Cần cơ chế tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh thuốc
Đời sống - Ngày đăng : 14:57, 01/04/2011
Sau nhiều năm liên tục bội chi nhưng đến năm 2010, Quỹ BHYT đã tự mình cân đối được. Đây là tín hiệu đáng mừng cho chính sách BHYT ở nước ta. Tuy nhiên, hiện vẫn còn rất nhiều nguy cơ đe dọa làm mất cân bằng quỹ theo hướng bội chi, trong đó phải kể đến việc cung ứng thuốc cho BHYT với giá phù hợp…
Thông thường một bệnh nhân sau khi vào khám, điều trị tại các cơ sở y tế phải chi trả tiền dịch vụ gồm 3 nội dung, đó là chi phí cho nhân công, chi phí cho các thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác khám chữa bệnh và chi trả tiền mua thuốc chữa bệnh. Các chuyên gia y tế đã tính toán rằng nếu tỷ lệ chi này được phân bổ theo công thức 4- 4-2 sẽ cho kết quả điều trị hiệu quả nhất, nghĩa là chi phí cho nhân công chiếm 40%, chi phí cho thiết bị và các khoản chi khác chiếm 40% và chi trả cho thuốc chiếm 20% tổng chi.
Theo số liệu của năm 2010, năm được coi là thu/chi quỹ BHYT đạt mức cân bằng, không bị bội chi, cho thấy tổng chi phí khám chữa bệnh BHYT cả năm 2010 là 19.217 tỷ đồng, trong đó chi trả cho thuốc đã chiếm tới 11.722 tỷ đồng , chiếm 61% tổng chi (báo cáo của Ban thực hiện chính sách BHYT). Tất nhiên, ở đây chưa nói tới tất cả số tiền đó có thật sự chi vào tiền mua thuốc chữa cho người bệnh, hay bị thất thoát bằng nhiều hình thức... Nhưng qua con số trên cho thấy nó chiếm tỷ lệ quá lớn trong tổng số tiền chi cho khám chữa bệnh mà quỹ BHYT phải chi trả. Vấn đề phải làm sao vừa đảm bảo yêu cầu chữa bệnh cho bệnh nhân nhưng lại chi trả cho tiền mua thuốc thấp nhất. Điều này phụ thuộc nhiều vào giá thuốc, nếu giá thuốc bị nâng lên bất hợp lý thì tiền vào túi các nhà sản xuất, kinh doanh thuốc lại càng lớn.
Như vậy, giá thuốc để cung ứng cho BHYT đã trở thành vấn đề lớn cho quỹ BHYT, nó có thể gây bội chi quỹ nhưng hiệu quả chữa bệnh chưa hẳn cao. Cách thức tổ chức cung ứng thuốc cho BHYT, sử dụng thuốc khi chữa bệnh và quản lý giá thuốc là những vấn đề riêng rẽ nhưng lại có quan hệ mật thiết với nhau trong việc nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ BHYT. Quả thật, bấy lâu nay, những vấn đề trên đang còn nhiều bất cập, nhiều kẽ hở, khiến cho việc chi trả từ quỹ BHYT không được như mong muốn mà nhất là vấn đề chi trả tiền thuốc BHYT. Điều này có thể thấy qua tình trạng bát nháo hiện nay về giá trúng thầu thuốc mà BHYT phải chi trả. Phổ biến nhất là hiện tượng thuốc có cùng hoạt chất, nhưng có tên thương mại khác nhau và vì thế giá thành cũng rất khác nhau, thậm chí chênh lệch nhau khá lớn. Ngoài ra, còn hiện tượng giá thuốc của cùng một loại thuốc (cùng tên thương mại của một cơ sở sản xuất) vẫn có sự chênh lệch giá giữa các cơ sở KCB của các tỉnh với nhau, thậm chí giữa các cơ sở KCB trong cùng một địa phương. Có thể nêu như thuốc CefePim 1g, dạng bào chế bột pha tiêm có giá trúng thầu năm 2010 tại hai bệnh viện lớn của TP Hồ Chí Minh là 120.000đ/lọ, nhưng ở tại một bệnh viện của Huế và một bệnh viện Trung ương ở Hà Nội lại có giá là 147.000đ/lọ, chênh nhau tới 23%. Và BHYT tuy có biết những trái khoáy như vậy nhưng vẫn phải chi trả tiền thuốc cho các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) bởi họ đều thực hiện đấu thầu theo Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT-BYT-BTC ngày 10/8/2007 của liên bộ Y tế - Tài chính hướng dẫn đấu thầu mua thuốc trong các cơ sở y tế công lập. Đó là chưa kể thuốc đang tăng giá không thể kiểm soát nổi mà nguyên nhân là vì chúng ta phải nhập tới 50% thuốc thành phẩm và 90% nguyên liệu và phụ gia để sản xuất thuốc.
