Giới hạn nguy hiểm

Thế giới - Ngày đăng : 07:01, 31/03/2011

(HNM) - Bất chấp một loạt nỗ lực suốt 24/24 giờ liên tục trong 20 ngày qua của Chính phủ Nhật Bản cùng sự hỗ trợ tích cực từ cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và sự hy sinh không giới hạn của

Nhật Bản tuyên bố hủy 4 lò phản ứng tại Nhà máy Fukushima số 1. Ảnh: Reuters


Cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Nhật Bản một lần nữa cho thế giới thấy rằng, chế ngự một sự cố hạt nhân kiểu Fukushima chưa bao giờ là dễ dàng và phải trả giá quá đắt về con người và môi trường. Thông báo mới nhất chiều 30-3 của Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) về việc sẽ ngưng sử dụng 4 lò phản ứng tại Nhà máy Fukushima số 1 sau báo động nguy hiểm hạt nhân ở mức cao nhất, được Thủ tướng Naoto Kan phát đi từ Tokyo chứng tỏ, cuộc khủng hoảng hạt nhân tại xứ Mặt trời mọc đã đến giới hạn nguy hiểm.

Dù chưa thể xác định được nghi ngờ nước chứa phóng xạ từ nhà máy này có bị rò rỉ ra biển qua đường hầm của lò phản ứng hay không, nhưng một loạt cảnh báo khẩn về chất phóng xạ plutonium được phát hiện trong mẫu đất lấy từ nhà máy; dấu vết phóng xạ trong nước mưa cũng như được tìm thấy phát tán trong không khí ở một loạt quốc gia trong khu vực nhiều ngày qua khiến người dân không khỏi lo sợ. Quan ngại về nguy cơ sinh vật biển hay an toàn hải sản bị đe dọa trực tiếp ngày càng gia tăng khi thông tin từ Nhật Bản cho biết, mức iodine phóng xạ - chất có thể gây ung thư trong nước biển khu vực gần Nhà máy Fukushima số 1 đã cao gấp 3.355 lần mức cho phép.

Cuộc khủng hoảng kép do động đất và sóng thần tại Nhật Bản hôm 11-3 đang gây tác động kép cho một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới. Chưa bao giờ Nhật Bản phải đối mặt với khó khăn chồng chất do thiên tai gây ra như hiện nay: vừa phải gồng mình khắc phục thảm họa; vừa phải đối mặt với nguy cơ suy giảm tăng trưởng kinh tế do xuất khẩu ngưng trệ. Kiến nghị mới nhất của Nhật Bản gửi tới các thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) rằng, các nước không nên phản ứng thái quá trước sự cố hạt nhân; đồng thời bác bỏ khả năng đời sống sinh vật biển và an toàn thủy sản bị đe dọa do phóng xạ xem ra chưa thể chặn đứng làn sóng từ chối nhập khẩu hàng hóa nông sản, sữa, thịt bò… của Nhật Bản tại một loạt quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Với ưu thế vượt trội không gây hiệu ứng nhà kính, nhiều năm qua Nhật Bản coi năng lượng hạt nhân là một nhân tố quan trọng của nền kinh tế. Do đó, ngành công nghiệp hạt nhân nước này phát triển rất mạnh với 17 nhà máy điện hạt nhân chứa tổng cộng 55 lò phản ứng. Song, cuộc khủng hoảng hạt nhân chưa có dấu hiệu chấm dứt ở Fukushima như một đòn giáng mạnh vào chiến lược năng lượng của Nhật Bản. Lời kêu gọi tăng cường sản xuất điện hạt nhân khi cho đây là một nguồn năng lượng sạch và hiệu quả về  kinh tế trong chương trình phát triển năng lượng cơ bản của Chính phủ Nhật Bản đang chịu tác động mạnh.

Cuộc khủng hoảng hạt nhân có nguy cơ vượt tầm kiểm soát còn ảnh hưởng tiêu cực tới các nỗ lực của Nhật Bản nhằm đẩy mạnh xuất khẩu công nghệ điện hạt nhân ra nước ngoài. Hơn thế nữa, cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima có thể ảnh hưởng mạnh tới uy tín của ngành năng lượng hạt nhân Nhật Bản, khi niềm tin vào sự an toàn tuyệt đối của công nghệ Nhật Bản với người dân trong nước và trong khu vực cũng như trên thế giới đã bị lung lay.

Không ít quốc gia trên thế giới đã chọn hạt nhân là nguồn năng lượng quan trọng thay thế trong tương lai, đặc biệt với các nền kinh tế mới nổi đang "đói" năng lượng. Thế nhưng, cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Nhật Bản đang khiến thế giới nhìn nhận lại rằng, điện hạt nhân thực sự là con dao hai lưỡi. Cùng với Đức, Thụy Sĩ, Trung Quốc... một loạt quốc gia khác trên thế giới đã tuyên bố xem xét lại các dự án điện hạt nhân và kiểm tra độ an toàn của các nhà máy đang hoạt động. Phản ứng dây chuyền này được dự báo sẽ tác động tiêu cực đến thị trường năng lượng hạt nhân toàn cầu, cho dù nhu cầu sử dụng điện ở hầu hết các quốc gia không ngừng tăng.

Thế giới hiện có hơn 400 lò phản ứng hạt nhân, tạo ra khoảng 15% sản lượng điện trên toàn cầu. Các nước đang xây dựng hơn 40 lò phản ứng và dự kiến xây dựng thêm hơn 300 lò trong tương lai. Cuộc khủng hoảng hạt nhân tại Nhật Bản đang đặt ra thách thức rất lớn đối với IAEA cũng như cộng đồng quốc tế. Làm thế nào để bảo đảm an toàn cho các nhà máy điện hạt nhân khi xảy ra sự cố do thiên tai, khủng bố, là điều thế giới đang đặc biệt quan tâm.

Cuộc khủng hoảng hạt nhân ở xứ Phù Tang đã khiến IAEA dự kiến tổ chức một hội nghị quốc tế cấp cao trong vòng 90 ngày tới nhằm củng cố các biện pháp an toàn hạt nhân toàn cầu và bàn cách ứng phó khẩn cấp với một cuộc khủng hoảng hạt nhân như đang thấy tại Nhật Bản.

Đình Hiệp