Vì sao gần 7 năm vẫn chưa tìm được tiếng nói chung?

Đời sống - Ngày đăng : 05:57, 29/03/2011

(HNM) - Cách đây vài tháng, dư luận xôn xao về việc đền bù GPMB tại một "khu đất vàng" ở Hà Nội lên đến 1 tỷ đồng/m2 nhưng cả chủ đầu tư thực hiện dự án và người dân đều chưa tìm được tiếng nói chung. Thực hư ra sao?

Tọa lạc ở vị trí được xem là "khu đất vàng" nhưng gần 7 năm qua, hơn 4.000m2 đất tại góc phố Hàng Bài - Hai Bà Trưng, thuộc dự án xây dựng trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở tái định cư tại chỗ vẫn "đắp chiếu", vì chủ đầu tư và người dân chưa đồng thuận…

Công trình còn lại tại “khu đất vàng”.

Gập ghềnh đường dự án...

Ngày 17-11-2004, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 7774/QĐ-UB, thu hồi 4.072,9m2 đất tại số nhà 22, 24 phố Hàng Bài và số 25, 27 phố Hai Bà Trưng (quận Hoàn Kiếm), giao cho Công ty Kinh doanh và Xây dựng nhà (KDXDN) thuê với thời hạn 20 năm để xây dựng trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở tái định cư tại chỗ (TTTM). Trong tổng số đất nêu trên, có 3.776m2 do Xí nghiệp Nhựa Hà Nội bàn giao mặt bằng, 296,9m2 đất còn lại thuộc quyền quản lý của 17 chủ sử dụng, gồm các hộ gia đình và một tổ chức. Ngày 24-1-2005, Công ty KDXDN tiến hành cổ phần hóa, đổi tên thành Công ty cổ phần Kinh doanh và Xây dựng nhà. Tuy nhiên, 4 năm sau, việc điều chỉnh tên chủ sử dụng đất mới được UBND TP Hà Nội xác nhận tại công văn số 2028/QĐ-UB, ban hành ngày 4-5-2009. Thời hạn cho thuê đất cũng được kéo dài thành 50 năm. Ngày 24-6-2010, UBND TP Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 01121000863 với nội dung: "Chấp thuận chuyển chủ đầu tư dự án xây dựng TTTM tại 22, 24 phố Hàng Bài và 25, 27 phố Hai Bà Trưng từ Công ty KDXDN sang Công ty cổ phần Thời đại mới T&T (CTCPT&T), cho phép CTCPT&T được kế thừa các văn bản, nội dung công việc dự án đã thực hiện". Về vấn đề này, ông Trần Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị CTCPT&T cho biết: Đây là dự án được thực hiện theo hình thức hợp đồng hợp tác đầu tư giữa Công ty Tân Hoàng Minh và Công ty cổ phần Kinh doanh và Xây dựng nhà. Để thực hiện dự án, hai bên thống nhất thành lập pháp nhân mới lấy tên là CTCPT&T. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, Công ty cổ phần KDXDN rút lui vì không đủ năng lực tài chính, nên từ tháng 6-2010 đến nay, dự án được chuyển giao cho CTCPT&T làm chủ đầu tư. Cũng theo ông Sơn, sau 2 năm tiếp nhận dự án, đến nay đã có 15/17 chủ sử dụng đất bàn giao mặt bằng cho CTCPT&T, còn lại 2 chủ sử dụng đất gồm 5 hộ gia đình tại phường Hàng Bài chưa chấp nhận phương án đền bù mà nhà đầu tư đưa ra. Đó là gia đình cụ Hoàng Đình Trung, vợ là cụ bà Nguyễn Thị Hoán (hộ có 4 nhân khẩu) và gia đình ông Hoàng Quốc Cường, con trai cụ Trung. Sau nhiều lần thỏa thuận bất thành, ngày 2-3-2011, UBND quận Hoàn Kiếm đã ra Quyết định số 424/QĐ-UBND và 425/QĐ-UBND, áp dụng biện pháp cưỡng chế để thi hành quyết định thu hồi toàn bộ diện tích đất của gia đình cụ Hoàng Đình Trung và hộ gia đình ông Hoàng Quốc Cường. Theo quyết định cưỡng chế, các hộ dân nêu trên sẽ được bố trí ở tại khu nhà tạm cư Thanh Lương, tổng số tiền đền bù là 5,1 tỷ đồng (chưa kể căn hộ tái định cư).

Cần sớm đồng thuận...

