Phát triển các nguồn năng lượng mới
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:43, 27/03/2011
Giờ đây, khi việc khai thác tiềm năng thủy điện cơ bản đã xong, nguồn điện từ than cũng đã đến giới hạn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã xin Chính phủ cho phép nhập than cho điện trong thời gian tới, phát triển thêm các nguồn năng lượng mới đã trở thành vấn đề cấp bách.
Càng ngày, chúng ta càng rõ tài nguyên than của nước ta không phải là vô hạn, không thể xuất khẩu càng nhiều càng tốt và càng không thể là cơ sở vững chắc để phát triển lâu dài điện than. Điện than cũng thải ra một lượng CO2 lớn và khói bụi gây hiệu ứng nhà kính khiến trái đất nóng lên và gây ô nhiễm môi trường. Theo một ý tưởng, có thể hóa khí tại chỗ than tại bể than sông Hồng để chạy các nhà máy điện, nhưng để thực hiện được điều đó thì phải chờ rất lâu nữa, nếu không nói là chưa có gì bảo đảm thành công.
Tiềm năng thủy điện của nước ta đứng vào hàng thứ 14 trên thế giới với trữ năng khoảng 31 GW (mỗi GW bằng 1 tỷ kW). Sau nhiều chục năm khai thác, thủy điện hiện nay chiếm 38% tổng sản lượng điện của cả nước. Tuy nhiên, thủy điện cũng có nhiều tiêu cực. Đó là muốn có thủy điện, phải hy sinh nhiều diện tích rừng, đất đai nông nghiệp màu mỡ, chưa nói đến nguy cơ vỡ đập gây lũ lụt vùng hạ lưu, những biến đổi về hệ sinh thái. Điều quan trọng hơn, tiềm năng thủy điện về cơ bản đã khai thác hết, phần chưa khai thác thường công suất nhỏ, đầu tư tốn kém và rất không ổn định trong hoàn cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu như hiện nay.
Điện hạt nhân cũng rất cần thiết và ngày càng có vị trí quan trọng nhưng đó cũng không phải là nguồn năng lượng lý tưởng bởi nó mang theo nhiều vấn đề và chưa có hướng ra là giải quyết chất thải hạt nhân cho trái đất như thế nào?
Vậy chỉ còn những nguồn năng lượng mới, chủ yếu là các nguồn năng lượng tái tạo, không hoặc rất ít gây ô nhiễm môi trường và có thể nói là vô tận chừng nào sự sống trên trái đất vẫn tồn tại, đó là điện gió, điện mặt trời, điện sinh học, điện địa nhiệt, điện thủy triều… Điện được sản xuất từ các dạng năng lượng này tuy vô tận nhưng có một nhược điểm chưa khắc phục được khiến nó chưa phát triển là đắt hơn nhiều so với điện sản xuất từ nước, than, dầu, khí, kỹ thuật lại phức tạp, hiệu suất chưa cao.
Nước ta cũng là nước có nhiều gió, bờ biển dài trên 3.200km, giờ nắng từ 2.000 đến 2.500 giờ/năm, chỉ riêng vùng Tây Bắc đã có 300 nguồn địa nhiệt, rất thuận lợi cho việc sản xuất điện. Trên thực tế, cũng đã có hơn 20 dự án phát triển điện gió cho nhiều hải đảo và mới đây nhà máy điện gió đầu tiên do Công ty cổ phần Tái tạo năng lượng Việt Nam và Công ty Fuhrender (Đức) đầu tư đã kết thúc giai đoạn 1, hòa lưới điện quốc gia. Trên thị trường cũng đã lưu hành bình nước nóng dùng năng lượng mặt trời của Công ty Sơn Hà; hàng nghìn hầm khí biogas đã được xây dựng trên cả nước, chưa kể hàng chục phòng thí nghiệm, doanh nghiệp đang khẩn trương nghiên cứu sản xuất điện từ năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, những dạng năng lượng này còn ở mức phân tán, nhỏ lẻ, tỷ lệ chưa đáng kể trong tổng sơ đồ điện toàn quốc. Một nguyên nhân của tình trạng này là cơ chế chưa đủ khuyến khích phát triển. Một thí dụ, giá điện gió của nhà máy Bình Thuận là 12 cen/kWh, cao hơn rất nhiều giá điện hiện hành, vì vậy điện đã sẵn sàng lên lưới nhưng EVN chưa thể mua được. Một thí dụ khác, điện gió cần rất nhiều đất để xây dựng các cột tua bin nhưng nếu thuê đất theo giá hiện hành thì không nhà sản xuất điện nào chịu nổi. Cần có những chính sách đặc biệt về vốn, về thuế, về giá điện… để có thể phát triển nhanh các loại năng lượng mới.