Cho “cần câu” thay “cá”
Đời sống - Ngày đăng : 07:35, 31/03/2011
Dạy nghề cắt may cho lao động nông thôn. |
Bắt đầu với nghề đan lồng đèn, rất nhiều lao động ở hai xã Mỹ Lộc và Thạch Văn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh đã từ bỏ ý định đi XKLĐ. Họ bắt đầu yêu thích công việc đan lát vì được làm việc tại nhà, có thời gian chăm sóc gia đình.
Là vùng đất có hơn 600 lao động đang làm thuê ở Thái Lan, để thay đổi tâm lý lao động quả là khó khăn. Sau khi triển khai dự án (từ tháng 4-2009), CB-TREE đã giúp người dân hai xã nâng cao kỹ năng nghề, tự tạo việc làm. Ban đầu, dự án hỗ trợ cho 400 đối tượng của 2 xã và đã có 384 đối tượng tham gia các hoạt động của chương trình, trong đó có 279 phụ nữ (chiếm 72,7% tổng số người tham gia). CB-TREE đã huấn luyện cho họ nghề nuôi ong theo phương pháp hiện đại và hỗ trợ họ ong giống. Nông dân xã Mỹ Lộc đã thực sự xây được những "tổ ong vàng". Một câu lạc bộ nuôi ong được thành lập để tăng cường sự liên kết giữa các thành viên, hướng đến mở rộng sản xuất, kinh doanh mật ong chuyên nghiệp, thử nghiệm sản phẩm có nhãn hiệu để tiếp cận, thâm nhập thị trường. Bước đầu, những người nuôi ong đã giữ được đàn ong gốc, chia thêm đàn, tạo việc làm và thu nhập thường xuyên. Theo ông Nguyễn Văn Thế, Chủ nhiệm CLB Nuôi ong thì trước khi tham gia dự án, người dân nuôi ong theo kiểu tự phát, họ chưa biết cách khai thác để bảo tồn loài ong. Trong xã có một số hộ tự học nuôi ong lấy mật theo phương pháp hiện đại nhưng do không được hướng dẫn nên chưa nắm được kỹ thuật một cách hệ thống. Bởi vậy, nuôi ong không được xem là nghề chính tạo thu nhập, nhiều người thất bại do không xử lý được đàn ong bị bệnh, bốc bay...
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề khẳng định: Thành công của việc thí điểm áp dụng phương pháp CB-TREE là tạo mô hình tốt về dạy nghề cho lao động nông thôn và các nhóm yếu thế, bảo đảm cho người lao động có được việc làm bền vững sau khi đào tạo. Thống kê cho thấy, 65% số hộ dân tham gia chương trình có thu nhập tăng lên so với trước đây. Điều đó cho thấy mô hình có thể áp dụng tại nhiều nơi khác, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, cả nước chỉ có khoảng 20% thanh niên nông thôn được đào tạo nghề (phụ nữ nghèo ở lứa tuổi 35-55 chiếm đa số). Lao động nông thôn gặp khó khăn trong tiếp cận với các mô hình đào tạo, vì hầu hết cơ sở dạy nghề đặt tại trung tâm tỉnh lỵ hoặc các trung tâm huyện thị, phần lớn không đáp ứng được các yêu cầu tuyển sinh của các cơ sở đào tạo (như trình độ, chi phí đào tạo…). Ngoài ra, các cơ sở đào tạo chưa đủ năng lực để tiến hành các phương pháp đào tạo mới để tạo việc làm tại chỗ hoặc việc làm được trả lương. Đặc biệt, nông dân đang rất thiếu thông tin về các thị trường mới và tiềm năng về việc làm, lại hạn chế trong việc tiếp cận với các dịch vụ tài chính. Đây là trở ngại cho việc tăng cường và mở rộng cơ hội việc làm tại nông thôn.
Tạo việc làm bền vững cho lao động nông thôn là điều cần thiết. Nếu các dự án, chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo chỉ đạo của Chính phủ được thực hiện một cách đồng bộ, nghiêm túc thì chắc chắn có một thị trường lao động mở với sự tham gia của một lượng lớn lao động ở các vùng nông thôn, không chỉ ở Can Lộc, Hà Tĩnh.