“Sách bụi”, lợi cho ai?
Văn hóa - Ngày đăng : 06:37, 02/04/2011
Hiệu sách di động
Cứ từ 3-4 giờ chiều trở đi, trên vỉa hè các đường Láng, Nguyễn Chí Thanh, Tôn Thất Tùng, Tô Hiệu, Xuân Thủy, Trần Quốc Hoàn, nhiều hiệu sách "đặc biệt" không biển hiệu, không kệ giá, không mái hiên che nắng mưa lại xuất hiện. Trên những tấm ni lông, xơ dứa, người bán bày ra không thiếu một loại sách nào, từ văn học, nghệ thuật, lịch sử, địa lý, y dược, tử vi, phong thủy… đến tâm lý, khoa học, kinh tế, chính trị, pháp luật, từ điển bách khoa, sách dạy nấu ăn, ứng xử… Theo lời những người bán hàng có kinh nghiệm, loại được hỏi mua nhiều nhất thường là sách dạy cách kinh doanh, làm giàu, truyện về các chính trị gia, doanh nhân tiếng tăm…
Sách bày bán tràn lan trên vỉa hè. |
"Sách bụi" nhưng mới nguyên và được bán với giá rất "mềm". Tùy từng loại mà chủ sách có mức giảm giá khác nhau, nhưng đa số là 30-40% giá bìa, có loại chỉ bằng một nửa. Cuốn "Việt Nam sử lược" (Trần Trọng Kim - NXB Văn học) có giá bìa 70.000 đồng được bán với giá 50.000 đồng (giảm 30%), cuốn "Hán Việt từ điển" (Đào Duy Anh - NXB Văn hóa - Thông tin) giá gốc là 110.000 đồng, bán ra 70.000 đồng (giảm 35%), hoặc như "Thủy hử" trọn bộ 2 tập giá hơn 200.000 đồng, khách chỉ phải trả 70%. Nhiều loại sách, nếu khéo mặc cả thì còn có thể mua rẻ hơn nữa. Một chủ hàng sách trên phố Tô Hiệu cho biết: "Hàng lậu giảm nửa giá nhưng bán chạy và lãi nhiều. Bán loại đó là thích hơn cả!". Tôi mua một cuốn có cái tên khá lạ "Quạ khôn không bao giờ khát" (Moid Sidiqui) bàn về phương cách khơi nguồn sáng tạo và đổi mới tư duy. Sách của NXB Lao động - Xã hội, giá bìa 31.000 đồng, có in tem "100% có bản quyền" của Thaihabooks nhưng tôi chỉ phải trả 2/3 giá bìa. Sách hạ giá, đại hạ giá hút khách trông thấy.
Mưu sinh trên phố
Không phải thuê nhân viên, không chịu thuế, không mất nhiều vốn đầu tư, ai cũng nghĩ kinh doanh "sách bụi" dễ như trở bàn tay. Thế nhưng, những gánh sách rong tồn tại không hề dễ dàng. Trong câu chuyện ngắn ngủi bên chiếu sách, chị bán hàng tên Hoa kể rằng, chị đã bán sách được 5, 6 năm nay, vốn bỏ ra cũng đến chục triệu. Vì không biết làm gì nên hai vợ chồng "ôm" chiếu sách đi khắp nơi kiếm ăn. Ngày ngày, anh đi nhập sách, chị ngồi trông hàng. Gặp ngày bán chạy thì được vài chục, một trăm ngàn đồng, khi mưa gió, ế ẩm thì về tay không. Chưa kể bán hàng ở vỉa hè còn bị công an, dân phòng hay quản lý thị trường thu sách, phạt tiền. Sách thì nhiều mà lại chỉ có một mình trông hàng, gặp khi đông người, thi thoảng cũng bị trộm "viếng thăm".
"Nghề nào cũng có nỗi cực riêng", chị Lan, chủ chiếu sách ở Công viên Nghĩa Đô (phường Nghĩa Tân, Cầu Giấy) tâm sự. Chị hạch toán: Mỗi tháng phải nộp khoảng 600.000 đồng gọi là "lệ phí" cho chỗ nọ chỗ kia và mất 150.000 đồng tiền gửi trông sách. Mỗi ngày, chiếu sách cho lãi chừng 50.000 - 60.000 đồng. Tính ra, trừ đi "phí kinh doanh" phải nộp, mỗi tháng chỉ còn được nhiều lắm là hơn một triệu đồng. Đấy là còn có chỗ ngồi cố định, chứ nhiều người phải ôm chiếu sách lang thang khắp phố tìm nơi trú chân, cứ như dân du mục vậy.
"Đất" của sách lậu?
"Sách bụi" đang dần trở thành đối thủ đáng gờm của nhiều hiệu sách lớn nhỏ. Người kinh doanh "sách bụi" không phải bỏ vốn cho mặt bằng, nhân công, hầu như không phải nộp thuế, lại nhập được hàng có mức chiết khấu quá lớn hoặc có "cửa" nhập hàng lậu nên tha hồ "phá giá". Mức giảm tới 30%, 40%, thậm chí là một nửa giá bìa - khoảng cách mà các nhà sách lớn không bao giờ san bằng được. Giá rẻ nên người mua háo hức đổ về các hàng sách vỉa hè, mấy ai biết "sách bụi" có nhiều hàng in lậu, không bảo đảm chất lượng.
Người đến với "sách bụi" ở mọi lứa tuổi, ngành nghề. Cụ già tập thể dục ban chiều xem bộ "Thủy hử", mấy cô cậu choai choai vào tìm truyện cho tuổi mới lớn. Có người mua, người chỉ ghé vào xem qua loa rồi đi ngay, nhưng cũng có người ngồi lì cả tiếng, săm soi kỹ lưỡng từng cuốn.
Sách vỉa hè phát triển tràn làn như hiện nay là sự "di căn" từ "căn bệnh" nan y - sách lậu. Thi thoảng mới có một vài đợt truy quét, bắt giữ sách lậu và chỉ cho thấy phần nổi của tảng băng chìm. Trên thực tế, sách lậu vẫn ráo riết phá thị trường và trong cuộc cạnh tranh này, người đọc và người làm sách tử tế là đối tượng chịu thiệt nhất.