Nâng giá trị VND để xóa “USD hóa”
Kinh tế - Ngày đăng : 07:37, 01/04/2011
Với sự vào cuộc tích cực của các ngành chức năng, thị trường ngoại tệ "chợ đen" đã lặng sóng, không còn cảnh mua - bán tấp nập ở "phố ngoại tệ" nổi tiếng nữa. Sự vắng bóng của thị trường "tự do" cũng giúp thị trường chính thức là các ngân hàng hoạt động minh bạch hơn, không còn phải đối mặt với tình trạng giao dịch USD "hai giá" như trước. Ngân hàng cũng không phải "cạnh tranh" thiếu lành mạnh với thị trường "chợ đen", để rồi phải thỏa thuận mua - bán USD với giá cao hơn niêm yết. Người dân, doanh nghiệp có USD đã đến ngân hàng để bán thay vì ra thị trường "chợ đen", giúp cho ngân hàng có thêm nguồn vốn USD. Nhờ đó mà giá niêm yết tại các ngân hàng khá ổn định. Ngày 29-3, giá USD được niêm yết phổ biến ở mức: 20.890 VND/USD (mua vào) - 20.895 VND/USD (bán ra).
Sự quyết liệt của các ngành chức năng cũng khiến những giao dịch "ngầm" của thị trường tự do rất hạn chế. Các giao dịch "ngầm" có diễn ra cũng chỉ với những khách hàng thân thuộc của đại lý thu đổi ngoại tệ, nên giá USD "tự do" đã được kéo lùi gần về giá niêm yết tại ngân hàng: 21.100 VND/USD (mua vào) - 21.150 VND/USD (bán ra), không còn tình trạng "leo" lên đến 22.500 VND/USD như thời gian trước đó.
Thị trường chợ đen lắng dịu, giúp các ngân hàng không phải "gồng" mình đưa ra mức lãi suất USD "ngất ngưởng" để hút khách mà đã điều chỉnh giảm. Trong đó, Ngân hàng TMCP Công thương kéo lãi suất xuống 5,3%/năm cho kỳ hạn trên 9 tháng đến 12 tháng, thay cho mức 5,6% trước đó. Với kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng, lãi suất 5%/năm; trên 3 tháng đến 9 tháng: 5,2%/năm; hơn 12 tháng đến 36 tháng: 4-4,2%/năm. Ngân hàng TMCP Đông Nam Á giảm lãi suất huy động USD 0,1%/năm so với mức cũ dành cho khách hàng cá nhân. Cụ thể, lãi suất tối đa là 6,1%/năm áp dụng cho kỳ hạn 24 tháng; 1-3 tuần: 1%/năm; 1 tháng: 5,1%/năm; 2 tháng: 5,5%/năm; 3 tháng: 5,9%/năm; 6, 9 tháng (5,95%/năm); 12, 13 tháng: 6%/năm; 18 tháng: 6,05%/năm. Ngân hàng TMCP Kiên Long điều chỉnh giảm lãi suất huy động USD xuống mức tối đa 5,5%/năm, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu giảm 0,1-0,25%/năm xuống còn 5-5,35%/năm...
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, ngoài việc mạnh tay với thị trường tự do để thị trường này không còn tác động đến hệ thống tiền tệ, việc cần thiết hơn cả là bình ổn tâm lý người dân, nâng cao giá trị VND, xóa bỏ tình trạng đô la hóa. Song, những việc này không đơn giản. Lâu nay, ở nước ta đã tồn tại tình trạng đô la hóa khi nhiều loại hàng hóa trên thị trường được niêm yết bằng USD, từ các mặt hàng xa xỉ như ô tô, xe máy đến các loại mỹ phẩm, hàng tiêu dùng, đồ điện tử… Ngay cả nhiều hàng quán cũng niêm yết giá bằng USD khiến tâm lý coi trọng USD hơn VND luôn tồn tại trong người dân. Đó là chưa kể tình trạng lạm phát ngày càng cao, giá trị tiền VND giảm xuống khiến nhiều người lo ngại. Hơn nữa, việc mua USD tại ngân hàng không đơn giản, ngay cả để phục vụ cho những nhu cầu chính đáng như đi du lịch, chữa bệnh… hạn mức mua USD ở ngân hàng lại quá thấp. Một ngân hàng ở Hà Nội cũng vừa công bố hạn mức bán ngoại tệ tiền mặt cho khách hàng cá nhân đi nước ngoài khi khách hàng có đủ hồ sơ chứng minh mục đích sử dụng theo quy định. Với các khách hàng đi du lịch, thăm viếng người thân, công tác ở nước ngoài, thời gian lưu trú dưới 7 ngày, ngân hàng sẽ bán số lượng ngoại tệ tương đương 300 USD/người, nếu hơn 7 ngày: 600 USD/người. Những người đi khám chữa bệnh, thời gian lưu trú dưới 7 ngày: 600 USD/người, hơn 7 ngày: 1.000 USD/người… Trong khi hạn mức USD tối đa mà người dân có thể mang đi du lịch là 7.000 USD, mức cung ứng này của ngân hàng liệu có quá thấp? Bởi vậy, thay vì tích trữ VND nhiều người đã mua USD trên thị trường tự do như một kênh trú ẩn an toàn cho dòng tiền nhằm chống lạm phát và dự phòng có lúc cần sử dụng.
Để chấm dứt những tình trạng này, các chuyên gia cho rằng, cơ quan chức năng cần mạnh tay hơn với những cửa hàng niêm yết bằng giá USD, lãi suất VND cần được điều chỉnh tăng cao hơn so với lạm phát để hấp dẫn người gửi. Nhu cầu mua USD chính đáng của người dân cũng cần được đáp ứng để họ không còn phải tìm cách giao dịch ngầm, góp phần chấm dứt sự tồn tại của thị trường "chợ đen" - nơi gây ra sự xáo trộn trên thị trường tiền tệ.