Các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội khá toàn diện, đúng hướng
Chính trị - Ngày đăng : 18:37, 26/03/2011
Tiếp tục coi nông nghiệp là “cứu cánh” trong khủng hoảng
Nhất trí với các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội những tháng cuối năm 2011, đại biểu Cao Sỹ Kiêm – Thái Bình đánh giá, các giải pháp này khá toàn diện, đúng hướng, định lượng khá rõ và đang triển khai rất mạnh, tạo chuyển biến bước đầu rất tích cực. Nhưng nền kinh tế đất nước đang nổi lên một số vấn đề như việc giảm tổng cầu mạnh cũng như chính sách tài khóa thắt đang nảy ra những hậu quả rất lớn cho lĩnh vực sản xuất và nông nghiệp; Việc tăng mạnh tỷ giá, lãi suất, điện, xăng dầu tạo ra mặt bằng giá mới, đánh vào đại đa số tầng lớp nhân dâns; Diễn biến của Bắc Phi, Trung Đông và Nhật tác động mạnh đến kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam.
Để đảm bảo mục tiêu của Quốc hội đặt ra và Nghị quyết của Chính phủ, đại biểu Kiêm đề xuất, Chính phủ phải cụ thể hóa nhanh mức độ, điều kiện, nội dung thực hiện việc sắp xếp lại các công trình, dự án, cắt giảm chi tiêu hành chính; Làm rõ địa chỉ, mức độ và liều lượng của ưu tiên tín dụng mà trong Nghị quyết của Chính phủ nêu, trước hết là vốn cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân, vốn cho xuất khẩu, vốn các doanh nghiệp nhỏ và vừa; Tập trung lập lại kỷ cương, kỷ luật trong điều hành và quản lý; Gắn việc giải quyết lạm phát và ổn định vĩ mô với các vấn đề trung và dài hạn, như vậy phát triển mới bền vững và tránh được tính chu kỳ tăng trưởng - chặt chẽ cứ vòng đi vòng lại.
“Khi chúng ta giải quyết được vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân thì vấn đề lạm phát sẽ được kiềm chế và phát triển sẽ mang yếu tố bền vững. Cho nên vấn đề vốn, tiêu thụ sản phẩm, giảm chi phí, tạo điều kiện cho nông nghiệp, nông thôn phát triển trong tình hình lạm phát cao như thế này là một yếu tố quyết định để chúng ta giải quyết vấn đề trước mắt cũng như lâu dài”, đại biểu Kiêm nói.
Đại biểu Phạm Thị Loan – Hà Nội cũng bày tỏ sự phấn khởi vì GDP tăng trưởng cao và bội chi ngân sách năm 2010 giảm so với kế hoạch đề ra nhưng tỷ lệ lạm phát và CPI vẫn tăng. Theo đại biểu Loan, Chính phủ cần gắn tăng trưởng GDP với chất lượng cuộc sống người dân, chất lượng của doanh nghiệp.
“Chúng ta phải quan tâm thực chất đến chất lượng phát triển của nền kinh tế, không nên chạy theo số lượng và đua theo sự phát triển của những nền kinh tế khác. Nên dựa vào lợi thế đất nước để có những phát triển cho tương lai”, đại biểu Loan đề xuất.
Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Thành Tâm – Tây Ninh cũng đề nghị, Chính phủ phải chuyển mục tiêu điều hành là đặt ổn định kinh tế vĩ mô lên trước mục tiêu tăng trưởng để có thể đạt được sự ổn định và phát triển bền vững trong năm 2011 và những năm tiếp theo.
Theo đại biểu Tâm, trước mắt, Chính phủ cần thực hiện nghiêm túc việc thực hành tiết kiệm, giảm chi tiêu công và đảm bảo công khai minh bạch trong việc rà soát, cắt giảm kinh phí của các bộ, ngành địa phương, đồng thời triển khai nhanh và kiểm tra chặt chẽ quá trình triển khai thực hiện các chính sách an sinh xã hội, nhất là các chính sách về hỗ trợ sản xuất, giải quyết việc làm cho nông dân, thanh niên và sinh viên ra trường, các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu…
Đại biểu Đặng Như Lợi – Cà Mau ủng hộ việc cắt giảm chi tiêu công nhưng cho rằng, nên cắt giảm có chừng mực, còn vẫn phải thực hiện nghiêm dự toán chi mà Quốc hội đã thông qua. Ông cho rằng, nếu dự án, công trình đã khởi công rồi mà bị cắt giảm thì lại thành lãng phí.
