Cote d'Ivoire: Khi tham vọng quyền lực là đích đến
Thế giới - Ngày đăng : 05:36, 02/04/2011
Người dân Cote d’Ivoire thu vén đồ dùng chạy khỏi Abidjan để tránh bạo lực. |
Những cuộc tấn công liên tiếp của lực lượng ủng hộ tân Tổng thống nhằm vào những vùng đất vốn là căn cứ truyền thống của ông L.Gbagbo những ngày qua đã biến đất nước miền Tây Phi thực sự trở thành một chiến địa. Kể từ khi cuộc tranh hùng khởi đầu từ tháng 12 năm ngoái, Cote d'Ivoire đã lần đầu tiên bị bầu không khí đầy khói súng bao phủ. Giành được quyền kiểm soát ít nhất 5 thành phố từ tay lực lượng ủng hộ ông L.Gbagbo, trong đó có nhiều khu vực quan trọng như thành phố cảng xuất khẩu ca cao chủ chốt San Pedro và thủ đô chính trị Yamoussoukro, các tay súng của Tổng thống A.Outara đang nỗ lực nhằm co hẹp vùng ảnh hưởng của vị tổng thống thất cử nhưng không chịu nhường ghế. Cùng với cuộc tấn công vào dinh Tổng thống tại thủ đô thương mại Abidjan, trung tâm quyền lực của của đối thủ L.Gbagbo trong 24 giờ qua, lệnh đóng cửa biên giới trên bộ, trên biển và trên không, Tổng thống đắc cử A.Outara đang đẩy tới một đợt phản công toàn diện nhằm thể hiện sức mạnh của một nhà lãnh đạo hợp pháp được quốc tế thừa nhận. Tuy nhiên, lệnh giới nghiêm Abidjan từ 21 giờ ngày 31-3 tới 6 giờ ngày 3-4 của tân Tổng thống A.Outara đã không ngăn được tiếng súng tiếp tục nổ và thủ đô của đất nước này hứa hẹn trở thành chiến địa ác liệt trong những ngày tới nếu ông L.Gbagbo không từ bỏ hy vọng nắm quyền. Mặc dù vậy, việc sát hại thường dân nước ngoài và nã đạn vào đoàn xe của Đại sứ quán Pháp của Tổng thống mãn nhiệm đã thu hẹp thêm lối thoát cho tham vọng tại vị của chính ông ta. Sau sự kiện này. Pháp bất chấp sứ mệnh tốn kém tại Libya, đã ngay lập tức điều động 500 binh sỹ đến vùng đất đang tan hoang vì nội chiến sau sự kiện mà Paris xem là một thách thức không thể chấp nhận. Cùng lực lượng Liên hợp quốc đang có mặt tại đây, sự hiện diện của binh sỹ sát cánh cùng quân ủng hộ tại chỗ đã khiến cán cân lực lượng nghiêng hẳn về tân Tổng thống A.Outara. Cùng đồng thuận để đưa ra Nghị quyết 1975 kêu gọi ông L.Gbagbo từ chức và áp dụng các biện pháp trừng phạt như cấm đi lại và phong tỏa tài sản đối với nhân vật này, vợ và 3 phụ tá thân cận nhất, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA) đã đưa ra phản ứng đầu tiên trước cuộc tranh chấp dai dẳng đang bị bạo lực hóa tại quốc gia Tây Phi. Thông điệp rõ ràng này của cơ chế an ninh lớn nhất thế giới là một ủng hộ giá trị với ông A.Outara trong giai đoạn quyết định hiện nay. Với tối hậu thư mang tầm quốc tế này, chính trị gia L.Gbagbo sẽ buộc phải lựa chọn giữa rút lui hoặc đối diện với sự cô lập mạnh mẽ hơn nữa của cộng đồng quốc tế cả về ngoại giao và kinh tế.
Thế nhưng, khả năng giải quyết bất đồng chính trị giữa hai vị tổng thống bằng con đường hòa bình có lẽ chỉ là không tưởng. Việc ông L.Gbagbo phớt lờ cảnh báo phải từ chức trước 19 giờ GMT ngày 31-3 từ Thủ tướng Guillaume Soro - nội các do Tổng thống A.Outara lập ra - cho thấy trận chiến đang diễn ra chưa có dấu hiệu sớm dừng lại. Khoảng 1 triệu người Cote d'Ivoire đang nhanh chóng rời khỏi Abidjan trong khi 112.000 người được xác định đã ra nước ngoài tị nạn đang làm sâu sắc thêm mối nghi ngờ kịch bản nội chiến đang lặp lại tại quốc gia bên bờ Vịnh Guine.
Dẫu vậy, ngay cả lúc này, thế giới vẫn chưa thôi hy vọng về một cánh cửa ngoại giao và hòa giải đang còn để ngỏ. Thêm một chiến trường thứ hai tại châu Phi giữa lúc Libya và Bắc Phi đang là mối bận tâm lớn sẽ chẳng mang lại lợi ích cho ai. Song, nếu như tham vọng quyền lực là đích đến và quyền lợi cá nhân lớn hơn mong ước hòa bình của dân tộc thì kết cục có hậu cho biến động Cote d'Ivoire vẫn chỉ là "món quà" ngoài tầm với.