Biểu tình lớn tại London (Anh): Cảnh báo nhiều nguy cơ
Thế giới - Ngày đăng : 05:32, 29/03/2011
Người dân đổ ra các đường phố phản đối chính sách “thắt lưng buộc bụng”. |
Không khí cuộc biểu tình trở nên căng thẳng sau khi một nhóm quá khích tách khỏi đám đông tuần hành, đập phá nhiều cửa hàng, ngân hàng và tấn công lực lượng cảnh sát. Ít nhất 35 người đã bị thương trong các cuộc đụng độ và 200 người đã bị bắt giữ.
Giống như làn sóng biểu tình tại Hy Lạp, Pháp, Italia và nhiều quốc gia châu Âu khác thời gian qua, đa số người dân tại xứ Sương mù không đồng tình với kế hoạch "thắt lưng, buộc bụng" được cho là mạnh tay nhất trong nhiều thập kỷ qua do liên minh cầm quyền - đảng Bảo thủ và đảng Dân chủ Tự do triển khai. Theo đó, từ nay đến năm 2015, nước Anh sẽ cắt giảm 85 tỷ bảng, chủ yếu bằng cách tăng thuế và cắt giảm hơn 300.000 việc làm trong khu vực công. Đây được xem như biện pháp hữu hiệu nhất cho tới thời điểm này tại hầu hết các quốc gia trong vùng ảnh hưởng của "bão nợ".
Số liệu thống kê của Chính phủ Anh cho thấy, nợ công của nước này đã lên tới 11,8 tỷ bảng, gần gấp đôi so với dự báo trước đây của các nhà kinh tế là 6,9 tỷ bảng. Trong khi đó, thâm hụt ngân sách đang trên đà tới ngưỡng 12% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Đáng lo ngại là, tỷ lệ thất nghiệp tại quốc đảo này đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 17 năm qua (8%). Các số liệu của Cơ quan Thống kê quốc gia (ONS) vừa công bố cho thấy, số người thất nghiệp ở Anh đã tăng 27.000 người trong 3 tháng đầu năm lên 2,53 triệu người. Tỷ lệ thất nghiệp ở độ tuổi từ 16-24 cũng lập một kỷ lục mới do số người thất nghiệp trong giới trẻ đã tăng 30.000 người, lên 974.000 người, chiếm 20,6% số người trong độ tuổi lao động. Đây là con số tồi tệ nhất kể từ năm 1992. Tổng Thư ký Nghiệp đoàn Lao động Anh Brendan Barber cho biết, đây là những con số gây choáng váng, bởi cho dù tình trạng suy thoái đã kết thúc hơn một năm về mặt kỹ thuật, nhưng số người thất nghiệp tại Anh lại ở mức cao nhất kể từ giữa những năm 1990.
Peter Westaway, chuyên gia kinh tế hàng đầu châu Âu thuộc Công ty Nomura có trụ sở ở London cho biết, một vấn đề nữa mà Vương quốc Anh phải đối mặt là những cú sốc do lạm phát gây ra. Trong tháng 2, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức 4% trong tháng 1. Đây là tỷ lệ lạm phát cao nhất kể từ tháng 10-2008 và cao hơn gấp đôi so với mức trần 2% của Ngân hàng Trung ương Anh (BOE). Điều này sẽ tạo áp lực buộc BOE tăng lãi suất để thu hút bớt lượng tiền lưu thông trên thị trường - một rào cản đối với các doanh nghiệp; đồng thời là yếu tố chính khiến đà tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Các hiệp hội kinh doanh cảnh báo, nạn nhân chính của kế hoạch cắt giảm ngân sách hà khắc sẽ là những nhà bán lẻ và người nghèo, nhất là khi thu nhập của người dân không được cải thiện. Trong khi đó, thuế gián tiếp sẽ đẩy giá lương thực, thực phẩm cùng những mặt hàng thiết yếu khác liên tục gia tăng.
Đáng lo ngại hơn khi các nhà quan sát cho rằng, cuộc biểu tình lần này ở London là một tín hiệu cảnh báo nhiều nguy cơ khác có thể xuất hiện. Vì nó diễn ra không chỉ trong bối cảnh món nợ công khổng lồ tác động đến toàn bộ đời sống chính trị, kinh tế, xã hội của nước này, mà cuộc chiến ở Libya với sự tham gia của quân đội Anh đang ngốn không ít tiền bạc, sẽ là nhân tố tác động mạnh tới làn sóng phẫn nộ của dân chúng. Chính phủ của Thủ tướng David Cameron thật khó có thể biện minh với cử tri Anh khi buộc họ phải "thắt lưng buộc bụng" nhưng lại vung tiền vào cuộc chiến đầy mạo hiểm và tốn kém tại một chiến trường ở tận Bắc Phi.