Khoảng trống về trách nhiệm
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:34, 03/04/2011
Hôm qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã gửi điện chia buồn với các gia đình nạn nhân. Cả xã hội cũng đã và đang theo dõi từng giờ thông tin về vụ tai nạn xót lòng này.
Nỗi đau của đá hay chính là nỗi đau của con người? Sự thật thì đá không có lỗi mà là lỗi của con người. Sự vô cảm, vô trách nhiệm đã khiến con người phải chịu đựng sự mất mát quá lớn này. Nhưng liệu nó có còn xảy ra nữa không? Với thực tế hiện nay thì không ai dám chắc. Bởi cũng chính tại Nghệ An đã từng có nhiều vụ thảm khốc như vậy: Vụ sập mỏ đá tại công trình thủy điện Bản Vẽ (huyện Tương Dương) tháng 12-2007 cướp đi sinh mạng của 18 người; vụ ở Lèn Nậy (huyện Quỳnh Lưu) tháng 1-2008 làm chết 3 người, 7 người bị thương; vụ ở Châu Thành (huyện Quỳ Hợp) tháng 8-2008 làm 3 người chết. Ở nhiều địa phương khác gần đây cũng đã xảy ra rất nhiều vụ tai nạn tương tự: Tháng 7-2010, tại mỏ Tân Hồng (Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh), 1 người chết; cũng tháng 7-2010, tại mỏ đá ở xã Tân Vinh (Lương Sơn, Hòa Bình) làm 2 người chết; tháng 12-2010 tại Thủy Nguyên (Hải Phòng), 4 công nhân chết… Danh sách ấy đã rất dài, và vẫn có thể sẽ dài thêm nếu khoảng trống về trách nhiệm của con người chưa được lấp đầy.
Có một thực tế là tình trạng mất an toàn lao động tại các mỏ đá đã được dư luận báo động từ rất lâu rồi, nhưng đến nay gần như chúng ta vẫn chưa có một động thái đáng kể nào ngăn chặn chúng. Người lao động tại các mỏ đá thiếu kiến thức về an toàn lao động, hoặc nếu có biết chút ít thì cũng mặc kệ bởi hầu hết họ là những người nghèo khó phải vì miếng cơm, manh áo. Tuy nhiên, đáng trách, hay nói đúng hơn là đáng lên án, chính là những người sử dụng lao động, họ quá vô tình, vô cảm, vì lợi nhuận mà bất chấp sự an nguy của công nhân. Có rất nhiều người lao động không được trang bị bảo hộ, không được đào tạo kiến thức kỹ thuật, cũng chẳng có hợp đồng hay bảo hiểm. Cũng có rất nhiều mỏ đá được khai thác không theo đúng nguyên tắc, kỹ thuật, ví dụ như tại mỏ Lèn Cờ người ta đã khai thác bằng cách "chặt chân" núi đá, như vậy không sập mới lạ.
Để tình trạng mất an toàn thêm nhức nhối, một nguyên nhân quan trọng nữa là sự buông lơi quản lý của các cấp chính quyền. Chúng ta có luật và quy định chức năng, trách nhiệm rõ ràng cho các cấp quản lý, nhưng thực tế từ khâu thẩm định cấp phép đến kiểm tra, giám sát đang bị thả nổi. Các cơ quan quản lý ngành, địa phương dường như bỏ quên trách nhiệm. Chỉ sau mỗi một vụ tai nạn, người ta mới lại nháo nhào kiểm tra, rà soát, để rồi cũng… nhanh chóng lãng quên.
Để có thể bảo đảm an toàn cho công nhân lao động làm việc tại các mỏ khoáng sản, việc quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác là một yêu cầu không thể bỏ qua. Nếu người ta không cấp phép cho những mỏ không đủ an toàn, thường xuyên kiểm tra giám sát, dừng ngay những mỏ không tuân thủ nguyên tắc, pháp luật thì chắc đã không có những hậu quả đau lòng. Chính vì thế, ngay lúc này rất cần cơ quan chức năng vào cuộc, xử lý nghiêm những cá nhân, cơ quan buông lỏng trách nhiệm, những "ông chủ" bất chấp pháp luật đặt người lao động vào tình thế nguy hiểm. Nếu chúng ta không nghiêm và không kiên quyết sửa sai thì tai nạn chắc sẽ còn xảy ra ngày càng nghiêm trọng hơn.