“Chúng ta nên tập trung giảm bội chi”, đại biểu Lợi đề nghị.
Cùng góp ý về các giải pháp thực hiện trong năm 2011, đại biểu Trần Du Lịch – TP. Hồ Chí Minh cho rằng, Nghị quyết 11 của Chính phủ ngày 24/2 đưa ra 6 nhóm giải pháp là đúng trong bối cảnh có lạm phát. Nhưng ông băn khoăn liệu “toa thuốc” này có được suống đúng liều, đúng thời gian, đúng theo toa không.
“Vấn đề cực kỳ quan trọng để kiềm chế lạm phát một con số trong năm 2011 là phải giảm tổng cầu, mà trong giảm tổng cầu thì phải tăng mức độ vừa phải tổng dư nợ tín dụng và cung tiền. Tuy nhiên, giảm đầu tư công và giảm chi công mới là chỗ khó nhất”, đại biểu Lịch nói.
Theo đại biểu Lịch, trong kiềm chế lạm phát, không dừng lại chỉ ở cắt giảm mà nhân đây phải thay đổi phương thức phân bố quản lý về ngân sách, đầu tư để tạo một nề nếp mới trong vấn đề quản lý ngân sách, tránh tình trạng khi tình hình tương đối ổn định thì lại quay lại cách cũ.
Về chống đô la hóa, vàng hóa, đại biểu Lịch hoàn toàn ủng hộ giải pháp mà Chính phủ đã trình bày, không thể để đô la và vàng miếng được kinh doanh mua bán như các loại hàng hóa khác.
“Chúng ta không thể chấp nhận sử dụng vàng như một phương tiện thanh toán. Vô tình chúng ta biến những lượng vàng, 37,5 gram, 5 chỉ, 1 chỉ thành những đồng tiền vàng thì chúng ta không kiểm soát được. Trên thế giới không còn ai sử dụng đồng tiền vàng để thanh toán... Do đó tôi đề nghị Chính phủ phải quyết liệt có giải pháp và nhất quyết không thể để vàng miếng thành phương tiện thanh toán, tiến tới Việt Nam cũng không sử dụng thành phương tiện thanh toán trên thị trường, như vậy chúng ta mới tiến tới lành mạnh”, đại biểu Lịch nói.
Cân nhắc việc đầu tư 3.500 tỷ đồng cho Tập đoàn dầu khí
Bàn về phương án sử dụng 3.500 tỷ đồng đầu tư trở lại cho Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam, các đại biểu khá băn khoăn.
Đại biểu Nguyễn Văn Ba – Khánh Hòa cho rằng, xét về lý thì việc để lại 3.500 tỷ đồng để đầu tư trở lại hoàn toàn đúng, nhưng nếu xét một cách tổng thể và để đảm bảo công bằng, thống nhất, hiệu quả trong việc quản lý vốn của Nhà nước thì cần phải nghiên cứu một cách kỹ lưỡng và xem lại cho phù hợp.
“Theo tôi nghĩ chúng ta cần phải có một chính sách nhất quán và tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến của Chủ tịch nước trong báo cáo tổng kết nhiệm kỳ mà tôi rất tâm đắc đó là cần phải xây dựng được luật về quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước đầu tư vào kinh doanh, kiểm soát chặt chẽ việc tổ chức thực hiện trong lĩnh vực vay, sử dụng và trả nợ nước ngoài”, đại biểu Ba nói.