Những năm gần đây, BHXH Việt Nam cũng đã tổ chức hội thảo, làm việc với cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở KCB và các đơn vị cung ứng thuốc để giải quyết các tồn đọng trong các vấn đề cung ứng thuốc cho BHYT, nhưng kết quả vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Vừa rồi, BHXH Việt Nam tiếp tục tổ chức cuộc họp bàn về việc cung ứng thuốc BHYT tại Việt Nam, một số ý kiến đã đề nghị trước mắt về chính sách cần sửa đổi Thông tư liên tịch số 10/2007/TTLT-BYT-BTC ngày 10/8/2007 của liên Bộ Y tế - Tài chính và Thông tư liên tịch số 11/2007/TTLT- BYT-BTC ngày 10/8/2007 của liên bộ: Y tế - Tài chính - Công thương hướng dẫn thực hiện quản lý Nhà nước về giá thuốc dùng cho người sát với thực tế hiện nay. Rồi chính sách ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình quản lý thuốc như xây dựng ngân hàng dữ liệu thành phẩm thuốc, các vật tư, thiết bị y tế thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT. Các ngành chức năng cần có sự phối hợp tuyên truyền “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” để tránh chi phí cao khi dùng thuốc ngoại mặc dù hiệu quả tương ứng.
Tuy nhiên, rất cần phải nhấn mạnh tới vai trò quan trọng của cơ quan quản lý quỹ BHYT trong việc tổ chức thầu vì đây là cơ quan đại diện của những người tham gia BHYT đứng ra trả tiền cho các cơ sở KCB. Thêm vào đó cần có những quy định về vai trò kiểm tra giám sát quá trình chữa bệnh cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân (xác định các loại thuốc đã dùng để chữa bệnh, các kỹ thuật đưa vào quá trình chữa bệnh…) vì BHYT chắc không thể đủ nhân viên để thực thi nhiệm vụ này. Về phía BHYT cũng cần đề xuất với các cơ quan quản lý nhà nước để có cơ chế chủ động tham gia sâu hơn vào quá trình sản xuất kinh doanh thuốc của các nhà sản xuất. Có thể nghiên cứu cơ chế đề xuất bỏ vốn trước cho các nhà sản xuất cung ứng thuốc để họ chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào trong quá trình sản xuất thuốc. Thậm chí có kế sách hỗ trợ khuyến khích việc nghiên cứu đầu tư vào lĩnh vực dược nào sẽ tốn ít vốn nhất mà lại thu lại được lợi nhuận cao nhất cũng như chiết xuất và làm ra thuốc từ nguyên liệu có sẵn trong nước.
Khi đã chủ động kiểm soát được giá thuốc, cơ chế cung ứng thuốc, sử dụng thuốc có hiệu quả cao... cũng đồng nghĩa với việc sử dụng tốt quỹ BHYT, đồng thời góp phần ổn định an sinh xã hội, hạn chế sự nghèo hóa do chi phí chữa bệnh của một số người nghèo, người có thu nhập thấp.