Giãn dân phố cổ - vấn đề "nóng" của Hà Nội
Xã hội - Ngày đăng : 15:21, 31/03/2011
Trong tháng 4/2011: Hoàn thành Đề án giãn dân phố cổ
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Vũ Văn Viện cho biết: Thực hiện công tác quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa khu phố cổ Hà Nội, trong thời gian qua, quận đã triển khai thực hiện được một số nhiệm vụ quan trọng. Đó là, tập trung nghiên cứu, điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu phố cổ, quy hoạch chi tiết khu đô thị giãn dân Việt Hưng, lập đề án giãn dân khu phố cổ; Tập trung đầu tư cải tạo đồng bộ hạ tầng kỹ thuật trong khu phố cổ; Tích cực triển khai GPMB, di chuyển các hộ dân để trùng tu, tôn tạo các công trình di tích trong khu phố cổ bằng ngân sách quận và nguồn vốn xã hội hóa.
Bên cạnh đó, quận cũng tập trung nghiên cứu bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể trong khu phố cổ (khôi phục các Lễ hội truyền thống trong khu phố cổ và khu vực Hồ Hoàn Kiếm; xây dựng và bảo tồn phát triển một số nét văn hóa ứng xử của người dân trong khu phố cổ). Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về khu phố cổ để nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân trong công tác bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa, lịch sử khu phố cổ. Tiếp theo đó là tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị, trật tự xây dựng trong khu phố cổ; Kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa để cải tạo các công trình công cộng, phục vụ lợi ích dân sinh trong khu phố cổ, gắn việc bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử văn hóa khu phố cổ với phát triển thương mại – dịch vụ - du lịch; Kiện toàn và nâng cao chất lượng bộ máy Ban quản lý phố cổ Hà Nội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Đáng chú ý, trong công tác quy hoạch và xây dựng dự án giãn dân phố cổ, Ban quản lý phố cổ Hà Nội cho biết đã hợp đồng với Viện quy hoạch kiến trúc đô thị và nông thôn (Bộ Xây dựng) tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng 121 công trình di tích và 793/1081 công trình nhà ở có giá trị cần phải bảo tồn theo Quyết định số 45/QĐ-UB ngày 4/6/1999 của UBND TP; Lập bản đồ 121 công trình di tích đình, đền, chùa, di tích cách mạng, nhà liền kề hiện đang chờ ý kiến đánh giá của hội đồng tư vấn. Việc đánh giá này sẽ là cơ sở để lập quy hoạch bảo tồn các di sản trong khu phố cổ.
Mặt khác, từ năm 2009, Ban quản lý phổ cổ Hà Nội đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần tư vấn đầu tư và xây dựng CDCC (Sở Xây dựng Hà Nội) tổ chức khảo sát điều tra xã hội học và xây dựng Đề án giãn dân phố cổ. Theo đó, sẽ nghiên cứu và đề xuất những giải pháp cơ bản để giảm mật độ dân cư khu phố cổ (từ mật độ 823 người/ha năm 2009 xuống còn 500 người/ha là mật độ khống chế theo quy hoạch đến năm 2020 tương ứng phải di chuyển khoảng 6.550 hộ dân với khoảng 26.200 người dân). Việc giãn dân phố cổ giai đoạn I sang khu đất tại Khu đô thị mới Việt Hưng sẽ di chuyển được 1.800 hộ dân với khoảng 7.200 người dân đang sống trong các di tích, trường học, công sở, số nhà đông hộ, nhà nguy hiểm và các hộ dân trong khu phố cổ có nguyện vọng di dời, đồng thời đề xuất các biện pháp để không tăng dân số trở lại…; Nghiên cứu, đề xuất một số cơ chế đặc thù phục vụ dự án giãn dân phố cổ.
Tại hội nghị, sau khi nghe ý kiến đóng góp của các sở, ngành về vấn đề giãn dân phố cổ, Phó Chủ tịch Thường trực Phí Thái Bình chỉ đạo, quận Hoàn Kiếm phối hợp với các sở, ngành, trong tháng 4/2011, phải hoàn thành đề án giãn dân phố cổ trình thành phố phê duyệt. Bên cạnh đó, với việc điều chỉnh cục bộ Quy hoạch khu nhà ở phục vụ giãn dân phố cổ trong Khu đô thị mới Việt Hưng (thu hồi 111.212m2 đất của HUD giao cho quận Hoàn Kiếm thực hiện dự án); Phó Chủ tịch Thường trực yêu cầu, trước 15/4, Sở Quy hoạch Kiến trúc phải thẩm định, trình UBND TP phê duyệt.
