Người tiêu dùng chưa biết tự bảo vệ
Sức khỏe - Ngày đăng : 07:46, 28/03/2011
Một lượng lớn thực phẩm trên thị trường không được kiểm soát chặt chẽ về vệ sinh. Ảnh: Đàm Duy |
Nỗi lo có thật
Theo con số thống kê của Cục ATVSTP, năm 2010, cả nước có 132 vụ NĐTP xảy ra với 4.676 người mắc, 3.281 người nhập viện và 41 trường hợp tử vong. Trong giai đoạn 2006-2010, có từ 50% đến 60% số vụ NĐTP xảy ra tại bếp ăn gia đình. Riêng hai năm 2007 và 2008, phân tích 116 ca tử vong do NĐTP thì nguyên nhân tử vong do ăn tại gia đình chiếm 87,1%.
Những con số trên cho thấy hai vấn đề: kiến thức về việc lựa chọn thực phẩm an toàn của người nội trợ chưa đầy đủ và chất lượng thực phẩm chưa bảo đảm. Trên thực tế, khảo sát ở hơn 7.200 hộ dân tại 12 tỉnh, thành phố, tỷ lệ người dân biết cách chọn đúng thực phẩm an toàn chỉ đạt hơn 47%, vẫn có 4% người được hỏi cho rằng chỉ cần mua ở cửa hàng quen là có thể yên tâm về chất lượng. Trong năm 2007 và 2008, kết quả thanh - kiểm tra về ATVSTP cho thấy còn 10,3% số mẫu thực phẩm chế biến công nghiệp và 16,5% mẫu thực phẩm chế biến thủ công chưa đạt yêu cầu. Tỷ lệ tồn dư hóa chất trong sản phẩm chế biến công nghiệp là 0,81%, chế biến thủ công là 2,45%. Ô nhiễm hóa chất bảo quản thực phẩm là 13,29% ở sản phẩm chế biến công nghiệp và 3,35% ở sản phẩm chế biến thủ công. 2,1% sản phẩm chế biến công nghiệp và 10,22% sản phẩm chế biến thủ công bị ô nhiễm do dụng cụ bao gói không đạt yêu cầu.
Thực trạng trên dẫn đến hậu quả là mỗi năm có hàng nghìn người bị NĐTP. Những con số thống kê mà ngành chức năng công bố không phải là số thực, bởi còn nhiều trường hợp bị NĐTP nằm ngoài báo cáo, nhất là những người mắc từ bữa ăn tại gia. Con số ước tính theo dịch tễ học không phải là hàng nghìn mà phải là hàng triệu người bị NĐTP ở những mức độ khác nhau, thậm chí là người mắc không nhận ra mình bị NĐTP.
Trong khi còn nhiều nguyên nhân khách quan vẫn chưa được giải quyết như trồng trọt, chăn nuôi, chế biến thực phẩm nhỏ lẻ, manh mún, công nghệ lạc hậu; chưa kiểm soát được kỹ thuật canh tác và việc sử dụng phân bón, hóa chất bảo vệ thực vật cũng như phương pháp sơ chế, bảo quản sản phẩm nông nghiệp thực phẩm... thì nguyên nhân chủ quan từ phía người tiêu dùng (NTD) và người sản xuất là điều hoàn toàn có thể khắc phục.
Tẩy chay thực phẩm bẩn
Theo ý kiến của ông Đỗ Gia Phan, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD Việt Nam, hiện nay, bên cạnh những doanh nghiệp giữ vững cam kết sản xuất thực phẩm an toàn thì cũng còn không ít đơn vị vì mục đích lợi nhuận nên đã cố ý vi phạm quy định ATVSTP. Do đó, các cơ quan chức năng phải tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát hoạt động của những đơn vị này. Tuy nhiên, hiện nay, đa số các đợt kiểm tra có báo trước với cơ sở nên hiệu quả chưa cao. Cho nên, ngoài việc thanh tra đột xuất của lực lượng chức năng, mỗi NTD hãy là một giám sát viên tích cực về ATVSTP. Có mặt ở khắp mọi nơi, lại là người trực tiếp mua, sử dụng sản phẩm nên NTD có thể phát hiện được những sản phẩm không bảo đảm chất lượng. Chỉ cần họ có ý thức và kiến thức nhất định về chất lượng ATVSTP thì sẽ phát hiện sai phạm một cách chính xác, kịp thời.
Thực tế cho thấy, thái độ, hành vi của NTD có tác động hết sức quan trọng. Đơn cử, khi NTD tẩy chay thịt lợn, thịt gà tăng trọng thì trên thị trường có ngay thịt lợn nuôi thủ công, lợn "cắp nách", gà "chạy bộ". Khi NTD không dùng các loại sữa nước của nhà sản xuất có hành vi quảng cáo sản phẩm gian dối, có công ty sữa bị giảm tới 40% sản lượng… Tuy nhiên, để NTD có thái độ và hành vi đúng, họ cần có kiến thức về chất lượng ATVSTP, được thông tin chính xác về loại thực phẩm cũng như đơn vị sản xuất những thực phẩm bẩn, không an toàn. Thêm nữa, khi NTD tẩy chay một sản phẩm kém chất lượng thì phải có sản phẩm chất lượng khác thay thế.
Còn rất nhiều việc phải làm để người dân có được những bữa cơm an toàn nhưng sự kết hợp chặt chẽ giữa hoạt động kiểm tra của các cơ quan chức năng và sự giám sát, thái độ, hành vi của NTD là giải pháp có thể làm ngay, góp phần giải quyết tận gốc, lâu dài tình trạng cố tình vi phạm quy định về ATVSTP.