Kênh Ba Bò, bao giờ hết ô nhiễm?
Xã hội - Ngày đăng : 06:59, 30/03/2011
Sống trong sợ hãi…
"Kênh Ba Bò chỉ bớt hôi thối khi lượng nước thải từ Bình Dương ít đi. Còn lại thì hôi thối nồng nặc từ sáng đến tối, người dân chúng tôi đã chịu hết nổi!". Chị Nguyễn Thị Lan, hơn 10 năm sống tại khu vực kênh Ba Bò, phường Bình Chiểu gần như thuộc lòng thời gian kênh Ba Bò "phát bệnh". Theo chị, thời điểm "yên bình" hiếm hoi của người dân là khi mà các DN ở thượng nguồn như KCN Sóng Thần ngưng hoạt động vì nghỉ tết. Nhưng sau đó, mọi chuyện đâu vào đó, tình trạng ô nhiễm nhanh chóng tái lập khi hàng loạt DN sản xuất trở lại và đua nhau xả nước thải ra kênh. Điều đáng lo ngại nhất là ở đây không có nước máy, nên người dân vẫn phải khoan nước giếng để sinh hoạt dù biết rõ dòng nước ngầm bị ô nhiễm nặng!
Dòng kênh Ba Bò đang hủy hoại môi trường sống. |
Hơn 10 năm qua, anh Lê Thành Tiển, cán bộ giáo dục phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức luôn đau đáu về nỗi lo sức khỏe, bệnh tật của người dân vùng này. Anh cho biết, bà con ở đây sống trong "3 cùng: ăn, uống, thở cùng ô nhiễm"! Mùi nước kênh Ba Bò đã ăn sâu vào máu thịt, tâm tưởng, ký ức của nhiều thế hệ gia đình chúng tôi. Nước kênh Ba Bò đã từng làm hư nhiều máy móc, vật dụng, hủy hoại giếng nước, sập nhà cửa, vào mùa mưa thì ngập đến tận giường ngủ của chúng tôi. Có những đêm mùi hôi xộc lên, ba đứa con còn nhỏ phải trùm chăn, bôi dầu nhưng vẫn không xua bớt mùi… Nỗi lo ô nhiễm sẽ ảnh hưởng đến tương lai, con cháu mình. Nhìn những cháu bé còi cọc, xanh xao mà chạnh lòng.
Dòng nước ô nhiễm khủng khiếp ở đây chảy miệt mài quanh năm suốt tháng khiến người dân địa phương lo ngại, nếu không giải quyết dứt điểm nguồn thải ô nhiễm từ thượng nguồn, thì hàng trăm tỷ đồng mà TP Hồ Chí Minh bỏ ra chỉ là cách làm cho nước thải ô nhiễm từ Bình Dương được tống thẳng ra sông Sài Gòn.
Mỏi mắt chờ trông
Để cải tạo kênh Ba Bò, chủ đầu tư dự án là Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị điều chỉnh số vốn tăng lên gấp đôi, từ 307 tỷ đồng phê duyệt năm 2007 lên 744,4 tỷ đồng. Theo Ban quản lý dự án Cải tạo kênh Ba Bò giải thích: Việc đề nghị tăng vốn là do chi phí xây dựng, thiết bị và chi phí đền bù giải tỏa tăng… Cụ thể, trong dự toán ban đầu, chi phí xây dựng và thiết bị chỉ hơn 131 tỷ đồng nhưng nay tăng lên trên 176 tỷ đồng, riêng chi phí đền bù giải tỏa và di dời hạ tầng từ hơn 125 tỷ đồng lên hơn 487 tỷ đồng. Thêm vào đó, để xử lý tốt các nguồn nước thải từ các KCN đổ ra, dự án phải phát sinh thêm việc xây dựng hồ xử lý sinh học có diện tích 2,4ha được đầu tư 20 tỷ đồng, với công suất xử lý 20.000m3/ngày đêm đủ để xử lý toàn bộ lượng nước thải công nghiệp của các KCN, KCX và nước thải sinh hoạt của gần 10.000 hộ dân dọc theo tuyến kênh Ba Bò đạt chuẩn nước thải loại B. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, khi các DN chưa xử lý nước thải thì việc xây dựng hồ sinh học sẽ không hiệu quả.
Theo phân tích của ông Lê Thượng Mãn, đại biểu HĐND TP: "Trong nước thải đổ ra từ các KCN có chứa hóa chất. Do vậy, các vi sinh trong hồ sẽ chết hết". Ngoài ra, theo ông Mãn, để xử lý 1m3 nước thải/ngày đêm phải tốn tối thiểu 5.000.000 đồng cho việc mua sắm trang thiết bị. Tính ra, để vận hành một dây chuyền xử lý 20.000m3/ngày đêm phải chi tối thiểu cả 100 tỷ đồng. Nếu chỉ đầu tư 20 tỷ đồng mà muốn đạt được con số như trên thì chắc chắn dây chuyền thiết bị hoạt động không hiệu quả. Theo Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường TP Hồ Chí Minh, kết quả đo đạc nước kênh Ba Bò vào tháng 1-2011 cho thấy tình trạng ô nhiễm nước thải công nghiệp của con kênh này vẫn chưa được cải thiện. Chi cục đã kiểm tra thực tế phản ánh của người dân và thấy đúng là con kênh đang có chiều hướng tái ô nhiễm nghiêm trọng. Về vấn đề này UBND tỉnh Bình Dương yêu cầu chủ đầu tư hạ tầng các KCN trên hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải; buộc các DN trong khu phải thực hiện đấu nối hệ thống xử lý nước thải cục bộ vào hệ thống xử lý nước thải tập trung. Thế nhưng không hiểu sao cho đến nay tình trạng ô nhiễm nước thải công nghiệp ở kênh Ba Bò không hề thuyên giảm.