Mặt khác, theo đề xuất của UBND quận Hoàn Kiếm; phấn đấu đến năm 2012 khởi công xây dựng Khu nhà ở giãn dân phố cổ tại Việt Hưng theo quy hoạch thành phố phê duyệt. Năm 2016, hoàn thành 1.800 căn hộ phục vụ giải phóng đợt 1 cho các đối tượng là hộ dân đang sống trong các khu di tích, trường học, công sở, các số nhà đông hộ và các hộ dân tự nguyện di chuyển. Đánh giá về đề xuất này, Phó Chủ tịch Thường trực cho rằng tiến độ đến tận năm 2016 là quá chậm. Với việc di chuyển 1.800 hộ dân, chỉ cần khoảng 15 đến 20 khối nhà cao tầng (mỗi tòa nhà có 100 căn hộ); xây dựng trong 2 năm có thể di chuyển được toàn bộ dân đến. Hơn nữa, thành phố cũng đồng ý chi trả chi phí hạ tầng để giảm giá nhà bán cho dân khi di chuyển đến; tạo cơ chế ưu đãi cho nhà đầu tư xây dựng. Mặt khác, thành phố cũng sẽ đảm bảo đủ quỹ nhà bố trí các hộ dân di chuyển trong các giai đoạn sau.
Quản lý trật tự xây dựng… trách nhiệm hàng đầu từ chính quyền và cơ quan chức năng
Tại hội nghị lần này, một vấn đề nóng của quận Hoàn Kiếm được các đại biểu bàn thảo nhiều, đó là lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng tại khu vực đất đai có giá nhất Hà Nội này. Theo đó, mặc dù tỷ lệ công trình xây dựng có phép trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã tăng từ 91% năm 2008 lên 95% năm 2010 nhưng số vụ việc xây dựng sai phép còn nhiều, có một số vụ chưa được phát hiện và xử lý kịp thời hoặc gây tồn đọng, bức xúc kéo dài.
UBND quận Hoàn Kiếm thừa nhận, hiện nổi lên một số vụ như, nhà số 8 Điện Biên được cấp phép xây dựng 7 tầng và 1 tum thang nhưng chủ nhà đã xây dựng thành 8 tầng, 1 tum thang, quận đang đôn đốc tháo dỡ phần xây dựng sai phép. Tiếp theo đó là công trình số 95 Hàng Gai được cấp phép xây dựng 8 tầng và 1 tum thang, đã xây dựng thành 10 tầng, hiện chủ công trình đã tự tháo dỡ còn 8 tầng và tum thang. Hay nhà số 109 – 11 Hàng Gai, được cấp phép xây dựng 8 tầng và tum thang, chủ công trình đã xây dựng thành 10 tầng, hiện đã tự tháo dỡ gần xong phần tầng 10, quận đang phải đôn đốc việc tháo dỡ phần xây dựng sai phép… Hoặc công trình số 13 Lý Thái Tổ được cấp phép xây dựng 10 tầng có tầng hầm và tum thang, cao 34,75m, chủ công trình xây dựng đúng 10 tầng nhưng đã vượt quá chiều cao 1,8m, nên hiện đang bị đình chỉ xây dựng để giải quyết.
Nhận định về vấn đề trên, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho rằng để các công trình xây dựng sai phép diễn ra là trách nhiệm của các cơ quan chức năng như thanh tra xây dựng, chính quyền phường, quận và cả thành phố. Theo đó, tới đây, Sở Quy hoạch Kiến trúc phải hỗ trợ quận Hoàn Kiếm đưa ra quy định mới về chiều cao xây dựng trong khu phố cổ (hiện nay có những chỗ cho phép xây dựng cao đến 24m là chưa hợp lý); Sở Xây dựng phải chỉ đạo Thanh tra xây dựng nâng cao trách nhiệm, không để các vi phạm quá mức xảy ra mới xử lý…
Ngoài ra, Bí thư cũng chỉ đạo Sở Giao thông - Vận tải nghiên cứu tiếp việc phân luồng giao thông trong phố cổ, phố cũ theo hướng tăng tuyến phố đi bộ, giảm phương tiện cơ giới, giảm mạnh các phương tiện xích lô, lấy ô tô điện thay thế dần việc vận chuyển bằng xích lô…
Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị biểu dương những nỗ lực của chính quyền, nhân dân quận Hoàn Kiếm đã làm được trong thời gian qua và đề nghị tiếp tục phát huy sự sáng tạo, đoàn kết thực hiện các nhiệm vụ phát triển các lĩnh vực kinh tế - văn hóa – xã hội và đặc biệt là bảo tồn các di sản văn hóa, quản lý trật tự xã hội trong thời gian tới; xây dựng quận Hoàn Kiếm trở thành “lẵng hoa đẹp” trong lòng thành phố.