Khê, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng vừa khánh thành cổng làng trong niềm hân hoan của hàng trăm hộ dân. Bà Nguyễn Thị Bắc, xóm Quán Cả phấn khởi cho hay, "người dân Đông Khê đã ra mắt hẳn một tập thơ nhân dịp khánh thành cổng làng mình đấy". Theo bà Bắc, trước đây, Đông Khê từng có cổng làng. Đó là chiếc cổng gỗ, mái lợp ngói, có những đầu đao cong vút, hai bên là ao sen rất đẹp. Sau hàng trăm năm tồn tại, gắn bó với bao thế hệ, năm 1967, cổng làng Đông Khê bị phá bỏ, dân làng rất tiếc.

Năm 2010, khi có chủ trương phục dựng cổng làng của UBND xã Đan Phượng, bà con rất phấn khởi. Thôn Đông Khê đã tổ chức nhiều buổi họp dân bàn phương án xây dựng cổng làng. Từ rất nhiều phương án, người dân đã chọn phục dựng cổng làng mới trên chính nền cổng cũ, nhưng mở rộng hơn cho phù hợp với nhu cầu giao thông thời hiện đại. Kinh phí xây dựng do nhân dân đóng góp với mức 30 ngàn đồng/hộ, những hộ có điều kiện thì ủng hộ thêm tiền và ngày công. Tháng 1-2011, cổng làng Đông Khê đã hoàn thành đúng dịp Tết Tân Mão. Theo ông Trịnh Minh Tân, 62 tuổi, "ngoài vẻ đẹp về kiến trúc, cổng làng tôi còn đắp 100 chữ "vàng" ứng với đất và người Đông Khê. Bây giờ mỗi khi bước qua cổng làng, chúng tôi thấy yêu quê và truyền thống làng mình". Ông Tân cặn kẽ cắt nghĩa từng chữ: dòng chữ trước cổng là "Minh sinh đông môn", nghĩa là cổng làng Đông, hướng về phía Đông, đón ánh sáng mặt trời (hiểu theo nghĩa khác là ánh sáng sinh ra từ cửa Đông của làng Đông); phía sau cổng làng là dòng chữ "Cát tường đông thổ", nghĩa là đất Đông Khê tốt lành, người dân hạnh phúc, thành đạt… Hình ảnh cổng làng Đông hiên ngang ngăn cản những gì không lành mạnh, chỉ đón những điều tốt đẹp để người dân phồn vượng, an khang.

Làng Đường Lâm.

Ông Nguyễn Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Đan Phượng cho biết, trong lịch sử, Đông Khê là thôn có nhiều người tài về cả học vấn và quân sự. Còn hiện tại thôn có hơn 500 hộ dân, mỗi năm có hàng chục em thi đỗ vào đại học, nhiều gia đình cả nhà có bằng cử nhân trở lên, các mặt kinh tế xã hội khác cũng luôn dẫn đầu toàn xã. Cổng làng được xây dựng mới không chỉ tô đẹp bức tranh làng quê mà còn góp phần gìn giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của người dân.

Trong 3 năm gần đây, toàn huyện Đan Phượng đã có 29 cổng làng được xây mới. Theo ông Trần Trọng Kiểm, Phó Trưởng phòng Văn hóa - thông tin huyện Đan Phượng, xã hội phát triển mạnh mẽ, những chiếc cổng làng nhỏ bé xưa kia không còn phù hợp với giao thông thời hiện đại nữa, nhiều cổng làng cổ bị phá bỏ. Năm 2008, huyện Đan Phượng có chủ trương, kế hoạch về xây dựng cổng làng gắn với xây dựng làng văn hóa. Ban đầu, chủ trương của huyện vận động xây dựng cổng chào vì nó đơn giản, không tốn nhiều kinh phí (chỉ dưới 10 triệu đồng/cổng). Tuy nhiên, khi triển khai xuống các thôn, người dân rất phấn khởi. Nhiều thôn, làng đã tự nguyện đóng góp kinh phí làm cổng làng. Cổng làng mỗi nơi có nét riêng song đều phải bảo đảm quy chuẩn xe cứu hỏa, xe cấp cứu có thể vào ra một cách dễ dàng… Sau 3 năm triển khai, đến nay toàn huyện có 76 thôn làng, khu phố thì 100% đều đã có cổng làng hoặc cổng chào. Nhiều cổng làng được xây dựng với kinh phí lớn, tính thẩm mỹ cao như cổng làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà; cổng làng Đông Khê, xã Đan Phượng; cổng làng Tổ Thôn, xã Liên Hồng…

Cổng làng không chỉ để phân biệt địa giới giữa thôn này với thôn khác, đáp ứng nguyện vọng của người dân, mà còn là dấu ấn đặc trưng của mỗi địa phương, góp phần vào việc gìn giữ nét đặc trưng của vùng nông thôn truyền thống.

Nguyễn Mai