Chuyện chưa có hồi kết
Xã hội - Ngày đăng : 07:05, 31/03/2011
"Nhộn nhịp" chuyển nhượng, và xây dựng nhà cửa
Một hộ dân ở xã Hữu Hòa (Thanh Trì) đang xây dựng nhà kiên cố ngay trong hành lang sông Nhuệ.
Ngày 29-3, PV Hànộimới có mặt tại bờ tả sông Nhuệ, đoạn gần trụ sở UBND xã Tả Thanh Oai (Thanh Trì), nơi có hàng chục trường hợp lấn chiếm đất công thuộc hành lang sông để xây dựng nhà ở, lều lán bán hàng. Vừa ngỏ ý muốn mua mảnh đất để mở cửa hàng buôn bán, chị Liên chủ quán bán nước gần trụ sở UBND xã đon đả: "Anh chị muốn mua đất loại nào? Có sổ hay chưa có sổ? Ở đây có hết!". Theo chị Liên, giá đất bên bờ tả sông Nhuệ gần trụ sở UBND xã Tả Thanh Oai dao động từ 150 đến 200 triệu đồng/suất (mặt tiền khoảng 4m, dài hơn 10m, có nhà cấp 4), vị trí đẹp thì giá cao hơn. Sát mảnh đất nhà chị Liên, một hộ dân mới bán một suất giá 150 triệu đồng. Chủ mới đã đổ cọc bê tông xây nhà kiên cố 1 tầng có gác xép.
Phía bờ hữu sông Nhuệ, đoạn từ cầu Hữu Hòa đến trụ sở UBND xã Hữu Hòa (huyện Thanh Trì) chỉ dài hơn 1km nhưng có hàng chục ngôi nhà nằm trong hành lang sông Nhuệ. Đáng nói, có 2 trường hợp đang xây nhà ở là gia đình ông Đoàn Bá Hải (thôn Hữu Từ) đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) năm 1993 và bà Đào Thị Nghiêm được cấp GCNQSDĐ năm 2003; 2 hộ này được UBND xã Hữu Hòa cấp phép xây dựng tạm thời vào tháng 3 năm 2011. Hiện trường là những cột bê tông cốt thép cao sừng sững, tương lai đây sẽ là những ngôi nhà kiên cố. Một đại diện Thanh tra Xây dựng huyện Thanh Trì cho biết, khi kiểm tra, 2 hộ dân này cam kết sẽ tháo dỡ khi Nhà nước yêu cầu. Ngoài ra, trên nhiều khoảng đất trống khác dọc hai bờ sông Nhuệ qua xã Hữu Hòa và Tả Thanh Oai vẫn xuất hiện cảnh đổ đất lấn chiếm, tập kết gạch, cát...
Chậm xử lý vi phạm
Từ cuối năm 2010 đến nay, Văn phòng Chính phủ đã liên tiếp ban hành 2 văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu UBND TP Hà Nội xử lý kiên quyết, dứt điểm từng vụ việc, không để tái lấn chiếm. Ngày 10-3-2011, trong văn bản số 1640, UBND TP yêu cầu các huyện trong lưu vực sông khẩn trương giải tỏa vi phạm, hoàn thành trong quý II năm 2011. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi đến ngày 30-3, dù đã hết quý I nhưng việc phân loại, xử lý vẫn gần như "án binh bất động" và còn nguy cơ phát sinh vi phạm mới. Đáng nói là trong quá trình phân loại, xử lý, các địa phương băn khoăn về biện pháp và cho rằng thời điểm UBND TP đặt ra là khó hoàn thành, vì vi phạm ở nhiều nơi đã trở nên nghiêm trọng, phức tạp. Tại điểm "nóng" huyện Từ Liêm, UBND huyện đã chỉ đạo, các ngành đã triển khai xử lý từ tháng 12-2010 nhưng đến nay, mới giải tỏa khoảng 30 vụ ở các xã Mỹ Đình, Mễ Trì và thị trấn Cầu Diễn trong hàng trăm trường hợp vi phạm (tính từ năm 2007). Phó Chánh Thanh tra Xây dựng huyện Từ Liêm Nguyễn Ngọc Mạnh cho rằng, việc xử lý vi phạm đang gặp khó khăn vì ở một số nơi, người dân định cư đã hàng chục năm, có khi từ trước thời điểm Luật Đất đai có hiệu lực (1993). Tại huyện Thanh Trì, Phó Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nguyễn Danh Huy cho biết, các hộ dân ở trong hành lang sông Nhuệ chủ yếu từ năm 2000 trở về trước, nhiều gia đình từ trước năm 1980. Theo thống kê của UBND xã Hữu Hòa (huyện Thanh Trì), xã có 27/213 trường hợp nằm trong hành lang sông Nhuệ đã được cấp GCNQSDĐ.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Phạm Hùng Tiến cho biết, việc thống kê, phân loại không dễ, vì quy định mốc giới lòng sông, hành lang sông chưa rõ. Vì vậy, vấn đề quan trọng nhất lúc này là khẩn trương cắm mốc giới để phân định ranh giới lòng sông, hành lang sông, tạo điều kiện thống kê chính xác số phải di dời. Nhiều ý kiến đề nghị xem xét thấu đáo nguồn gốc đất, nhất là những hộ dân định cư hàng chục năm, hoặc trước thời điểm Luật Đất đai có hiệu lực để ban hành chính sách hỗ trợ, bảo đảm lợi ích cho người dân; với những hộ đã được cấp GCNQSDĐ, có thể nghiên cứu chính sách tái định cư...
Tuy nhiên, trước mắt, để bảo đảm kỷ cương, tránh sự việc phức tạp thêm, các địa phương, Công ty Thủy lợi sông Nhuệ cần xử lý dứt điểm các vi phạm mới, chặn đứng các vụ tái phạm.