Cũng theo đại biểu Ba, việc điều hành, quản lý các công ty, tập đoàn sử dụng vốn Nhà nước phải theo nguyên tắc: Đúng với cơ chế thị trường, không phải là theo mệnh lệnh quan liêu; Xác định rõ đây là vốn của Nhà nước giao cho một cá nhân hoặc một nhóm người hoặc một tập thể nào đó để sử dụng thực hiện 2 mục đích: kinh doanh để sinh lời và giải quyết được một nhiệm vụ mục tiêu kinh tế - xã hội hoặc mục tiêu chính trị trong một thời điểm nào đó; Phải công bằng với mọi thành phần kinh tế.
Đại biểu Nguyễn Văn Tiên – Tiền Giang cũng đề nghị cân nhắc lại việc đầu tư trở lại 3.500 tỷ đồng cho Tập đoàn dầu khí.
Đại biểu Phạm Thị Loan – TP. Hà Nội đề nghị cần làm rõ khoản đầu tư này được sử dụng như thế nào, đầu tư vào các dự án nào, ai là người quyết định đầu tư…
“Tập đoàn dầu khí là của Nhà nước nên việc đầu tư không thể do lãnh đạo Tập đoàn quyết. Tôi đề nghị xem xét lại việc đầu tư của Tập đoàn”, đại biểu Loan nói.
Đại biểu Loan cũng đề nghị kiểm tra, giám sát số tiền từ trước đến nay Nhà nước đã để lại cho Tập đoàn và thiết lập cơ chế quản lý tài chính, đầu tư rõ ràng cho Tập đoàn Dầu khí cũng như các tập đoàn khác của Nhà nước.
Một số đại biểu khác thì đề nghị, nếu phương án để lại được chấp thuận thì trong khi Chính phủ đang thực hiện cắt giảm đầu tư công thì khoản đầu tư 3.500 tỷ đồng này cũng cần phải cắt giảm tương ứng như các đơn vị khác hoặc trong hoàn cảnh ngân sách khó khăn, không đầu tư một lần khoản tiền 3.500 tỷ đồng này ngay trong năm 2011 mà nên tái đầu tư theo tiến độ dự án để giảm áp lực ngân sách.
Vụ Vinashin: Nên công khai các kết luận kiểm điểm
Một lần nữa, vấn đề Vinashin lại làm “nóng” nghị trường khi trong Báo cáo của Chính phủ có phần đề cập đến kết luận kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân các thành viên Chính phủ có liên quan.
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết – Lạng Sơn cho rằng, dẫu rằng kết luận của Bộ Chính trị đánh giá, sai phạm của các thành viên Chính phủ chưa đến mức phải xử lý kỷ luật nhưng cũng nên công bố công khai kết luận với từng cá nhân. Ông tiếp tục đề nghị, Quốc hội thành lập ủy ban lâm thời điều tra về vụ này.
Chung quan điểm, đại biểu Dương Trung Quốc – Đồng Nai cũng đề nghị, cần thông báo kết luận cuối cùng về thiệt hại của Vinashin thì từ đó mới có cơ chế xử lý trách nhiệm cá nhân.
“Báo cáo của CP mang lại người dân 2 tâm trạng: thất thoát ko đáng kể; thất thoát nhưng ko có cơ chế xử lý trách nhiệm cá nhân”, đại biểu Quốc nói.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền – Lâm Đồng cũng không đồng tình về xử lý trách nhiệm của Chính phủ liên quan đến vụ Vinashin.
“Cử tri không đồng tình, họ nói như thế nào là chưa đến mức phải xử lý, phải chăng đối với cấp trên thì chúng ta chưa đến mức, còn cấp dưới là đến mức?”, đại biểu Thuyền đặt câu hỏi.
Theo đại biểu, “đã chống tham nhũng thì như quét cầu thang phải quét từ trên xuống chứ không phải quét từ dưới lên”.
Dự kiến năm nay sẽ thặng dư hơn 2 tỷ USD
Giải trình về các vấn đề tiền tệ và quản lý thị trường vàng, ngoại hối, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang triển khai thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng và đặc biệt là kiểm soát chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của năm 2011 so với năm 2010 không vượt quá 20%, tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán năm 2011 so với năm 2010 tăng khoảng 15-16%.
