Phải quản lý chặt chẽ hơn!
Đời sống - Ngày đăng : 06:13, 03/04/2011
Thực tế là, xây dựng trong thành phố "đất chật người đông" như ở Hà Nội rất dễ gây ảnh hưởng đến nhà bên cạnh. Khi mà nhiều công trình nằm trên nền móng không đồng chất nhưng việc tính toán địa chất công trình lại không được quan tâm, khi xây dựng lại xem nhẹ thiết kế, năng lực của nhà thầu, thi công không đúng quy định, tiêu chuẩn... thì nguy cơ sập, đổ là rất cao. Còn việc thi công công trình làm rạn nứt, biến nhà hàng xóm đang an toàn thành "nhà nguy hiểm" thì diễn ra hằng ngày và là nguyên nhân của việc gia tăng khiếu kiện dân sự về nhà đất ở thành phố hiện nay.
Một vấn đề nhức nhối, tiềm ẩn tai nạn khác là nhà siêu mỏng, siêu méo. Những ngôi nhà "kỳ dị" này đang mọc ra ngày một nhiều, ngoài gây mất mỹ quan đô thị, mức độ nguy hiểm cũng hết sức cao. Thành phố đang quyết liệt chỉ đạo giải quyết trong tháng 4 này, riêng kinh phí dự kiến đã lên tới hàng trăm tỷ đồng, cũng là điều đáng suy nghĩ.
Trước đây, ngành nhà đất, trong hoạt động quản lý nhà cho thuê, có quỹ nhà dột nát, hư hỏng nhưng do chỉ trông vào tiền ngân sách nên việc sửa chữa, cải tạo thường là nhỏ và không được thực hiện thường xuyên. Hiện nay, công trình xây dựng và nhà ở trong nhân dân chủ yếu là nhà tư nhân nên việc cần làm ngay là chính quyền địa phương, cơ quan chức năng thành phố phải có được danh sách đầy đủ những nhà cũ nát, nguy hiểm hoặc ẩn chứa nguy hiểm, có kế hoạch thường xuyên kiểm tra, đánh giá hiện trạng để cập nhật, có biện pháp giải quyết kịp thời. Không quản lý chặt chẽ, chúng ta khó có thể chủ động ngăn ngừa và ứng phó được khi sự cố xảy ra.