Thiếu cơ chế, thiếu cán bộ...
Chính trị - Ngày đăng : 07:17, 29/03/2011
Rõ "vai" nhưng chưa rõ việc
Một buổi tiếp xúc cử tri tại quận Ba Đình (Hà Nội). Ảnh: Thái Hiền
Giám sát, phản biện xã hội là một trong những công việc trọng yếu của MTTQ, vừa góp phần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, vừa làm cho vai trò, vị thế của MTTQ được nâng cao. Nhưng có ý kiến ví von một cách hình ảnh rằng, với công việc này, MTTQ như một diễn viên đã được phân vai nhưng chưa được giao việc cụ thể, nên "diễn viên" triển khai công việc còn khó khăn, lúng túng, hiệu quả thấp. Theo thống kê của các cấp MTTQ, mỗi năm thông qua hoạt động giám sát, MTTQ phát hiện hàng chục nghìn vi phạm trên nhiều lĩnh vực, kiến nghị cơ quan chức năng hoặc tham gia trực tiếp giải quyết nhiều vụ việc, được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Chỉ riêng ở Hà Nội, năm qua, các cấp MTTQ có hơn 4.800 cuộc giám sát, qua đó đã phát hiện, kiến nghị chính quyền địa phương giải quyết gần 1.400 vụ việc. Mặt trận cũng kiến nghị cơ quan thẩm quyền thu hồi hơn 1.400m2 đất và hơn 3 tỷ đồng. Các cấp MTTQ thành phố còn tích cực phản biện, góp ý kiến về nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến xây dựng và dân sinh. Tuy nhiên, theo nhận định của một số cán bộ cơ sở, nhìn chung hoạt động giám sát, phản biện của MTTQ còn hạn chế và kết quả đạt được chưa thấm vào đâu so với yêu cầu từ thực tế.
Lý giải vấn đề này, Tiến sỹ Phạm Xuân Hằng, nguyên Chủ tịch MTTQ thành phố Hà Nội cho rằng, hiện nay chưa có luật nào quy định về phản biện xã hội của MTTQ. Tại Điều 12, mục 2 của Luật MTTQ Việt Nam ghi: Động viên nhân dân thực hiện quyền giám sát, tham gia giám sát, tổng hợp ý kiến của nhân dân và các tổ chức thành viên. Nhưng từ Đại hội Đảng lần thứ X đã có chủ trương giám sát và phản biện xã hội, quy định rất rõ về vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong vấn đề này. Như vậy, nếu theo luật thì MTTQ mới chỉ có vai trò động viên, tham gia, tổng hợp mà không thấy "chủ động" ở đâu cả. Trong khi đó, MTTQ là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân mà chỉ dừng lại ở động viên, chưa chủ động giám sát và phản biện thì hiệu quả hạn chế là tất yếu. Tôi đề nghị luật hóa việc phản biện xã hội để nghị quyết đi vào cuộc sống một cách thực chất hơn.
Theo ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam, giám sát và phản biện xã hội là vấn đề "nhạy cảm", song cũng là lĩnh vực thể hiện rõ nét vai trò của MTTQ, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh. Đây là việc khó song vẫn thu hút sự quan tâm thực hiện của các cấp MTTQ và các tổ chức thành viên. Song hiện nay, hiệu quả công việc này còn rất hạn chế. Thống kê trên toàn quốc cho thấy, chỉ khoảng 30% kiến nghị qua giám sát, phản biện của MTTQ là có phản hồi. Lý do vì chưa có luật và thiếu cơ chế cụ thể hướng dẫn việc thực hiện. Song điều này còn có lý do khác, đó là không ít sự việc MTTQ "đưa" ra nhưng thiếu chứng lý sâu sắc, không có tính thuyết phục, nhiều kiến nghị chỉ giống như hình thức chuyển đơn. Rõ ràng, cần phải nâng cao trình độ và nhận thức của cán bộ MTTQ để có thể thực hiện tốt hơn vai trò phản biện và giám sát.
Nâng tầm cán bộ
Trên thực tế, cho đến nay, tính cả Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị định... đã có trên 70 văn bản quy định về công tác giám sát của MTTQ. Tuy nhiên, giám sát của MTTQ là giám sát mang tính nhân dân, khác xa với giám sát của cơ quan quyền lực nhà nước như Quốc hội và Hội đồng nhân dân. MTTQ là tổ chức liên minh chính trị, chế tài giám sát của MTTQ chỉ là quyền kiến nghị, kiến nghị mà cấp dưới không giải quyết thì kiến nghị lên trên, đồng thời theo dõi kết quả giải quyết của các cơ quan, tổ chức hữu quan. MTTQ không có quyền đình chỉ hay xử phạt.
Trong khi còn thiếu cơ chế hoạt động trong lĩnh vực này, một thực trạng "nổi" lên nữa là, chất lượng đội ngũ cán bộ MTTQ chưa đồng đều, cán bộ MTTQ kiêm nhiệm quá nhiều việc nhưng kiến thức về từng lĩnh vực không sâu. Ông Huỳnh Thống - Chủ tịch MTTQ phường Chương Dương nêu, khi thực hiện vai trò giám sát hay phản biện một lĩnh vực người cán bộ MTTQ phải có kiến thức về lĩnh vực đó. Chẳng hạn như, giám sát các công trình xây dựng đòi hỏi phải có trình độ, am hiểu về kỹ thuật xây dựng. Trên thực tế, vẫn có nhiều cán bộ rất nhiệt tình nhưng kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn còn thiếu, dẫn đến hiệu quả không cao.
Với chủ trương nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ nói chung, chất lượng công tác giám sát, phản biện nói riêng, ngay trong năm 2011 này, "Chương trình hành động của MTTQ thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng" và "Chương trình thống nhất hành động của MTTQ với các tổ chức thành viên" của TƯ MTTQ xác định củng cố, hoàn thiện tổ chức, bộ máy của MTTQ từ TƯ đến cơ sở. Trong đó, quy hoạch cán bộ đi đôi với cải tiến phương thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ MTTQ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Song theo ông Nguyễn Văn Pha, muốn phản biện đầy đủ, có hiệu quả thì cần phải có cơ chế. Cụ thể là, cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm đưa các dự thảo đề án, đề tài cần phản biện cho MTTQ nghiên cứu phản biện. Phải có cơ chế phản hồi, tiếp thu. Ngoài ra, phải xem xét về mặt thể chế, xem những quy định về giám sát, phản biện thiếu chỗ nào, bất hợp lý ở chỗ nào để sửa đổi, bổ sung...