Theo thiết kế của Ngân hàng nhà nước, tất cả số tăng trưởng tín dụng năm nay tập trung cho các mục tiêu ưu tiên, còn các mục tiêu khác, nhất là các đối tượng phi sản xuất gồm cho vay tiêu dùng, cho vay kinh doanh chứng khoán, cho vay bất động sản gần như không tăng.
Thống đốc cũng cho biết, năm nay vốn tăng tuyệt đối tương đương với năm ngoái, khoảng 460 nghìn tỷ.
Về quản lý thị trường ngoại tệ, Thống đốc cho biết, nếu từ năm 2008 trở về trước, cán cân tổng thể của chúng ta thặng dư thì bước sang năm 2009, cán cân thanh toán tổng thể quốc tế đã thâm hụt 8, 8 tỷ USD. Năm 2010, với nỗ lực lớn, thâm hụt giảm còn 3,07 tỷ USD. Dự kiến cán cân tổng thể thanh toán kinh tế của Việt Nam năm nay thặng dư lớn.
“Nếu theo kế hoạch cũ là Chính phủ điều hành nhập siêu dưới 18% so với kim ngạch xuất khẩu. Lúc đó chúng tôi cùng với các ngành xây dựng cán cân thặng dư là 700 triệu. Nhưng bây giờ Thủ tướng yêu cầu các bộ, các ngành tập trung giảm nhập siêu, dự kiến điều hành dưới 16% thì năm nay cán cân của chúng ta có thể thặng dư trên 2 tỷ”, Thống đốc nói.
Giải tỏa ý kiến công luận vừa qua cho rằng Chính phủ quản lý mạnh mẽ việc kinh doanh ngoại tệ trên thị trường tự do nhưng mạng lưới ngân hàng không mở ra kịp để đáp ứng nhu cầu hợp lý của nhân dân, Thống đốc cho biết, mạng lưới được hoạt động thu đổi ngoại tệ, cũng như mua, bán ngoại tệ đến nay, đặc biệt là 2 địa bàn lớn là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, đã mở rộng đảm bảo phục vụ được cho dân.
Tại địa bàn Hà Nội, đến nay có 1689 điểm hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng. Ngoài ra còn 44 đại lý thu đổi ngoại tệ ủy nhiệm từ các tổ chức tín dụng. Ở Thành phố Hồ Chí Minh có 1329 điểm của hệ thống các tổ chức tín dụng và có 59 đại lý bàn thu đổi ngoại tệ được ủy nhiệm từ các tổ chức tín dụng.
“Đến nay về cơ bản giá của thị trường tự do với giá công bố của Ngân hàng Nhà nước tương đối tiến gần nhau. Thời gian vừa qua các ngân hàng đã thông báo và tạo điều kiện để bán một phần ngoại tệ tiền mặt cho các đối tượng có nhu cầu đi nước ngoài”, Thống đốc nói.
Cũng theo Thống đốc, theo thông lệ chung, các thẻ thanh toán quốc tế hoạt động ở Việt Nam rất tốt. Hầu hết cán bộ hay nhân dân đi công tác, học tập, chữa bệnh và du lịch hiện nay cơ bản sử dụng thẻ.
Về quản lý thị trường vàng miếng, Thống đốc cho biết, từ năm 1990, Việt Nam cho phép đúc vàng miếng và qua hơn 20 năm, vàng miếng phát triển rất nhanh. Từ tích trữ vàng chỉ như một tập tục của người dân, nó đã dần dần phát triển lên và trở thành một phương tiện thanh toán, đồng thời làm phát sinh thêm đầu cơ giá vàng, làm giá vàng trong nước xáo trộn và có lúc tách rời giá thế giới. Vì vậy, Ngân hàng đã đề xuất với Chính phủ ban hành nghị định quản lý kinh doanh vàng, trong đó đưa ra lộ trình tiến tới quản lý chặt chẽ vàng miếng. Tuy nhiên, trong Nghị quyết 11 nói rất rõ, việc tiến tới xóa bỏ việc kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do sẽ được thực hiện theo lộ trình hợp lý, phù hợp với điều kiện Việt Nam.
