Tránh lặp lại vòng tròn: Tăng trưởng - thắt chặt - tăng trưởng

Kinh tế - Ngày đăng : 07:09, 27/03/2011

Giữ lạm phát ở một con số * Cần có cơ chế tài chính minh bạch cho ngành dầu khí (HNM) - Ngày 26-3, Quốc hội (QH) đã thảo luận ở hội trường về  đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2010; việc triển khai kế hoạch những tháng đầu năm 2011. Lạm phát và tình hình giá cả leo thang hiện nay là chủ đề chính được đa số đại biểu (ĐB) quan tâm, bày tỏ lo ngại.

Các dự án của ngành dầu khí thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội.


Không thể lúc nóng, lúc lạnh
Các ý kiến của ĐB Quốc hội đều đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc duy trì mức tăng trưởng khá song cũng chỉ ra nhiều điểm chưa hợp lý trong điều hành kinh tế vĩ mô.

ĐB Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh): Giữ lạm phát ở một con số

Ưu tiên trong năm 2011 là giữ lạm phát ở một con số. Đây không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề xã hội. Trong đó, đặc biệt cần nhấn mạnh đến đầu tư công, đòi hỏi phải có sự đổi mới quyết liệt. Chống đô la hóa, vàng hóa trên thị trường phải đúng Pháp lệnh Quản lý ngoại hối. Đây là vấn đề lâu nay lơ là. Vàng miếng dùng làm phương tiện cất trữ tài sản, biến thành phương tiện thanh toán. Trên thế giới, không còn đâu làm như vậy, phải quyết liệt làm nghiêm vấn đề này.

Theo ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội), GDP tăng trưởng khá song cũng cần nhìn vào bức tranh chất lượng sống thực chất của người dân. Ai cũng thấy, lạm phát, tăng giá đã ảnh hưởng rất lớn tới từng bữa cơm gia đình và nguồn thu của mỗi doanh nghiệp. Vì vậy, mong Chính phủ quan tâm hơn tới chất lượng phát triển. "Đặc biệt, phải nghiêm túc xem xét lại chính sách tiền tệ, không thể lúc nóng, lúc lạnh..." - ĐB Phạm Thị Loan nhấn mạnh. Theo ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh), lạm phát có nguyên nhân chủ quan trong điều hành. Chính phủ đã không có biện pháp điều tiết hiệu quả nên một số ngành có sự đầu cơ, lũng đoạn giá. Do vậy, Chính phủ phải nhanh chóng khắc phục tình trạng thiếu kiểm soát, phó mặc cho thị trường tự điều chỉnh... ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) kiến nghị, Chính phủ phải có lộ trình giảm lãi suất ngân hàng: "Doanh nghiệp loay hoay không biết làm gì để vừa đủ trả lãi vay vừa có lợi nhuận nên quyết định dừng hoặc thu hẹp sản xuất. Phải đưa mặt bằng lãi suất xuống mức phù hợp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp."


ĐB Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình) cũng cho rằng, trong nỗ lực kiềm chế lạm phát, Nghị quyết 11 của Chính phủ là đúng hướng, đã tạo chuyển biến bước đầu. Ông phân tích, giảm mạnh tổng cầu và chính sách tài khóa thắt chặt là liều thuốc rất mạnh và nếu làm nghiêm túc, sẽ chặn được lạm phát nhưng sẽ làm doanh nghiệp thiếu vốn nghiêm trọng. ĐB Cao Sĩ Kiêm nói: "Mặt bằng giá mới ở mức rất cao, trong đó có lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng, tác động trực tiếp tới những người làm công ăn lương có thu nhập thấp. Vì vậy, cần kịp thời sửa chữa những khiếm khuyết của nền kinh tế mới tạo ra phát triển bền vững. Phải chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật trong điều hành. Đồng thời, tránh lặp đi lặp lại vòng tròn tăng trưởng - thắt chặt - tăng trưởng, rồi lại thắt chặt."

