Hà Nội triển khai các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội
Đời sống - Ngày đăng : 06:06, 31/03/2011
Trong quý I, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhất là phải đối phó với tình trạng lạm phát, nhưng nhìn chung kinh tế Thủ đô vẫn ổn định với GDP đạt tốc độ tăng trưởng 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Một số mục tiêu quan trọng tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, như thu ngân sách đạt 28% dự toán năm, tăng 24%; vốn đầu tư trên địa bàn tăng 10,4%, xuất khẩu tăng hơn 28%... an sinh xã hội được giữ vững.
Thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính cũng là một nhiệm vụ trọng tâm của TP Hà Nội trong thời gian tới. Ảnh: Linh Tâm
9 tháng cuối năm, thành phố sẽ chỉ đạo các ngành, doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu và tiết kiệm sử dụng năng lượng. Thành phố đã đề ra 7 giải pháp phát triển KT-XH. Theo đó, chú trọng các hình thức đầu tư như BOT, BT, BTO và thí điểm hình thức PPP (hợp tác công - tư) để xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật - xã hội. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy sản xuất gắn liền với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đồng thời hạn chế nhập siêu. Lãnh đạo thành phố tăng cường gặp và tháo gỡ khó khăn cho DN. Thực hiện quyết liệt việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, chú trọng chống thất thu, phấn đấu tăng ngân sách trên địa bàn từ 5-10% so với dự toán, tập trung xử lý các khoản nợ đọng… Đồng thời thực hiện đồng bộ các chính sách, biện pháp an sinh xã hội. Thành phố cũng yêu cầu tăng cường công tác quy hoạch, quản lý xây dựng đô thị và nông thôn mới, nhấn mạnh việc hoàn thiện, trình phê duyệt các quy hoạch ngành ngay sau khi quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được phê duyệt, tạo điều kiện tốt cho quản lý và thúc đẩy DN chọn lọc đầu tư, phát triển kinh tế và triển khai dự án; đẩy nhanh tiến độ các dự án thoát nước, cải thiện môi trường; tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, đổi mới công tác lãnh đạo nhằm cải cách hành chính, mở rộng mô hình "một cửa liên thông" tạo thuận lợi cho DN kinh doanh, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế…
* Thời điểm này, nhiều siêu thị và các DN đang tích cực tham gia chương trình bình ổn giá. Hầu hết những mặt hàng nhu yếu phẩm tại các siêu thị như Intimex, Hapro, Big C... không tăng mạnh như ở các chợ truyền thống. Đại diện siêu thị Intimex cho biết, những mặt hàng trong diện bình ổn giá được tiêu thụ khá mạnh. Các loại thực phẩm tươi sống hoặc chế biến, rau xanh, đồ đông lạnh, đồ hộp, dầu ăn, đường, gạo... tiêu thụ gấp đôi so với hồi đầu tháng 3. Tại Big C Thăng Long, từ nay đến ngày 3-4, Big C áp dụng chương trình khuyến mãi "Thật tươi - Thật ngon - Thật rẻ" với hơn 100 mặt hàng thực phẩm như rau, củ, quả Đà Lạt, thủy hải sản, thịt tươi sống, thực phẩm chế biến, bánh ngọt có mức giảm giá từ 5-50% so với lúc không áp dụng chương trình. Cụ thể, các loại thịt tươi sống có mức giảm giá 15%, rau, củ, quả Đà Lạt giảm đến 50%, thủy, hải sản tươi sống giảm 15%, trái cây giảm 25%.
Điều đáng nói là chưa kể đến những mặt hàng bình ổn giá được thành phố hỗ trợ vốn, nhiều siêu thị, DN phân phối vẫn duy trì những sản phẩm có giá hợp lý, bảo đảm lợi ích người tiêu dùng. Tại hệ thống các siêu thị Big C, Intimex, Hapro, Fivimart... hầu hết các mặt hàng lương thực thiết yếu đều giữ mức giá ổn định từ đầu năm đến nay.
Theo đại diện Intimex cho biết, đã chấp nhận giảm một phần lợi nhuận để bù vào giá; đồng thời áp dụng nhiều biện pháp trong thu mua hàng như thương lượng mức độ điều chỉnh hợp lý, thời gian điều chỉnh chậm nhất có thể được, hủy bỏ những mặt hàng yêu cầu giá cao... Bên cạnh đó là tăng cường mức độ cam kết mua hàng lâu dài, ổn định với số lượng lớn cho nhà cung cấp; giảm hoặc không lấy chiết khấu, cắt giảm chi phí phụ như quảng cáo. Trong bối cảnh giá "đầu vào" gây áp lực lên các nhà sản xuất, cung cấp sản phẩm, đơn vị sẽ có lộ trình hợp lý, không để hàng tăng giá đột biến. Đại diện Big C cho biết, dù đã nhận được đề nghị tăng giá từ các nhà cung cấp nhưng đến nay hầu hết các mặt hàng tại Big C đều chưa tăng giá. Trong quý II, Big C sẽ xem xét điều chỉnh tùy từng sản phẩm nhưng với mức giá thấp nhất có thể, đồng thời đàm phán với nhà cung cấp để có giá hợp lý.