Vẫn còn khoảng cách
Chính trị - Ngày đăng : 07:04, 29/03/2011
Tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận “một cửa” liên thông Sở KHĐT - Cục Thuế - Công an thành phố. Ảnh: Linh Tâm
Mới đây, tại buổi công bố chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2010 do Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp tổ chức, ông Trần Hữu Huỳnh, Phó Tổng Thư ký VCCI, Trưởng nhóm nghiên cứu PCI khẳng định, tiêu chí về tính minh bạch có xu hướng giảm (năm 2010 giảm so với năm 2009 và năm 2009 lại giảm so với năm 2008). Điều này được xem là không hợp lý trong thời đại công nghệ thông tin phát triển. Các TP lớn như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội tiếp tục tụt hạng. Đáng chú ý, một nửa số DN được khảo sát cho rằng chưa cảm nhận được sự thay đổi về cải cách TTHC, cụ thể là thời gian thực hiện thủ tục vẫn nhiều. Nhiều DN vẫn phải chờ hơn một tháng hoặc cả năm mới có đủ giấy phép kinh doanh. Từ năm 2006-2009, các nỗ lực cải cách đã làm cho thời gian đăng ký thành lập doanh nghiệp mới giảm một cách ấn tượng, xuống chỉ còn một nửa. Kết quả nghiên cứu từ 7.300 DN cho thấy, khả năng tiếp cận với văn bản, tài liệu có dễ dàng hơn trước đây, nhất là khi thực hiện Đề án đơn giản hóa TTHC (Đề án 30), song vẫn rất khó khăn tiếp cận các tài liệu về quy hoạch.
Đặc biệt, tỷ lệ các DN phàn nàn về việc phải trả những chi phí không chính thức khá cao: 20% DN chi trả chi phí không chính thức trong đăng ký kinh doanh; 40% DN chi trả "hoa hồng" khi tham gia đấu thầu; 70% DN trả chi phí "bôi trơn" để thông quan hàng hóa nhanh hơn. Những ngành, lĩnh vực có chi phí không chính thức nhiều nhất là xây dựng, nông nghiệp, dịch vụ.
Nhiều ý kiến cho rằng, chỉ số PCI "vênh" so với kết quả báo cáo môi trường kinh doanh năm 2011 của Công ty Tài chính quốc tế (IFC) và Ngân hàng Thế giới (WB). Theo đó, môi trường kinh doanh 2011 của Việt Nam tăng 10 bậc so với năm 2010, Việt Nam là một trong 10 nền kinh tế có nhiều cải thiện nhất về mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh 2011. Ba lĩnh vực có sự tiến bộ nổi bật nhất là thủ tục thành lập doanh nghiệp, cấp giấy phép xây dựng và vay vốn tín dụng. Tuy nhiên, theo ông Trần Hữu Huỳnh, Việt Nam tăng 10 bậc về môi trường kinh doanh vì báo cáo của WB chủ yếu dựa trên sự thay đổi văn bản quy phạm pháp luật, còn việc áp dụng thực hiện trong thực tế thì không đo đếm được.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết: Chỉ số PCI là công cụ hữu ích đánh giá mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và nỗ lực CCHC của chính quyền địa phương các tỉnh, TP ở Việt Nam nhằm thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Theo ông Vũ Tiến Lộc, năm nay có khá nhiều điển hình sáng kiến cải cách đáng để các tỉnh học tập lẫn nhau. Đà Nẵng là địa phương tiêu biểu khi 3 năm liền (2008, 2009, 2010) đứng đầu bảng xếp hạng PCI. Kinh nghiệm của TP này là coi chỉ số PCI là một kênh thông tin hữu dụng giúp các DN lựa chọn địa điểm đầu tư hoặc cân nhắc khả năng mở rộng sản xuất kinh doanh để đạt hiệu quả mong muốn. Đà Nẵng được đánh giá cao trong lĩnh vực đào tạo lao động; còn các tỉnh Lào Cai, Trà Vinh được điểm cao do tính công khai, minh bạch và khả năng DN dễ dàng tiếp cận nguồn vốn đất đai.
Theo các chuyên gia, có nhiều cách để thực hiện CCHC, điều quan trọng là quyết tâm của chính quyền địa phương. Một trong những tỉnh có cách làm mới và hiệu quả là tỉnh Ninh Thuận. UBND tỉnh Ninh Thuận đã quyết định thành lập Văn phòng Phát triển kinh tế Ninh Thuận (EDO), hoạt động từ ngày 19-3-2010, trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư. Bên cạnh chức năng, nhiệm vụ giúp UBND tỉnh vận động thu hút các nguồn vốn đầu tư, EDO còn là đầu mối hướng dẫn tiếp nhận và xử lý hồ sơ dự án đầu tư từ khâu đăng ký ban đầu đến triển khai thực hiện; hỗ trợ các nhà đầu tư tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Các nhà đầu tư đến với Ninh Thuận chỉ cần tiếp xúc với một đầu mối là EDO để hoàn tất các thủ tục liên quan về thành lập doanh nghiệp, xin chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư đến khâu xây dựng, đất đai, môi trường, đền bù giải phóng mặt bằng và các thủ tục cấp phép liên quan khác để có thể triển khai dự án. Nhờ đó, thời gian giải quyết được rút ngắn 30- 50% so với quy định, tạo thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư.
Như vậy, có thể thấy, chưa cần nói đến những cách làm mới trong thực hiện CCHC mà trước hết việc thực hiện minh bạch hóa môi trường kinh doanh, theo các chuyên gia, sẽ giúp doanh nghiệp thêm tin tưởng vào hiệu quả quản trị của cơ quan quản lý nhà nước, góp phần nâng cao hiệu quả phân bổ nguồn lực của DN, đồng thời tăng tính bình đẳng về cơ hội kinh doanh cho các đối tượng khác nhau. Vì thế, chỉ số minh bạch suy giảm trong năm 2009 và tiếp tục giảm trong năm 2010 là một chỉ báo đáng lo ngại về môi trường kinh doanh cấp tỉnh. Điều này được dự báo là sẽ tác động lớn đến sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.