Vết thương cũ tái phát
Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 06:41, 30/03/2011
Tất cả bắt đầu bằng sự kiện miền Nam Israel bất thần rung chuyển sau loạt rocket, khoảng 50 quả, của các tay súng Palestine bắn từ Dải Gaza. Ngay lập tức, không lực Israel đã đáp trả bằng vụ không kích dữ dội vào một số địa điểm trên dải đất này của người Palestine. Thế nhưng, những phản ứng nhanh chóng đó chỉ là màn dạo đầu cho tình trạng bạo lực mới đang leo thang một cách đáng ngại trong khu vực. Không phải chờ đợi lâu, bạo lực sau đó đã lan đến Jerusalem bằng một vụ đánh bom gần một trạm xe buýt khiến 1 phụ nữ người Anh thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương; trong khi đó, rocket từ Dải Gaza vẫn không ngừng nã sang lãnh thổ của người Do Thái...
Hàng loạt cảnh báo của Thủ tướng Israel có quan điểm cứng rắn Benjamin Netanyahu được đưa ra mấy ngày qua như một dấu hiệu cho thấy Tel Aviv luôn sẵn sàng sử dụng vũ lực để đáp lại bạo lực. Đây là điều khiến cả Liên hợp quốc và nhà bảo trợ Mỹ lo lắng sẽ đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông đang mập mờ giữa giới hạn được - mất trượt khỏi con đường đã định vốn đầy chông gai.
Đã từ lâu lắm, mối quan hệ bị bao phủ bởi hàng loạt những bất đồng chưa tìm thấy điểm chung giữa Israel và Palestine mới được hâm nóng bằng những âm thanh của vũ khí theo cách thức hoàn toàn cổ điển. Dư luận dường như đã quen với sự lắng dịu các vụ thị uy sức mạnh bằng súng đạn từ cả hai bên thời gian qua, cho dù vẫn canh cánh nỗi lo tìm lối thoát cho những bế tắc hiện thời để hướng đến một nền hòa bình lâu dài cho khu vực. Tuy nhiên, với các vụ đụng độ mới nhất, có vẻ như tình trạng ngưng trệ của các cuộc hòa đàm đã kéo dài đủ lâu để có thể chạm đến giới hạn của sự kiên nhẫn. Không thể phủ nhận rằng, việc người Israel phớt lờ mọi cảnh báo từ đồng minh Mỹ và cộng đồng quốc tế để tiếp tục mở rộng các khu định cư Do Thái trong khi phía Palestine kiên quyết lấy Jerusalem là thủ đô mới đã khiến cỗ xe hòa bình mang tên Trung Đông phải dừng bánh khá lâu. Vì thế, hành động của các tay súng Palestine từ Dải Gaza và sự đáp trả nhanh chóng của Israel được nhìn nhận như một phản ứng trước sự tĩnh lặng đáng buồn của quá trình thương thuyết. Ở khía cạnh nào đó, đây là một nhắc nhở thế giới rằng nút thắt Trung Đông vẫn chưa được gỡ bỏ và không thể bị lãng quên dù rằng giông tố thay đổi đang tràn qua thế giới Arab.
Thế nhưng, mở ra cánh cửa bạo lực vốn chỉ khép hờ giữa người Palestine và Israel không phải là một hướng đi có thể dẫn đến khu vườn đầy trái ngọt cho cả hai phía. Rõ ràng, bao nhiêu năm xung đột chỉ làm sâu sắc thêm sự chia rẽ giữa hai dân tộc và phải khó khăn lắm, một lộ trình hòa bình Trung Đông mới được thống nhất với sự bảo trợ bất ngờ của Mỹ. Do vậy, chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đến Israel trong tuần qua giữa lúc Washington đang là "đối tác lớn" của liên quân Anh - Pháp trong các cuộc oanh kích Libya phản ánh thực tế tình trạng căng thẳng đột biến giữa Israel và Palestine đã trở thành mối quan tâm lớn của Nhà Trắng. Sự hiện diện của ông chủ Lầu Năm Góc cũng là lời ngụ ý rằng Mỹ chưa bỏ quên những khúc mắc Trung Đông. Song những tuyên bố xoa dịu, hối thúc hai bên cùng quyết tâm hành động để tiến tới hòa giải và tạo cơ hội để đạt được giải pháp hai nhà nước của ông R.Gates khi chuyến công du kết thúc cho thấy, Washington chưa có thêm sáng kiến đáng kể nào để thúc đẩy Israel và Palestine trở lại bàn đàm phán.
Mặc dù vậy, vai trò của người Mỹ sẽ vẫn là yếu tố quyết định để đưa hai đối thủ xích lại gần nhau hơn. Thế nhưng, chừng nào cả Israel và Palestine đều không nhận thấy một điểm chung để thỏa hiệp vì một nền hòa bình giữa hai dân tộc thì sự thất bại của tiến trình vừa đạt được sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng và lâu dài.
Tấn công lãnh thổ Do Thái hẳn không thể mang lại cho Palestine một nhà nước độc lập và cuộc triển khai hệ thống phòng thủ mới nhất chống tên lửa rocket tầm gần mang tên Vòm sắt trong 48 giờ qua của Israel cũng chưa bao giờ là bảo đảm vĩnh viễn cho sự an toàn của người Do Thái. Những khác biệt tạo nên khoảng cách lớn vẫn chưa thể khỏa lấp do xung đột sau nhiều thập kỷ giữa hai bên. Nay vết thương cũ vừa tái phát lại đặt con đường hòa bình Trung Đông vào một khúc quanh nguy hiểm.