‘Một số thông tin cho rằng ban hành Nghị quyết 11 là cấm đoán việc lưu thông vàng miếng là làm tổn thất tài sản của nhân dân. Tôi khẳng định việc đó không có. Chúng ta sẽ triển khai thế nào phù hợp để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của công dân chúng ta”, Thống đốc nói.
Sẽ quyết liệt giảm tổng cầu của nền kinh tế
Làm rõ hơn về vấn đề lạm phát và chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, chỉ số giá của năm 2010 và những tháng đầu năm 2011 tăng tương đối cao có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, đặc biệt là từ cuối năm 2010, đầu năm 2011 tình hình kinh tế trong nước và thế giới có những biến động rất phức tạp: tốc độ phục hồi của nền kinh tế thế giới chậm chạp và không đồng đều, giá cả hàng hóa thế giới tăng rất cao, tác động giá trong nước tăng lên, làm cho đời sống và người lao động, cán bộ công nhân viên khó khăn.
Thêm vào đó, các cân đối kinh tế vĩ mô ở trong nước cũng chưa vững chắc và dễ bị tổn thương, chất lượng của nền kinh tế chưa cao, cạnh tranh còn yếu, nhập siêu vẫn còn lớn, bội chi và nợ công đang có xu hướng tăng, giá vàng, giá ngoại tệ biến động, giá xăng, dầu, điện được điều chỉnh tăng…
Về biện pháp xử lý sắp tới, Bộ trưởng cho biết, phải đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa; sắp xếp lại hệ thống phân phối; kiên trì điều hành giá theo thị trường, “không thể kìm nén hơn được nữa”.
Về giá xăng dầu, Bộ trưởng cho biết, hiện nay nhà nước không thu thuế, nhưng kinh doanh xăng dầu vẫn còn lỗ và mới điều chỉnh được một phần. So với điều chỉnh ngày 24/3, giá của Việt Nam vẫn thấp hơn Lào, Campuchia là 5.000, 4.000, và 3.200 và vẫn còn buôn lậu.
“Chúng ta cần tiếp tục điều hành theo Nghị quyết 84 của Chính phủ và điều hành theo thị trường với tinh thần là nếu tình hình giá thế giới vẫn tiếp tục tăng thì vẫn phải điều chỉnh tăng giá bán lẻ trong nước, giá thế giới giảm thì từng bước khôi phục lại thuế nhập khẩu ở mức hợp lý và xem xét giảm giá bán trong nước. Chúng ta phải kiên trì để năm nay làm sao tiếp tục quay trở lại đi theo thị trường, thực ra giá xăng dầu này từ năm 2009”, Bộ trưởng nói.
Liên quan đến các giải pháp thắt chặt ngân sách, Bộ trưởng cho rằng, phải phấn đấu tăng thu, không có nghĩa là tăng mức động viên mà phải chống thất thu, chống gian lận thuế, chống buôn lậu. Đông thời, giảm chi và trên cơ sở đó giảm bội chi.
Về chi thường xuyên, Bộ trưởng khẳng định, không cắt hàng loạt và những chính sách chi về an sinh xã hội thì không giảm mà phải tăng. Còn lại các khoản như hội họp, công tác phí, xăng dầu, điện nước thì phải tiết kiệm.
Về đầu tư, Chính phủ sắp xếp lại trên 4 kênh: ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ, tín dụng Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước.
“Tinh thần là tập trung cho các dự án phục vụ nông nghiệp, nông thôn, an sinh xã hội và những dự án sớm hoàn thành trong năm 2011 để đi vào sử dụng, sớm mang lại hiệu quả thì sắp xếp lại và điều chuyển cắt giảm, dừng khởi công những công trình xét thấy chưa thật sự cấp bách và chưa mang lại hiệu quả ngay. Chính phủ cũng đã có một thông điệp cho các địa phương, các bộ, ngành là năm nay không có tạm ứng, trừ lũ lụt, những công trình khắc phục hậu quả lũ lụt thiên tai và cũng không cho phép chuyển nguồn nếu chi chưa hết, kể cả năm 2010 sang 2011 và 2011 sang 2012”, Bộ trưởng nói thêm.