Nhiều doanh ghiệp phải thu hẹp sản xuất vì thiếu vốn. Ảnh: Huy Hùng

Băn khoăn quản lý doanh nghiệp nhà nước
Liên quan đến việc quản lý các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, nhiều ĐB Quốc hội đã thẳng thắn bày tỏ quan ngại. ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội) đặt câu hỏi, cơ chế sử dụng 3.500 tỷ đồng để lại cho ngành dầu khí như thế nào? Có bị sử dụng tùy tiện hay không? Theo ĐB, năm 2011, ngành dầu khí đầu tư hơn 100.000 tỷ đồng. Trong khi bài học Vinashin vẫn còn đó; vì đầu tư lớn, dàn trải nên đã để lại hậu quả nghiêm trọng. Hiện nay, lãi suất cao đầu tư quá lớn như thế có hiệu quả không? Ai phê duyệt danh mục đầu tư này? Không thể nói là doanh nghiệp thì muốn đầu tư vào đâu, quy mô thế nào cũng được vì đó là tiền của nhân dân. "Phải xem xét lại khoản tiền để lại cho ngành dầu khí... cũng như có cơ chế tài chính minh bạch, rõ ràng cho ngành này..." - ĐB Phạm Thị Loan đề nghị.

ĐB Vũ Quảng Hải (Hưng Yên) đặt vấn đề, nợ công đang sắp tới vạch đỏ... Từ kỳ họp trước, nhiều ĐBQH đã cảnh báo hệ lụy lạm phát do đầu tư công dàn trải. Trong bối cảnh thế giới biến động, lạm phát càng bị đẩy cao thêm. Tập đoàn Vinashin được tuyên truyền quá mức khiến cử tri đặt câu hỏi trong thời gian ngắn sao mà thay đổi nhanh thế. Chúng tôi chia sẻ, người lao động có việc làm là tốt, nhưng còn những doanh nghiệp phải bán, giãn nợ thì sao? ĐB Nguyễn Văn Ba (Khánh Hòa) băn khoăn, để lại 3.500 tỷ đồng cho ngành dầu khí là đúng về lý, nhưng xét trên phương diện quản lý các tập đoàn kinh tế thì rất đáng lo ngại, đặc biệt trong tình trạng chưa được giám sát, kiểm tra, kiểm toán đầy đủ.

Sắp xếp lại hệ thống phân phối
Trước mối lo của các ĐBQH, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu thừa nhận thực trạng khó khăn về vốn song chưa có vướng mắc lớn. Thời gian vừa qua, cung cầu ngoại tệ có lúc thiếu cân đối do phối hợp giữa các bộ, ngành chưa chặt chẽ. Song gần đây, việc quản lý đã được siết chặt, thị trường tự do không còn hoạt động mạnh như trước. Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho biết, tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, hai trung tâm kinh tế lớn, mạng lưới ngân hàng đã mở rộng, phục vụ nhu cầu thu đổi ngoại tệ của nhân dân. Tới nay, giá trên thị trường tự do đã gần với giá nhà nước. Về kinh doanh vàng, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho biết: "Chúng tôi đề xuất ban hành nghị định về quản lý kinh doanh vàng, có lộ trình tiến tới xóa bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do. Tới nay, không có chuyện cấm đoán mà mới đang xây dựng lộ trình quản lý".

Cùng đăng đàn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh thừa nhận tăng giá là vấn đề bức xúc xã hội, gây ra tâm trạng lo lắng, nhất là hộ gia đình thu nhập thấp, người làm công ăn lương, người nghèo. Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này. Trong đó, có biến động phức tạp của kinh tế thế giới và trong nước. Phân tích những hạn chế của nền kinh tế trong nước tác động tới chỉ số giá, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, Chính phủ sẽ bảo đảm cung cầu hàng hóa, sắp xếp lại hệ thống phân phối, kiên trì điều hành giá các mặt hàng theo thị trường. Đồng thời, bảo đảm chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ ổn định đời sống người nghèo, người lao động...

Khánh Khoa