Mạng xã hội: "con dao hai lưỡi" với trẻ em
Xã hội - Ngày đăng : 10:17, 01/04/2011
Một báo cáo gần đây cho thấy bên cạnh những lợi ích thì các trang xã hội cũng mang lại những tác hại nhất định cho trẻ nhỏ.
Các trang mạng xã hội và thế giới game ảo cho phép người dùng tương tác với nhau. Vì vậy, thanh thiếu niên và trẻ em sử dụng rất nhiều thời gian để truy cập vào các website này. Theo nghiên cứu, hơn một nửa số thanh thiếu niên đăng nhập vào trang mạng xã hội ít nhất 1 lần/ ngày và gần ¼ thanh thiếu niên đăng nhập vào những địa chỉ yêu thích ít nhất là 10 lần/ngày hoặc hơn thế. Một số bậc phụ huynh phàn nàn rằng các website đã lấy đi thời gian được gần gũi con cái của họ.
Tác giả báo cáo, tiến sỹ Gwenn O'Keeffe nhận định: ‘các trang mạng xã hội nhìn chung là tích cực. Đó là nơi trẻ có thể hòa đồng và kết bạn với nhau. Tuy nhiên, Khoảng thời gian và không gian của trẻ sẽ bị thu hẹp. Thay vì đi chơi hay trò chuyện cùng cha mẹ như trước đây thì trẻ lại dành thời gian để lướt web. Nếu cha mẹ lơ là, không kiểm soát thì trẻ có thể gặp rất nhiều rủi ro. Vì vậy, cách tốt nhất bạn hãy làm bạn với con trên Facebook. Khi một đứa trẻ không có sự chỉ bảo của cha mẹ, chúng có thể lạc đường’.
Đặc biệt, trẻ có thể sẽ nói dối tuổi của mình khi đăng nhập các trang xã hội như Facebook, cha mẹ không nên bỏ qua việc làm này của con. Trên Facebook có những quảng cáo hay nội dung dành cho các nhóm tuổi khác nhau. Khi trẻ khai gian độ tuổi có mình, có nghĩa là chúng được phép truy cập vào những quảng cáo không dành cho độ tuổi của chúng. Trẻ sẽ bị ám ảnh và ảnh hưởng rất nhiều từ những nội dung đó.
Báo cáo cũng chỉ ra, mạng xã hội giúp trẻ giao tiếp tốt hơn và tăng sự sáng tạo. Đồng thời, đó cũng là nơi để trẻ tìm kiếm cơ hội học tập, tìm hiểu các thông tin về sức khỏe và những trẻ mắc bệnh mãn tính có thể tìm thấy niềm vui, sự đồng cảm. Nhưng cũng có rất nhiều rủi ro dành cho trẻ khi truy cập những trang xã hội. Một trong những rủi ro lớn nhất là tranh ảnh khiêu dâm, bạo lực và xâm hại.
Tiến sỹ Brian Primack giải thích: ‘công nghệ phản ánh những gì đang diễn ra trong thế giới thực. Sự xâm hại và bạo lực đã diễn ra trước cả khi có internet, nhưng khi internet phát triển thì việc đó được thực hiện dễ dàng hơn’.
Trẻ luôn tò mò, muốn nhìn những bức hình khỏa thân. Trong khi, ngày nay việc tự chụp và gửi những bức ảnh lên mạng có thể được thực hiện chỉ trong 1 giây. Chính việc nhìn những bức hình ‘tươi mát’ hay bạo lực đó sẽ khiến trẻ bị ám ảnh rất nhiều.
Một nguy cơ tiềm ẩn của các trang mạng xã hội đối với trẻ đó chính là hội chứng ‘trầm cảm Facebook’. Khi trẻ em và thanh thiếu niên dành quá nhiều thời gian để vào các website thì cũng là lúc những thói quen như ăn uống, ngủ nghỉ, kết bạn... bắt đầu thay đổi. Nguy hại hơn, trẻ có xu hướng kết bạn và chơi theo một nhóm cô lập… Đó là những dấu hiệu của bệnh trầm cảm.
Khi nhận thấy trẻ có những biểu hiện trên, cha mẹ nên có một cuộc trò chuyện cởi mở và thẳng thắn với con về thời gian trẻ sử dụng để lướt web hàng ngày. Bạn không cần phải cấm con truy cập vào Facebook hay Twitter. Cho con bạn một khoảng thời gian nhất định để chúng tự trưởng thành, nhưng hãy dành thời gian quan sát để hướng con đi đúng đường.