Một thời guốc mộc Yên Xá

Xã hội - Ngày đăng : 07:33, 27/03/2011

(HNM) - Hà Nội có hai làng chuyên đóng guốc là Kẻ Giày, xã Liên Trung, huyện Đan Phượng và làng Yên Xá, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì. Trong đó, làng Yên Xá được ví như

Nghề làm guốc mộc Yên Xá đã để lại những dấu ấn trong ký ức của bao người dân.


"Kinh đô" guốc mộc
Trước khi có các loại giày, dép bằng nhựa, bằng da như hiện nay, người Việt thường dùng tre, gỗ để làm guốc đi. Hình ảnh áo the, khăn xếp, đôi guốc mộc đã thành quen thuộc với người dân Việt. Vào những ngày giá rét, phụ nữ và đàn ông khi dự hội hay vào đám thường đi guốc gộc tre, còn trong nhà thì đi guốc gỗ mũi cong, quai tết bằng mây. Những năm 1950-1960 của thế kỷ trước, guốc mộc được sản xuất ở  Yên Xá và Kẻ Giày, sau đó được gom về phố Hàng Gà hay phố Bạch Mai ở Hà Nội để sơn, xì hoa rồi mới đem đi bán.

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Triều Nguyễn Hữu Vi cho biết, xã có hai thôn Triều Khúc và Yên Xá trong lịch sử nổi tiếng với nghề dệt và làm guốc. Nay nghề truyền thống của cả hai thôn đều suy giảm, trong khi đó, nghề thu gom phế liệu, đồng nát lại lên ngôi. Cả xã hiện có gần 300 hộ thu mua đồng nát chuyên nghiệp. Ngoài ra, các hộ còn tham gia vào kinh doanh và dịch vụ, thu nhập bình quân đầu người đạt 18 triệu đồng/người/năm.

Vào các năm 1980 đến 1985, gần như 100% số hộ dân ở làng Yên Xá làm nghề guốc. Làng quê chẳng khác nào một công xưởng lớn, từng đoàn xe tấp nập chở gỗ về làng và cất hàng đi tiêu thụ. Guốc Yên Xá lúc ấy gồm 2 loại chính là guốc 5 phân và 7 phân, có đóng triện hình con voi lên đôi guốc; cũng có hộ còn làm hàng cao cấp bằng gỗ thông. Người Yên Xá làm guốc mộc bằng gỗ vạng, bồ đề, xoan, gáo, thông... vừa dễ cưa xẻ, vừa nhẹ lại bóng đẹp.


Tùy theo kích thước của cây gỗ, người thợ cắt gạn rồi pha gỗ, đục, đẽo, tạo dáng, đánh nhẵn, gắn quai… Tất cả các khâu đều được làm thủ công nên kỹ thuật tạo dáng vô cùng quan trọng. Mà thợ Yên Xá rất giỏi, không cần máy móc mà các đôi guốc vẫn đều tăm tắp. Đến năm 1995-1996, kỹ thuật làm guốc được cải tiến mạnh, bắt đầu dùng máy cưa, máy bào, máy đánh bóng, phun sơn… thay vì làm thủ công. Nhờ vậy, mỗi ngày làng nghề cung cấp cho thị trường hàng nghìn đôi guốc các loại, thêm thu nhập cho người làm nghề. Nhớ về một thời vàng son của làng nghề guốc, ông Nguyễn Huy Hưng, Phó trưởng thôn Yên Xá, cũng là một trong những hộ từng tham gia sản xuất guốc thời ấy cho hay: "Ngoài làm ruộng, người Yên Xá còn dệt, làm nón, làm chổi lông gà, lông vịt, đóng hòm, làm guốc... Đặc biệt, nghề làm guốc mộc Yên Xá nức tiếng gần xa về quy mô sản xuất và tính thẩm mỹ".

Mai một làng nghề
Đến thôn Yên Xá bây giờ, nhiều người không nhận ra nơi đây từng tồn tại nghề guốc mộc nổi tiếng. Ông Nguyễn Hữu Vi, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Triều nói với giọng tiếc nuối: "Khi các loại giày dép thời trang vô cùng phong phú, đẹp mắt tràn ngập thị trường thì cũng là lúc guốc mộc Yên Xá không còn được chuộng nữa. Số hộ làm guốc giảm nhanh chóng. Nếu như cách đây 20 năm, cả thôn Yên Xá có hàng trăm hộ làm guốc thì nay chỉ còn lại 3 hộ giữ nghề".

Khó khăn lắm người viết bài này mới gặp được một hộ còn làm guốc ở thôn. Đó là gia đình ông Dương Công Đức, xóm Hoa Xá. Ông Đức cho hay, cách đây khoảng 5 năm, ông cùng một nhóm nghệ nhân ở làng nghề đã tham gia đẽo gọt thành công đôi guốc lớn kỷ lục Việt Nam để trưng bày tại triển lãm Vân Hồ (Hà Nội). Đây là niềm tự hào của ông và bao người dân làng nghề. Ông Đức bảo: Trong làng còn rất nhiều hộ yêu nghề truyền thống, nhưng khó sống bằng nghề này nên giờ cũng đã bỏ nghề cả rồi. Số hộ còn tồn tại được như nhà tôi phải liên tục cải tiến mẫu mã theo xu hướng thời trang hiện đại mới trụ được, nhưng cũng rất lay lắt.

Sự thất thế của đôi guốc mộc trước cơ chế thị trường xem ra khó tránh, nếu không có sự sáng tạo đột phá. Nguy cơ mai một làng nghề đang hiện hữu ở ngay "kinh đô" guốc mộc lớn nhất một thời. Âm vang của làng nghề đã để lại những hình ảnh đẹp trong ký ức của bao người dân làng Yên Xá.

Nguyễn Mai