Kiên quyết xử lý sai phạm
Kinh tế - Ngày đăng : 06:57, 31/03/2011
Để thực hiện mục tiêu duy trì CPI cả năm 2011 ở mức một con số, những giải pháp kiềm chế lạm phát của Chính phủ đưa ra tại Nghị quyết 11/NQ-CP đã và đang được các bộ, ngành, địa phương gấp rút triển khai. Để hạn chế những sai phạm trong lĩnh vực giá, các đoàn kiểm tra liên ngành đang khẩn trương vào cuộc, nhằm kiên quyết loại bỏ những chi phí bất hợp lý làm tăng giá bán và xử lý các sai phạm về giá.
Rà soát yếu tố hình thành giá
Khách hàng lựa chọn gạo tại một điểm bán hàng bình ổn giá của Tổng Công ty Lương thực miền Bắc. Ảnh: Bảo Lâm
Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, giá 11 nhóm hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu đã đồng loạt tăng trong tháng 3. Trong đó, nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng mạnh 3,06%, nhóm dịch vụ giao thông có mức tăng cao nhất: 6,69%... Nhận xét về diễn biến tăng giá trong tháng 3, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh những yếu tố khách quan làm ảnh hưởng đến giá tiêu dùng, như điều chỉnh tỷ giá, giá điện, giá xăng dầu theo thị trường… yếu tố tâm lý cũng góp phần không nhỏ trong việc đẩy giá tiêu dùng "leo thang". Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ ban hành cuối tháng 2 vừa qua đã đề ra nhiều biện pháp đồng bộ nhằm giữ ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Đến nay, Nghị quyết 11 mới triển khai được một tháng, Chính phủ đang đi theo hướng khống chế tổng cầu, qua đó kiềm chế lạm phát. Để cắt giảm chi tiêu công, Chính phủ đã hướng dẫn cụ thể việc cắt giảm 10% chi thường xuyên, giao chỉ tiêu cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện. Nhiều đoàn thanh tra đã được cử xuống các địa phương để rà soát dự án cấp bách, có thể đưa vào sử dụng trong năm 2011 thì mới triển khai tiếp. Những dự án chưa khởi công, hoặc kéo dài sẽ bị đình lại… Những giải pháp mà Chính phủ đưa ra, nếu được thực hiện nghiêm sẽ làm giảm tổng cầu, giảm chi tiêu công, qua đó tác động tích cực đến nền kinh tế.
Tuy nhiên, sẽ rất khó tránh tình trạng tăng giá kiểu "té nước theo mưa", gây áp lực lên mặt bằng giá chung. Để hạn chế tình trạng này, Cục Quản lý giá sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra yếu tố hình thành giá, rà soát kỹ nguyên nhân làm tăng giá đầu vào. Những chi phí bất hợp lý mà doanh nghiệp (DN) đưa ra sẽ bị loại bỏ. Thông tư 22/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành là cơ sở quan trọng để cơ quan chức năng đánh giá xem DN hạch toán các chi phí hình thành giá có hợp lý hay không. Nếu DN hạch toán không đúng thì khoản tiền chênh lệch sẽ bị thu hồi, nộp vào ngân sách...
Thanh tra giá bán nhiều mặt hàng thiết yếu
Để kiểm soát việc thi hành Pháp lệnh Giá, Bộ Tài chính đã cử 14 đoàn kiểm tra một số đơn vị sản xuất, kinh doanh các mặt hàng như thép, xi măng, sữa bột, thức ăn chăn nuôi; các địa phương tiếp tục kiểm soát chặt chẽ cước vận tải. Đoàn thanh tra sẽ tập trung kiểm tra các mặt hàng chịu tác động trực tiếp từ việc điều chỉnh giá điện, giá xăng dầu. Qua đó, sẽ đánh giá cụ thể mức độ tác động của việc điều chỉnh tỷ giá đến giá vốn nhập khẩu của DN để tránh tình trạng DN nào cũng đổ lỗi tỷ giá điều chỉnh nên phải điều chỉnh giá bán.
Kết quả thanh tra giá tại DN trong năm 2010 do Bộ Tài chính thực hiện cho thấy, một số DN đã có sai phạm trong việc thực hiện Pháp lệnh Giá, song cơ quan chức năng không xử phạt mạnh tay do chưa đủ chế tài. Có nhiều DN hạch toán chi phí vô lý, nhưng luật lại không có chế tài buộc DN phải giảm giá nên cơ quan chức năng chỉ có thể cảnh cáo hoặc phạt tiền… Để khắc phục tình trạng này, Bộ Tài chính đang phối hợp với các ngành liên quan gấp rút hoàn thành sửa đổi Nghị định 169 về xử lý vi phạm trong lĩnh vực giá để trình Chính phủ ban hành. Nghị định mới sẽ bổ sung một số hình thức vi phạm mới xuất hiện trong lĩnh vực này, như vi phạm về kê khai, đăng ký giá, hạch toán chi phí, niêm yết giá… Mức xử phạt nặng nhất sẽ tăng từ 30 triệu đồng lên 70 triệu đồng; bổ sung hình thức rút giấy phép kinh doanh và nếu vi phạm nặng hơn thì sẽ xử lý hình sự…
Cùng với việc xử lý nghiêm sai phạm trong lĩnh vực giá, Bộ sẽ phối hợp với các địa phương thực hiện việc bình ổn giá, góp phần kiềm chế tăng giá, ổn định thị trường giá cả. Trong năm 2010, chương trình bình ổn giá đã được triển khai khá tốt tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… song cách làm còn nhiều hạn chế. Thứ nhất, điểm bán hàng bình ổn thường tập trung ở nơi ít dân cư, ít người tiêu dùng. Thứ hai, quá trình triển khai chương trình chưa kịp thời. Thủ tục mà DN tham gia bình ổn giá phải thực hiện hay việc chuyển hàng từ nơi đầu nguồn về nơi bình ổn còn có sự chậm trễ nhất định... Năm nay, những bất cập khi triển khai chương trình này sẽ được khắc phục, giúp thực hiện có hiệu quả hơn việc bình ổn giá thị trường để góp phần kiềm chế lạm phát.