Bắt đúng bệnh, chữa đúng thuốc
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:04, 31/03/2011
Tính chung, sau 3 tháng, CPI đã tăng 6,12%, tác động tiêu cực đến đời sống người dân… Bức tranh kinh tế Việt Nam trong 3 tháng đầu năm đã được Chính phủ phác thảo dưới một cái nhìn tổng thể với gam màu sáng. Trong bối cảnh cơn bão tài chính tràn qua nhiều nước, có thể thấy những tín hiệu lạc quan từ bức tranh kinh tế Việt Nam.
Theo nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB), việc công bố các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô gần đây của Chính phủ Việt Nam là một bước quan trọng, đúng hướng để khôi phục lại hình ảnh của một trong những điểm đến hấp dẫn nhất của đầu tư nước ngoài trong khu vực. Cũng theo WB, chỉ số lạm phát cơ bản (không kể lương thực, thực phẩm và nhiên liệu) có thể giảm dần khi triển khai các chính sách thắt chặt tiền tệ và tài chính. Tỷ lệ lạm phát cơ bản giảm và ở mức ổn định dần dần sẽ giúp bình ổn thị trường ngoại hối. Và nợ công của Việt Nam có thể vẫn ở trạng thái bền vững, nếu duy trì được đà phục hồi kinh tế hiện nay…
Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục phải đối mặt với hàng loạt vấn đề. Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, kim ngạch nhập khẩu tháng 3 trở lại mức 8,2 tỷ USD, cao nhất kể từ đầu năm đến nay, chỉ còn kém mức 8,8 tỷ USD của tháng 12-2010 - cũng là hai tháng kim ngạch nhập khẩu đã vượt 8 tỷ USD. Nhập siêu tháng 3 này cũng đạt mức kỷ lục của quý I, ở con số ước tính là 1,15 tỷ USD; trong khi các tháng trước là 0,88 tỷ USD (tháng 1) và 1,11 tỷ USD (tháng 2). Điều này cho thấy, xu hướng nhập siêu đang tăng dần.
Trong cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam hiện nay, sản xuất hàng hóa phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu. Do đó, khi đặt mục tiêu tăng xuất khẩu thì việc tăng nhập khẩu là đương nhiên. Điều đáng lo ngại là chúng ta chưa thực sự tìm được những mặt hàng tạo ra giá trị gia tăng cao mang đặc trưng Việt Nam. Khi thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, lập tức phải đối phó với bài toán nhập siêu.
Rõ ràng đằng sau những tín hiệu khả quan là hàng loạt vấn đề nội tại đáng lo ngại của nền kinh tế. Mô hình tăng trưởng dựa vào tăng vốn đầu tư, nguồn tài nguyên khoáng sản và chất lượng lao động không cao luôn tiềm ẩn những bất ổn. Vì thế, vấn đề cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng từ diện rộng sang có chiều sâu và hiệu quả là đòi hỏi tất yếu. Việc đánh giá và nhận diện những vấn đề cốt lõi mà nền kinh tế đang phải đối mặt, từ đó đưa ra những giải pháp đồng bộ, khả thi trong chiến lược trung và dài hạn là vô cùng cần thiết. Đây cũng là động lực mới mang tính bền vững cho nền kinh tế.
Chính phủ đã "bắt đúng bệnh, chữa đúng thuốc". Với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các chính sách kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội đã mang lại hiệu quả bước đầu. Song thách thức vẫn ở phía trước. Cùng với việc kiên trì thực hiện các chính sách tài chính, thắt chặt đầu tư công, tập trung nguồn lực cho sản xuất, xuất khẩu… nhiệm vụ của các nhà quản lý ở tầm vĩ mô cũng như của mỗi doanh nghiệp lúc này là theo sát diễn biến tình hình, dự báo chính xác các vấn đề đặt ra với nền kinh tế, đưa ra những điều chỉnh phù hợp, có thêm nhiều giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt để ổn định thị trường, nhanh chóng đưa nền kinh tế đất nước trở lại đà tăng trưởng và phát triển bền vững.