Kiên trì mục tiêu dài hạn

Thể thao - Ngày đăng : 08:11, 27/03/2011

(HNM) - Thể thao Hà Nội nhiều năm qua vẫn duy trì vị thế dẫn đầu làng thể thao cả nước với lực lượng VĐV hùng hậu ở gần 50 môn và phân môn thể thao. Tuy nhiên, thời gian gần đây, báo giới đề cập nhiều đến sự đi xuống của những môn cơ bản như điền kinh, bơi lội…

VĐV môn bắn súng tập luyện. Ảnh: Bảo Lâm


- Giành được vị trí dẫn đầu đã khó, giữ được vị trí đầu tàu còn khó hơn nhiều. Ông nhìn nhận thế nào về vị trí của thể thao Thủ đô trên "bản đồ" thể thao cả nước hiện nay, thưa ông?
- Thủ đô vẫn vững vàng ở vị trí số 1, đó là điều rất rõ ràng. Minh chứng rõ nhất là tại Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 6-2010, đoàn Hà Nội đã giành được 191 HCV, vượt xa đoàn TP Hồ Chí Minh xếp thứ hai với cách biệt tới hơn 60 HCV! Có thể có nhiều cách nhìn khác nhau về số nội dung thi cũng như số môn thi đấu của đại hội, nhưng sự vượt trội ấy ở một đại hội tầm cỡ về thể thao đỉnh cao, được tổ chức theo chu kỳ 4 năm/lần, khẳng định rõ nét một điều: Hà Nội có nhiều VĐV giỏi ở nhiều "mặt trận", nhiều phân môn và bộ môn. Lực lượng VĐV Thủ đô hùng hậu và tương đối toàn diện. Tại ASIAD 16-2010, đoàn VĐV Hà Nội giành được 8 HCB, 7 HCĐ, góp khoảng 45% tổng số huy chương mà đoàn TTVN đạt được, trong đó đáng chú ý là HCB môn vật nữ của Nguyễn Thị Lụa, HCB môn cờ tướng của Nguyễn Thành Bảo…

- Hà Nội rất mạnh ở các môn võ, vật, bắn súng. Thế nhưng, dư luận gần đây đang đặt dấu hỏi về sự đi xuống của một số môn cơ bản như điền kinh, bơi lội của Thể thao Thủ đô… Ý kiến của ông thế nào?
- Nói các môn này "đi xuống", về cơ bản là không đúng đâu! Ví như ở môn điền kinh, nói chính xác thì Hà Nội hiện nay không có được những VĐV "đỉnh" như Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng. Nhưng tôi khẳng định lứa trẻ của điền kinh Hà Nội rất tốt và tin rằng, nếu kiên trì đầu tư dài hạn một cách bài bản, chuyên nghiệp thì điền kinh Thủ đô chắc chắn sẽ tiếp tục "làm mưa gió" ở cả đấu trường quốc gia và quốc tế.

Về bơi lội, Hà Nội gặp những cái khó nhất định. Thứ nhất là về điều kiện khí hậu, các VĐV chỉ có độ 3-4 tháng trong năm tập được ở bể bơi ngoài trời. Còn khi trời lạnh, thì phải tập ở bể bơi trong nhà, có hệ thống nước ấm. Nhưng Hà Nội hiện chỉ có 2 bể dạng này, 1 bể 25m ở Trịnh Hoài Đức, 1 bể 50m ở Mỹ Đình, mà vận hành 2 bể này rất tốn kém. Mặt khác, rất đáng buồn là cách đây vài năm, Hà Nội bị mất một tài năng về bơi lội rất được kỳ vọng (qua đời vì tai nạn giao thông). Với thể thao đỉnh cao, ở những môn Olympic cơ bản như bơi lội, tìm được một VĐV thực sự có tố chất phù hợp để luyện "gà nòi" khó lắm. Lấp khoảng trống ấy không thể là chuyện một sớm một chiều…

- Suy cho cùng, sự chững lại sau một thời gian dài dẫn đầu cũng là điều khó tránh khỏi. Chính vì vậy, yêu cầu "tự làm mới mình", định ra một chiến lược mới để đầu tư dài hạn, bảo đảm sự phát triển thực sự theo cả chiều rộng và chiều sâu là rất cần thiết…

- Trong thời gian tới, tôi tin Thể thao Thủ đô vẫn vững vàng ở vị trí số 1, bởi lực lượng được đầu tư từ hàng chục năm trước nay còn nhiều gương mặt đang ở độ chín phong độ. Nhưng đúng là để duy trì đà phát triển trong giai đoạn mới, ta phải chủ động tìm hướng đi phù hợp. Chính vì vậy, trong giai đoạn 2011-2020, Hà Nội đã xác định 18 môn thể thao trọng điểm, bao gồm 15 môn trong hệ thống thi đấu của Olympic và 3 môn có khả năng giành huy chương tại ASIAD. Để nhắm đến hướng đi dài hạn này, Thể thao Thủ đô sẵn sàng đầu tư cho lực lượng trẻ, nhắm đích đến là một lực lượng VĐV mới, hùng hậu, đủ năng lực khẳng định mình ở ASIAD 18-2019 và đặt dấu ấn ở Olympic năm 2020. Trên con đường dài ấy, chúng tôi chấp nhận đây đó ở một số môn, một số giải đấu, Hà Nội sẽ không quá chú trọng lấy huy chương. Tiêu chí quan trọng hơn, ấy là sự trau dồi, tích lũy kinh nghiệm trận mạc cho các VĐV, là sự đầu tư bài bản từ các chuyên gia, sự đầu tư về chế độ dinh dưỡng để có được những VĐV có thể chất tốt nhất…

- Ông có thể cho biết rõ hơn về cơ sở khoa học và thực tiễn để xác định các môn thể thao trọng điểm đến 2020 của thể thao Hà Nội? Những biện pháp mà Hà Nội sẽ triển khai để bảo đảm sự thành công cho quá trình đầu tư dài hạn này?
- Ưu tiên trước nhất là những môn thế mạnh của Hà Nội, như các môn võ, vật, đấu kiếm, rowing…; những môn Olympic cơ bản như điền kinh, bơi lội, hiện nay Hà Nội có thể không dẫn đầu, nhưng việc đầu tư thực sự mạnh tay cho các môn này là rất cần thiết. Chúng tôi sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn dài hạn trong nước và quốc tế cho các VĐV, thuê chuyên gia giỏi… Địa điểm tập huấn sẽ là các trung tâm hiện đại ở Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia… Hiện nay, Thể thao Hà Nội - thông qua việc hợp tác với Đại sứ quán Australia - đang xúc tiến để các VĐV rowing có thể sang Australia tập huấn. Kiên trì đầu tư bài bản với mục tiêu dài hạn, với sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, tôi tin Thể thao Thủ đô sẽ tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu trong thời gian tới.

- Xin cảm ơn ông!

Mai Hoa