Cẩm nang cho thi tốt nghiệp

Tuyển sinh - Ngày đăng : 07:15, 31/03/2011

(HNM) - Phỏng đoán để "học tủ" nên một bộ phận học sinh (HS), kể cả giáo viên (GV) khá bất ngờ khi lần thứ 3 liên tiếp môn Địa lý được đưa vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Một tuần sau khi Bộ GD-ĐT chính thức công bố môn thi, ngoài 3 môn đã biết trước, các địa phương đang hối hả "tăng ca" cho 3 môn còn lại, trong đó mối quan tâm hàng đầu hiện nay là tài liệu ôn tập.

Một giờ học tại Trường THPT Nhân Chính (quận Thanh Xuân). Ảnh: Nguyệt Ánh


"Lệch tủ", nhưng không đáng lo

Trước khi Bộ GD-ĐT thông báo môn thi, nhiều người dự kiến môn Lịch sử sẽ có mặt trong kỳ thi. Vì vậy, ngoài 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử là môn đã được các trường chuẩn bị ngay từ đầu năm học. Bởi vậy, sự xuất hiện của môn Địa lý trong 3 kỳ thi tốt nghiệp liên tiếp đã khiến hầu hết HS không khỏi bất ngờ. Về điều này, đại diện lãnh đạo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho rằng: Lâu nay, không ít HS "tính toán" rằng năm trước đã thi môn này, hoặc nội dung kia thì năm sau sẽ không thi nữa. Nhưng việc ấn định các môn thi, nội dung thi không dựa vào "tiêu chí" đó… Với những thay đổi trong cách thức ra đề thi như hiện nay, HS  càng "học tủ" thì nguy cơ "lệch tủ" càng cao.

Dẫu vậy, nếu thi môn Địa lý thì phần lớn HS sẽ dễ ôn tập và thi đạt kết quả tốt hơn nhiều so với môn Lịch sử. Bởi Địa lý là môn học có nhiều kiến thức được liên hệ với thực tiễn, thêm nữa lại ít con số, sự kiện… Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Đức A Nguyễn Hà Thiện cho biết: Dù bất ngờ, song việc thi môn Địa lý trong 3 năm liên tiếp cũng là thuận lợi lớn cho các trường trong việc tổ chức cho HS ôn tập. Đội ngũ GV dạy Địa lý có cơ hội trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ; HS thêm ý thức tập trung vào việc học những môn thường bị coi là phụ. Những vấn đề chưa được trong việc triển khai ôn tập môn Địa lý từ 2 kỳ thi trước cũng được  rút kinh nghiệm…

Bám sách giáo khoa và chuẩn kiến thức

Để ôn tập cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011 hiệu quả, ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) cho biết: Các nhà trường nên tập trung ôn tập cho HS theo những yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình THPT. Tài liệu để ôn tập theo chuẩn kiến thức, kỹ năng chính là sách giáo khoa. Tùy theo trình độ, khả năng nhận thức của HS, GV có thể điều chỉnh lượng kiến thức cho phù hợp, song vẫn phải đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng.

Kỳ thi năm 2010, môn Lịch sử đã xảy ra sự cố do có sự chênh lệch về nội dung giữa đáp án và hướng dẫn chấm nên nhiều HS bị mất điểm oan, điều đó đã khiến các trường cẩn trọng hơn. GV được chỉ đạo hướng dẫn cho HS học đủ các nội dung ở sách giáo khoa và theo chuẩn kiến thức. Thực tế, có một số đơn vị kiến thức nằm trong sách giáo khoa nhưng lại không có trong chuẩn kiến thức, kỹ năng và ngược lại. Bỏ sót bất cứ nội dung nào cũng có thể khiến HS bị thiệt thòi. Việc sử dụng tài liệu tham khảo cũng được lãnh đạo bộ nhắc nhở. Các trường và GV phải có sự thẩm định bởi có tài liệu tái bản mà không được chỉnh sửa, bổ sung theo yêu cầu chương trình hiện hành…

Dù Quy chế thi và Hướng dẫn thi tốt nghiệp THPT năm 2011 của Bộ đều quy định: "Nội dung đề thi dựa theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục cấp THPT chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12…", song thực tế đề thi các năm cho thấy HS cần đặc biệt quan tâm tới những đơn vị kiến thức liên thông chứ không chỉ là kiến thức ở lớp 12. Đại diện lãnh đạo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cũng khẳng định: Để đạt điểm cao, HS phải có tư duy tổng hợp kiến thức đã học, nhất là với các môn thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên. Thực tế, kiến thức ở nhiều môn đều có tính liên thông, kế thừa giữa 3 năm học của chương trình THPT.

Chú trọng thông hiểu, vận dụng kiến thức

Theo ông Nguyễn Thành Kỳ, Trưởng phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT Hà Nội): Nếu như với các môn tự nhiên, việc nắm vững công thức, định luật là vô cùng cần thiết, thì khi học môn xã hội, HS nên học theo cách ghi nhớ và tự phân tích từng sự kiện, từng chi tiết thì mới có thể hiểu sâu, nhớ lâu. Đây là yêu cầu cần thiết với thí sinh, nhất là khi Bộ GD-ĐT chủ trương dành 50% điểm số cho yêu cầu vận dụng kiến thức trong đề thi năm 2011.

Thầy Nguyễn Văn Chính, Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Oai A cho biết: Với số lượng HS xếp loại học lực trung bình chiếm tới hơn một nửa trong tổng số gần 600 HS lớp 12, việc hướng dẫn ôn tập để HS không chỉ học thuộc lòng mà còn hiểu, vận dụng được kiến thức, nhất là với những môn khoa học xã hội và nhân văn là một khó khăn lớn. Còn thầy Nguyễn Văn Khôi, Hiệu trưởng Trường THPT Chúc Động thì khẳng định chủ trương ra đề mở, dành tỷ lệ đáng kể về điểm số cho yêu cầu thông hiểu, vận dụng kiến thức của Bộ đã phần nào có tác động tích cực, làm thay đổi thói quen "học tủ" của một bộ phận HS. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng đây là một thử thách lớn trong việc đổi mới phương pháp dạy học.

- Trong 6 môn thi tốt nghiệp THPT năm 2011, các môn Ngoại ngữ, Vật lí, Sinh học thi theo hình thức trắc nghiệm.

- Trong 6 môn thi của hệ bổ túc THPT, các môn Vật lí, Sinh học thi theo hình thức trắc nghiệm.

- Kỳ thi được tổ chức trong 3 ngày: 2, 3 và 4-6-2011.

- Quy định về phần thi bắt buộc, tự chọn: Chỉ được làm một trong hai phần tự chọn. Nếu làm cả hai phần tự chọn thì bị coi là phạm quy và không được chấm điểm cả hai phần tự chọn.

* Một số phần không bắt buộc ôn tập với thí sinh thi bổ túc THPT: Thuyết điện từ ánh sáng (Vật lý), những tác phẩm đọc thêm (Ngữ văn), những nội dung về khu vực Trung Đông, thuộc chương II, phần Lịch sử Thế giới hiện đại (Lịch sử).

Thống Nhất