Các nhà máy điện chưa đấu nối được vào lưới điện quốc gia là do nằm ngoài quy hoạch
Làm rõ việc thời gian qua có tình trạng 1 số dự án thủy điện nhỏ đã hoàn thành nhưng không phát điện lên lưới điện quốc gia được, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, đó là do không có đường đấu nối.
“Thực tế 1 số nơi có quy hoạch đấu nối được phê duyệt thì không xảy ra vấn đề gì. Nhưng ở 1 số địa phương có tình trạng phát triển dự án thủy điện chưa hoàn toàn trong quy hoạch nên bị động trong đấu nối”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cho biết, do hệ thống lưới điện quốc gia được thiết kế để đảm bảo công suất nhất định, nếu đấu nối không đồng bộ thì sẽ bị quá tải. Hiện các ban, ngành liên quan đã nghiên cứu nâng công suất đường dây tải điện để có thể nối các nhà máy phát điện nhỏ với lưới điện quốc gia và công việc này đang được tiến hành. Đồng thời, các đơn vị liên quan cũng đang phối hợp với nhau để có thể huy động được hết các nguồn điện.
Cũng theo Bộ trưởng, những năm tới, khi phát triển nhiệt điện chạy than, do trữ lượng than trong nước có hạn, theo tính toán, từ năm 2015 trở đi sẽ phải nhập khẩu than từ nước ngoài. Chính phủ đã thành lập ban chỉ đạo liên ngành nghiên cứu việc nhập than từ bên ngoài và đã lựa chọn được một số quốc gia để có thể ký hợp đồng nhập khẩu dài hạn.
Về ảnh hưởng của các nhà máy nhiệt điện đến môi trường, theo Bộ trưởng, những nhà máy xây dựng sau đều được áp dụng công nghệ tiên tiến nên cũng hạn chế và đảm bảo ít gây ô nhiễm môi trường hơn rất nhiều.
Về cung ứng điện thời gian tới, Bộ trưởng cho biết, thời gian qua dù cải thiện vẫn sẽ có khó khăn vì năm nay, cơ cấu nguồn điện thủy điện trong hệ thống cấp điện quốc gia vẫn lớn, trong khi mùa khô vừa rồi nước rất cạn, mức nước các hồ tại thời điểm hiện tại thấp hơn nhiều so với thời điểm năm ngoái, các hồ lại vừa phải xả nước để phục vụ tưới tiêu cho nông nghiệp… Từ đầu năm, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo yêu cầu ngành điện đảm bảo cung ứng điện ở mức cao nhất có thể và ngành điện đã phối hợp với các cơ sở, địa phương thực hiện rất nghiêm các chỉ đạo này, trong đó có thúc đẩy hoàn thiện các công trình phát điện mới đưa vào hoạt động; khắc phục khiếm khuyết của các nhà máy nhiệt điện mới đưa vào hoạt động nhưng chưa ổn định…
“Tình hình cấp điện 3 tháng đầu năm cơ bản đáp ứng nhu cầu. Nhưng tháng cao điểm mùa khô là tháng, vì vậy sẽ có thể có khó khăn. Chính phủ sẽ cố gắng hết sức để đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp nhưng chúng tôi cũng mong người dân chia sẻ, ủng hộ tiết kiệm điện”, Bộ trưởng nói.
Chỉ điều chỉnh giảm nguồn đầu tư từ tín dụng nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước
Làm rõ thêm việc điều chỉnh đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết, hiện đầu tư công được thực hiện qua các nguồn: ngân sách, tín dụng, trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp Nhà nước. Chính phủ thống nhất, nguồn đầu tư từ ngân sách và trái phiếu không điều chỉnh, vẫn giữ nguyên mức 197.000 tỷ đồng đã được phê duyệt, chỉ cắt giảm đầu tư từ tín dụng nhà nước và từ DNNN.
Bộ trưởng cho biết thêm, với đầu tư công từ nguồn vốn trái phiếu và ngân sách, tuy Chính phủ không thực hiện cắt giảm nhưng không cho ứng trước vốn và không cho điều chỉnh vốn từ năm 2010 sang. Như vậy, cũng đã giúp giảm vốn rất lớn.