Ngay sau khi nhận quyết định cưỡng chế của UBND quận Hoàn Kiếm, cụ Hoàng Đình Trung đã có "Đơn kêu cứu" gửi Báo Hànộimới và cơ quan chức năng, cho rằng quyền lợi hợp pháp của gia đình cụ đang bị xâm hại nghiêm trọng. Để tìm hiểu sự việc, PV Báo Hànộimới đã làm việc với ông Trần Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị CTCPT&T. Ông Sơn khẳng định: Công ty đã nhiều lần cử đại diện đến gặp gia đình để thỏa thuận phương án đền bù nhưng đều không đạt được kết quả. Theo phương án của chúng tôi, diện tích đất tại tầng 1, phía mặt phố Hàng Bài có giá đền bù 500 triệu đồng/m2, diện tích tầng 1 bên trong không có nóc là 300 triệu đồng/m2, trên tầng 2 là 250 triệu đồng/m2. Đây là mức giá bằng hoặc cao hơn so với những hộ dân sử dụng đất thuộc dự án đã di dời trước. Ngoài ra, chúng tôi còn đề xuất sẽ tặng cụ Hoàng Đình Trung một sổ tiết kiệm trị giá 500 triệu đồng. Như vậy, tổng số tiền đền bù cho 142,16m2 cả tầng 1 và tầng 2 gồm diện tích có sổ đỏ và không có sổ đỏ của gia đình cụ Trung lên tới 49 tỷ đồng, nhưng gia đình vẫn không đồng ý. Mới đây nhất, tối 16-3-2011, một lần nữa tôi đã đề nghị gặp gỡ, thương lượng cùng các thành viên trong gia đình cụ Trung. Tại cuộc gặp này, tôi đưa ra mức bồi thường lên tới 60 tỷ đồng, nhưng phía gia đình đề nghị mức đền bù là 67 tỷ đồng. Đây là mức giá vô lý, chúng tôi không thể chấp nhận được. Do đó, chúng tôi kiến nghị UBND TP và UBND quận Hoàn Kiếm kiên quyết thực hiện biện pháp hành chính cao nhất là cưỡng chế di dời đối với hộ cụ Hoàng Đình Trung...

Được gia đình ủy quyền, ông Hoàng Quốc Định (một trong những người con của cụ Trung) trình bày với PV Báo Hànộimới: Gia đình tôi là gia đình có công với cách mạng, đã sinh sống ổn định qua nhiều thế hệ tại số nhà 22 phố Hàng Bài. Năm 2000, gia đình tôi đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở. Về nguyên tắc, việc thu hồi đất phục vụ dự án nhằm mục đích kinh doanh thương mại, nhà đầu tư buộc phải thỏa thuận mua, bán các quyền về tài sản với người dân theo sát giá thị trường, chứ không phải theo kiểu "hỗ trợ đền bù" như cách làm của CTCPT&T. Trong quá trình triển khai dự án, CTCPT&T chỉ có hai lần bàn bạc chính thức với gia đình tôi, với mức đền bù công ty đưa ra là 49 tỷ đồng. Còn mức đền bù 60 tỷ đồng chỉ là "thỏa thuận miệng", không có giá trị pháp lý. Ai cũng biết, khu đất tại góc phố Hàng Bài - Hai Bà Trưng là "khu đất vàng", có khả năng sinh lời cao, sự chênh lệch giữa giá đất theo thị trường và giá đất quy định của thành phố là rất lớn. Mức giá 500 triệu đồng tương đương 13 cây vàng/m2 còn thấp hơn nhiều so với giá trị thực tế của khu đất này. Mặt khác, theo quy định tại khoản 6, Điều 36, Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29-10-2004, "Nhà nước không thực hiện việc thu hồi đất trong trường hợp nhà đầu tư nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất...", do đó gia đình tôi không thuộc đối tượng áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi đất...

Có thể thấy cả chủ đầu tư và đại diện các hộ dân đều đưa ra những lý lẽ, căn cứ để bảo vệ ý kiến của mình. Điều đáng bàn là, trong khi hai bên chưa tìm được tiếng nói chung thì hàng nghìn mét vuông đất vẫn tiếp tục bị bỏ hoang, gây lãng phí lớn về tiền của cho cả chủ đầu tư và xã hội. Để dự án nhanh chóng được triển khai trên thực tế, chấm dứt khiếu kiện kéo dài, bên cạnh những động thái tích cực của chính quyền, cơ quan chức năng địa phương, nên chăng chủ đầu tư và chủ sử dụng đất cùng tiếp tục thương thảo, tìm sự đồng thuận.

Bài, ảnh: Bảo Nga