Nguy cơ khủng hoảng thiếu
Kinh tế - Ngày đăng : 07:32, 29/03/2011
Phát triển mạnh, thiếu nhân lực
Nguy cơ thiếu nhân lực hàng không khó tránh khỏi ở nhiều quốc gia. Ảnh: Viết Thành
Hãng chế tạo máy bay châu Âu Airbus mới đây đưa ra dự báo thị trường toàn cầu, theo đó trong 20 năm tới, thế giới cần khoảng 25.850 máy bay chở khách và chở hàng mới, trị giá 3.200 tỷ USD. Theo Airbus, nhu cầu đi lại bằng đường không của thế giới dự báo sẽ tăng gấp đôi trong vòng 15 năm tới. Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không tiếp tục tăng trưởng mạnh cùng với sự gia tăng của tầng lớp trung lưu. Châu Á hiện có đội máy bay mới và hiện đại nhất thế giới. Khu vực này cũng nổi lên như thị trường tăng trưởng chủ chốt của các hãng giá rẻ. Châu Á - Thái Bình Dương đang trên đà vượt Bắc Mỹ và châu Âu để trở thành thị trường vận tải lớn nhất. Thời gian tới, khu vực này sẽ cần thêm khoảng 8.560 máy bay, trị giá 1.200 tỷ USD, chiếm khoảng 33% tổng đơn đặt hàng thế giới, tăng 26% so với giai đoạn 1990-2009. Trong 20 năm tới, các hãng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ vận chuyển 1/3 lượng hành khách đi lại trên toàn thế giới và hơn 2/3 lượng hàng hóa toàn cầu.
Có thể nói, dự báo trên là tín hiệu rất tích cực cho ngành hàng không châu Á nói chung, Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, bên cạnh dự báo đầy triển vọng đó, ngành hàng không phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nhân lực. ICAO cho biết, số máy bay hoạt động thương mại sẽ tăng từ 61.883 chiếc năm 2010 lên 151.565 chiếc trong 20 năm tiếp theo. Để đáp ứng tốc độ phát triển đó, số phi công, nhân viên bảo dưỡng máy bay và nhân viên kiểm soát không lưu phải tăng gấp đôi so với hiện nay. Theo Tổng Thư ký ICAO Raymond Benjamin, thời gian tới sẽ có nhiều nhân viên chất lượng cao nghỉ hưu và nhiều quốc gia đã thiếu hụt chuyên gia trong lĩnh vực này. Nếu không tăng cường đào tạo, tình trạng thiếu hụt nhân viên chất lượng cao của ngành hàng không dân dụng thế giới sẽ ngày càng nghiêm trọng.
Áp lực đối với hàng không Việt Nam
So với thế giới, ngành hàng không Việt Nam còn rất non trẻ. Đây vừa là thuận lợi vừa là khó khăn trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu diễn ra ngày càng khốc liệt. Ngành hàng không Việt Nam đang phụ thuộc khá nhiều vào đội ngũ nhân lực quốc tế. Vietnam Airlines, "anh cả" của ngành hiện vẫn phải thuê tới 40% phi công nước ngoài. Hãng đang nỗ lực để đến năm 2015, nâng tỷ lệ phi công trong nước lên 75%. Với các hãng tư nhân mới thành lập, việc phụ thuộc và phải thuê toàn bộ phi công nước ngoài là điều bình thường. Tuy nhiên, Vietnam Airlines đã có kế hoạch đào tạo, phát triển nhân lực để đón trước tình hình. Về bảo dưỡng, sửa chữa máy bay, Vietnam Airlines đã thành lập Công ty TNHH Kỹ thuật máy bay Hàng không Việt Nam (Vaeco), đã được Cục Hàng không Liên bang Mỹ cấp chứng chỉ FAR-145 dành cho các cơ sở bảo dưỡng máy bay đáp ứng được đòi hỏi nghiêm ngặt của cơ quan này. Với chứng chỉ đó, Vaeco sẽ giúp Vietnam Airlines và các hãng khác trong nước tiết kiệm khoản chi đáng kể khi phải đem máy bay sang nước khác bảo dưỡng, sửa chữa...
Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh cho biết, trong 15 năm qua, hãng này đã tuyển dụng, đào tạo 600 phi công, 3.000 tiếp viên, 1.800 kỹ sư và thợ kỹ thuật sửa chữa máy bay. Cuối năm 2010, Vietnam Airlines đã ký hợp đồng đào tạo phi công cơ bản tại Việt Nam. Theo đó, trong giai đoạn 2010-2012, sẽ có 60 phi công được đào tạo cơ bản tại Việt Nam và Pháp theo hướng tăng dần khối lượng đào tạo trong nước, hướng tới chuyển giao toàn bộ công nghệ huấn luyện, đào tạo phi công cơ bản về Việt Nam vào cuối năm 2012. Để đạt được tỷ lệ phi công nội chiếm 75% vào năm 2015, trung bình mỗi năm Vietnam Airlines cần bổ sung tối thiểu 100 học viên tốt nghiệp phi công cơ bản. Theo kế hoạch phát triển, đội bay của hãng sẽ tăng từ 70 chiếc hiện nay lên 163 chiếc vào năm 2020 và trở thành hãng hàng không lớn thứ 2 khu vực Đông Nam Á, trong tình hình ấy bài toán nhân lực sẽ tiếp tục là áp lực thực sự đối với Vietnam Airlines.