“Năm 2010, tổng đầu tư từ ngân sách là 243.000 tỷ đồng, trong đó có lượng lớn là vốn ứng trước và điều chuyển (51.000 tỷ đồng). Năm nay chúng ta không cho ứng trước thì đã giảm đi được 51.000 tỷ đồng, so với thực tế năm 2010 là đã giảm khoảng 20% tổng đầu tư từ ngân sách”, Bộ trưởng nói.
Về tín dụng Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước, Bộ trưởng cho biết, mức giảm khoảng 10%.
Cũng theo Bộ trưởng, việc rà soát, cắt giảm các dự án do các địa phương chủ động thực hiện, không phải các đoàn Chính phủ đang đi kiểm tra về xong mới thực hiện cắt giảm. Dự kiến, kết quả sắp xếp đầu tư từ các bộ, ngành, địa phương sẽ được báo cáo trong phiên họp thường kỳ tới đây của Chính phủ.
Bộ trưởng cũng khẳng định, thời gian qua, đầu tư công đã phát huy tác dụng và giúp Việt Nam chuyển từ nước nghèo sang nước trung bình. Việc giảm đầu tư công cần có lộ trình, vì chủ yếu nguồn này là đầu tư cho vùng sâu, vùng xa, hạ tầng phát triển xã hội…, giờ nước ta thoát nghèo thì mới tính được việc chuyển đổi cơ cấu đầu tư công, thu hút xã hội hóa, từ đó thu hẹp dần tổng đầu tư nhà nước.
“Việc giảm đầu tư công sẽ có lộ trình phù hợp với sự phát triển của đất nước và thu nhập người dân”, Bộ trưởng nói.
Ngày mai: Tàu chở 1.049 lao động ở Libya về nước sẽ cập cảng Hải Phòng
Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết.
Cũng theo Bộ trưởng, 10.000 lao động của Việt Nam ở Lybia về nước đã an toàn. Trong ngày mai, chậm nhất là sáng ngày kia, tàu chở 1.049 người sẽ cập cảng Đình Vũ - Hải Phòng an toàn.
“Cách đây 2 ngày tàu đã ghé qua Singapore để tiếp nguyên liệu. Như thế chúng ta hoàn tất chiến dịch kể cả hàng không, đường biển”, Bộ trưởng nói.
Về lo công ăn, việc làm cho lao động ở Libya về nước, Bộ đã chỉ đạo cho các trung tâm giải quyết việc làm ở các địa phương và nhiều doanh nghiệp trong Nam, ngoài Bắc muốn tiếp nhận số lao động này. Các doanh nghiệp cũng đồng ý đứng ra bảo lãnh số nợ ngân hàng mà các lao động này vay của ngân hàng để đi lao động. Vấn đề còn lại là chúng ta phải giải quyết những chính sách thanh lý hợp đồng và tạo việc làm mới cho số lao động từ Libya về mà không để cho những người lao động này lâm vào hoàn cảnh khó khăn do biến cố ở Libya.
“Trong tình hình hiện nay, chúng ta tiếp tục thực hiện chính sách tạo việc làm trong nước và ngoài nước, vấn đề là nâng cao tay nghề, tìm thị trường để có thu nhập tốt và bảo đảm an toàn cho người lao động của chúng ta”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cũng cho biết thêm, lực lượng lao động đưa ra nước ngoài làm việc hàng năm đem về ngoại tệ cho đất nước khoảng 2 tỷ USD, đóng góp nhất định cho kinh tế - xã hội đất nước và tạo thu nhập cho người lao đọng. Hơn nữa sau 3 năm làm việc ở nước ngoài về kỹ năng, kinh nghiệm trong quản lý điều hành sản xuất kinh doanh tay nghề của người lao động được nâng cao và có thể tạo việc làm cho bản thân, gia đình cũng như ngay tại quê hương.
“Qua vụ Libya, chúng tôi rút ra một kinh nghiệm là tìm thị trường, mở thị trường và chúng ta tính được sự ổn định, bền vững của thị trường mà chúng ta đưa người lao động là hết sức cần thiết”, Bộ trưởng nói.