Khổ vì chuyện "đầu tiên"
Văn hóa - Ngày đăng : 07:15, 27/03/2011
Dù không bao giờ công khai cát xê của mình, song căn cứ vào mức đóng thuế thu nhập cá nhân hằng năm, ai cũng biết "Họa my tóc nâu" có cát xê biểu diễn cao vào hàng nhất nhì Việt Nam. Mỹ Tâm có thu nhập cao mà còn không dám tự bỏ tiền để tổ chức tour diễn thì các ca sĩ có cát xê thấp hơn sao có thể dám làm? Chi phí cho một đêm diễn trong một tour là vô cùng lớn, ngoài tiền thuê địa điểm, thuê hệ thống âm thanh, ánh sáng còn chi phí truyền thông để khán giả biết đến chương trình và biết bao nhiêu khoản khác nữa. Ở nhiều quốc gia, nếu nghệ sĩ có dự án âm nhạc hay, mới, lạ thì quỹ văn hóa của các tổ chức hay quỹ văn hóa tư nhân sẵn sàng tài trợ để thực hiện. Ngoài các quỹ văn hóa, nghệ sĩ còn có kênh tài trợ khác là doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp tài trợ cho show diễn, ngành thuế sẽ chấp nhận số tiền tài trợ là nguồn chi hợp pháp, có thể miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản tiền đó. Nhờ những hỗ trợ tài chính không kèm theo yêu cầu quảng bá cho doanh nghiệp nên nghệ sĩ không phải chịu sức ép "sáng tạo… vì doanh nghiệp" và họ được tự do thực hiện dự án như họ muốn.
Còn ở nước ta lại khác, vì luật thuế không có điều khoản miễn thuế khi doanh nghiệp hỗ trợ văn hóa nên phần tài trợ được tính vào chi phí quảng cáo và làm thị trường. Chính vì thế họ buộc phải có điều kiện với nghệ sĩ mà họ tài trợ. Đó là chưa kể tình trạng tài trợ chui, nghĩa là họ không cần gắn logo doanh nghiệp. Họ trả cho nghệ sĩ một khoản tiền mà nghệ sĩ chấp nhận được, còn sau đó họ tự "làm xiếc" số chi đó với cơ quan thuế. Dân hoạt động trong giới nghệ thuật giải trí gọi tài trợ chui là "rửa tiền".
Thế mới hay làm ca sĩ cũng khổ. Không có tiền, không thể làm chương trình âm nhạc như ý thì khổ đã đành, "gọi" được tiền mà đau đầu cách tiêu thì cũng chẳng sung sướng gì.