Thông qua 3 dự án luật
Chính trị - Ngày đăng : 16:39, 29/03/2011
Các dự án luật được thông qua gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự, Luật phòng, chống mua bán người, Luật kiểm toán độc lập.
Riêng dự án Luật Thủ đô đã không được thông qua với lý do các nội dung trong dự án Luật cần được tiếp tục hoàn thiện, bổ sung cho xứng tầm với một luật dành cho Thủ đô.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2012. Đáng chú ý, luật quy định, trong phiên tòa, phiên họp sơ thẩm, Kiểm sát viên phát biểu quan điểm về việc tuân theo pháp luật về tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng; trong phiên tòa, phiên họp phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm, Kiểm sát viên ngoài việc phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử và những người tham gia tố tụng, còn phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án của Tòa án, đồng thời bảo vệ kháng nghị trong trường hợp Viện trưởng Viện kiểm sát có kháng nghị.
Luật sửa đổi cũng cho phép Tòa án có thẩm quyền hủy quyết định trái pháp luật của cơ quan, tổ chức.
Luật cũng quy định, Hội đồng Thẩm phán TANDTC được xem xét lại quyết định của mình khi có sai lầm nghiêm trọng và quy định rõ các chủ thể có quyền yêu cầu, kiến nghị, đề nghị Hội đồng Thẩm phán TANDTC xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC gồm: Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án TANDTC. Hội đồng Thẩm phán TANDTC xem xét, ra quyết định về việc giải quyết vụ án; quyết định của Hội đồng Thẩm phán TANDTC phải được ít nhất ba phần tư tổng số thành viên của Hội đồng Thẩm phán TANDTC biểu quyết tán thành.
Về thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, Luật quy định đương sự có quyền đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm trong thời hạn 01 năm kể từ ngày bản án, quyết định có liệu lực pháp luật, đồng thời giữ nguyên quy định về thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm của người có thẩm quyền là 03 năm. Trường hợp đương sự đã gửi đơn đề nghị giám đốc thẩm trong thời hạn quy định (01 năm), nếu người có thẩm quyền không xem xét hoặc đã xem xét nhưng không phát hiện được vi phạm, đến khi hết thời hạn kháng nghị mới phát hiện bản án, quyết định có sai phạm thì thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm đối với các trường hợp này là 5 năm.
Luật Kiểm toán độc lập có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2012, gồm 8 chương, 64 điều.
Nổi bật nhất là Luật quy định, Bộ Tài chính vừa chịu trách nhiệm tổ chức thi, cấp, thu hồi và quản lý Chứng chỉ kiểm toán viên, vừa cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán thay cho tổ chức nghề nghiệp. Luật cũng quy định mở theo hướng cho phép Tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán được bồi dưỡng kiến thức cho kiểm toán viên, kiểm toán viên hành nghề và sẽ được thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến hoạt động kiểm toán do Chính phủ quy định.
Với các quy định về hành nghề kiểm toán viên, Luật quy định kiểm toán viên hành nghề không bắt buộc phải tham gia Tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán; kiểm toán viên hành nghề là người nước ngoài khi hành nghề tại Việt Nam phải thi sát hạch bằng tiếng Việt về pháp luật Việt Nam và phải có thời gian làm kiểm toán từ đủ 36 tháng trở lên.
Về loại hình doanh nghiệp kiểm toán, Luật quy định chỉ được thành lập dưới các hình thức là (i) công ty trách nhiệm hữu hạn có từ 2 thành viên trở lên; (ii) Công ty hợp danh; (iii) Doanh nghiệp tư nhân. Luật cũng cho phép tổ chức góp vốn thành lập doanh nghiệp kiểm toán theo quy định của Chính phủ.
Luật phòng, chống mua bán người gồm 8 chương, 58 điều cũng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2012. Luật này trọng tâm quy định vấn đề phòng ngừa việc mua bán người, nhưng cũng có những quy định về hình sự, hành chính, kỷ luật.
Đáng chú ý, Luật quy định các hành vi bị nghiêm cấm gồm 12 hành vi, trong đó có mua bán người theo quy định tại Điều 119 và Điều 120 của Bộ luật hình sự; Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy các bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác; Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy các bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác; Cưỡng bức người khác thực hiện một trong các hành vi trên; Môi giới để người khác thực hiện một trong các hành vi trên; Trả thù, đe dọa trả thù nạn nhân, người làm chứng, người tố giác, người thân thích của họ hoặc người ngăn chặn hành vi trên; Lợi dụng hoạt động phòng, chống mua bán người để trục lợi, thực hiện các hành vi trái pháp luật; Cản trở việc tố giác, khai báo và xử lý hành vi trên; Kỳ thị, phân biệt đối xử với nạn nhân; Tiết lộ thông tin về nạn nhân khi chưa có sự đồng ý của họ hoặc người đại diện hợp pháp của nạn nhân; Giả mạo là nạn nhân…
Về tiếp nhận, xác minh nạn nhân bị mua bán trong nước, Luật quy định, nạn nhân hoặc người đại diện hợp pháp của nạn nhân có thể đến UBND cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức nơi gần nhất khai báo về việc bị mua bán. Cơ quan, tổ chức tiếp nhận khai báo có trách nhiệm chuyển ngay người đó đến UBND cấp xã nơi cơ quan, tổ chức có trụ sở. UBND cấp xã thực hiện việc hỗ trợ ban đầu các nhu cầu thiết yếu cho nạn nhân trong những trường hợp cần thiết và thông báo ngay với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội. Trong thời hạn chậm nhất là 3 ngày, kể từ khi nhận được thông báo của UBND cấp xã, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện việc tiếp nhận nạn nhân, hỗ trợ và phối hợp với cơ quan Công an cùng cấp xác định thông tin ban đầu về nạn nhân trong trường hợp nạn nhân chưa có một trong các giấy tờ, tài liệu quy định trong Luật.
Sau khi tiếp nhận, căn cứ vào giấy tờ, tài liệu quy định hoặc kết quả xác định thông tin ban đầu về nạn nhân, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét để thực hiện việc hỗ trợ chi phí đi lại trong trường hợp nạn nhân tự trở về nơi cư trú; đối với nạn nhân là trẻ em thì thông báo cho thân nhân đến nhận hoặc bố trí người đưa về nơi thân nhân cư trú; trường hợp nạn nhân cần được chăm sóc về sức khỏe, tâm lý và có nguyện vọng được lưu trú tại cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở hỗ trợ nạn nhân, nạn nhân là trẻ em không nơi nương tựa thì làm thủ tục chuyển giao cho Cơ sở bảo trợ xã hội hoặc Cơ sở hỗ trợ nạn nhân.
Liên quan đến các chính sách hỗ trợ nạn nhân, Luật quy định nạn nhân được trợ giúp pháp lý và quy định chỉ trợ giúp pháp lý cho nạn nhân những nội dung liên quan trực tiếp đến vụ việc mua bán người. Đồng thời, quy định chặt chẽ các chế độ hỗ trợ nạn nhân, không phải bất cứ nạn nhân nào cũng được hưởng các chính sách hỗ trợ.
Cũng trong phiên làm việc hôm nay, trước khi thông qua các dự án luật, các đại biểu đã thảo luận về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2007-2011 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.