Bạn hiểu gì về thuốc tránh thai khẩn cấp?

Sức khỏe - Ngày đăng : 14:47, 31/03/2011

Phương pháp tránh thai khẩn cấp (TTKC) hay tránh thai sau giao hợp là uống thuốc sau khi có quan hệ tình dục nhằm phòng ngừa có thai.


Viên thuốc TTKC, đôi khi gọi là viên thuốc cho “sáng hôm sau” là thuốc vừa có tác dụng ngăn cản rụng trứng hay thụ tinh, vừa có thể ngăn ngừa sự làm tổ của trứng đã thụ tinh (mới ở giai đoạn phôi bào – blastocyte). Viên thuốc TTKC khác với phương pháp phá thai bằng thuốc ở chỗ phá thai bằng thuốc tác động đến tiến trình sau khi làm tổ.

Gọi là viên thuốc cho “sáng hôm sau” (morning-after pill) là cách gọi không hoàn toàn chính xác vì viên TTKC vẫn có thể có hiệu quả khi dùng trước quan hệ tình dục không lâu và vẫn được phép dùng cho tới 72 giờ sau quan hệ tình dục không bảo vệ.

Dụng cụ tử cung thường dùng như là phương pháp tránh thai ngay từ đầu nhưng đôi khi được dùng như là phương pháp TTKC.

Như tên gọi, viên thuốc TTKC chỉ dùng trong trường hợp khẩn cấp, khi các phương tiện tránh thai lúc đầu thất bại hay không được sử dụng. Vì các phương pháp TTKC tác động đến giai đoạn trước khi làm tổ cho nên về mặt y học và pháp lý nó được xem là một dạng tránh thai, chứ không phải là thuốc gây sảy thai. Tuy nhiên, một số nhà khoa học cho rằng có vài dạng khẩn cấp có thể tác động ở giai đoạn sau khi trứng đã thụ tinh (fertilization) cho nên có thể coi những dạng đó là phá thai.

Viên thuốc TTKC chỉ dùng trong trường hợp khẩn cấp (Ảnh minh họa)


Viên thuốc TTKC có thể chứa hàm lượng hormon (estrogen, progestin hoặc cả hai) cao hơn so với những viên thuốc tránh thai kết hợp dùng thường xuyên.

Thuốc TTKC là phương pháp an toàn và có hiệu quả để hỗ trợ hoặc để sử dụng trong trường hợp có quan hệ tình dục ngẫu hứng, khi BCS bị rách hay khi có quan hệ tình dục không bảo vệ. Nếu uống trong phạm vi 72 giờ sau quan hệ tình dục thì tỷ lệ có thai sau khi dùng viên thuốc TTKC chỉ khoảng 0,2% đến 3% tùy vào thời điểm của chu kỳ kinh và thời điểm dùng thuốc sau quan hệ tình dục. Mặc dầu là phương pháp hiệu quả, an toàn và sử dụng dễ dàng nhưng ở Mỹ mới chỉ có 6% phụ nữ ở độ tuổi sinh sản đã từng dùng viên thuốc TTKC.

Những cản trở nào với vị thành niên trong việc tiếp cận với thuốc TTKC? Không có cơ sở dịch vụ tin cậy và thân thiện; sợ bị khám vùng tiểu khung; quan ngại về các tác dụng phụ như tăng cân; thuốc không sẵn có để đáp ứng dễ dàng khi cần thiết; tốn kém; ngại trao đổi với bạn tình để sử dụng; tình dục có tính ngẫu hứng và không có trước viên thuốc TTKC; cảm thấy ngần ngại tìm thuốc TTKC hay tư vấn ở những cơ sở dịch vụ không kín đáo…

Thế nào là cơ sở dịch vụ thân thiện với vị thành niên?

Kín đáo và riêng tư, tốt nhất là chỉ có hai người; thái độ dễ gần, thông cảm, không đưa ra những nhận xét cá nhân; biết sử dụng ngôn ngữ cơ thể; một chút hài hước để vị thành niên cảm thấy thoải mái.

Vai trò của cán bộ y tế trong việc giảm có thai ngoài ý muốn và nạo phá thai ở vị thành niên?

Tận dụng mọi cơ hội để hướng dẫn các biện pháp tránh thai và phòng ngừa các bệnh LTTD (nói về BCS, thuốc TTKC).

Giúp vị thành niên lựa chọn phương pháp tránh thai tốt nhất dựa trên các yếu tố sức khỏe, tần suất sử dụng, thuận tiện và sự quen dùng.

Có biện pháp giáo dục tuyên truyền để hạn chế sự gia tăng tỷ lệ có thai ở vị thành niên . Điều này đòi hỏi có sự thay đổi trong thái độ của cộng đồng: Ủng hộ giáo dục hành vi tình dục có trách nhiệm và thúc đẩy sự tiếp cận kín đáo và dễ dàng với các phương pháp tránh thai có hiệu quả trước khi vị thành niên quyết đinh bắt đầu có hoạt động tình dục.

Sự thay đổi quan niệm của cộng động (gia đình, bạn bè, cán bộ y tế) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự chấp nhận và sử dụng các phương pháp tránh thai của vị thành niên.

Theo BS.Xuân Thu (SKĐS)