Nguy cơ cạn kiệt tài nguyên nước

Xã hội - Ngày đăng : 07:39, 26/03/2011

(HNM) - Nguồn nước của TP Hồ Chí Minh đang bị


Nước ngầm bị khai thác quá mức


Trong khi TP Hồ Chí Minh thường xuyên bị ngập úng, nhưng nguồn nước ngầm lại cạn dần.


Theo Sở TN-MT TP Hồ Chí Minh, hiện lưu lượng nước ngầm khai thác mỗi ngày trên địa bàn tới gần 607.000 m3. Mức khai thác này vẫn nằm trong giới hạn cho phép vì độ khai thác an toàn là hơn 831.000 m3/ngày. Tuy nhiên, điều đáng lo là thay vì khai thác ở tầng nước an toàn thì tình trạng khai thác đến tầng nước tĩnh cần được giữ lại để không làm mất cân bằng các tầng nước đang gia tăng.

Theo PGS.TS Lê Văn Trung (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh), chỉ trong vòng 10 năm, số lượng giếng khoan để khai thác nước ngầm tăng đến 6,5 lần. Nguyên nhân là do công trình cấp nước không đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt và sản xuất của người dân. Hiện số giếng khoan trên địa bàn đã gần 256.000 giếng, tập trung nhiều nhất ở các quận huyện: 12, Gò Vấp, Thủ Đức, Tân Phú, Bình Tân, Bình Chánh, Củ Chi, nơi hệ thống cấp nước của TP chưa đến được, hoặc có nhưng chưa đầy đủ, nước yếu. Ở những khu vực này trữ lượng nước an toàn cũng đã bị khai thác hết và các giếng khoan "tấn công" vào các tầng nước cần phải trữ lại làm sự cân bằng nước bị giảm đi. Sự sụt giảm mực nước ngầm bắt đầu rõ rệt từ năm 1996. TS Nguyễn Văn Ngà, Trưởng phòng Quản lý tài nguyên nước (QLTNN) thuộc Sở TN-MT tính toán, nếu khai thác với mức độ này thì chỉ trong vòng 27 năm nữa là phải dừng lại để phục hồi tầng chứa nước.

Trong số gần 607.000 m3 nước được khai thác mỗi ngày số lượng được cấp phép chỉ là gần 351.000 m3; còn lại là do người dân khai thác tự phát. Sở TN-MT thừa nhận, rất khó quản lý được người dân đào giếng khai thác nước ngầm, phần vì hệ thống cấp nước chưa hoàn thiện, phần quan niệm trong dân thì nước là của… trời cho và vô tận nên cứ vô tư khoan, đào để sử dụng.

Hệ lụy của khai thác nước ngầm tràn lan không chỉ làm cho nguồn tài nguyên nước cạn kiệt mà còn gây ra sụt lún đất, gây ngập. Nước ngầm bị khai thác quá mức cũng làm dịch chuyển hướng di chuyển tự nhiên của dòng nước. Nếu ở gần biển sẽ tạo sự xâm nhập mặn của các tầng chứa nước.
Tận dụng "nước trời"

Trong khi đó, tỷ lệ thất thoát nước sạch ngày càng nhiều hơn. Năm 2010 nước bị thất thoát đến 40,32%. Hiện mỗi ngày các nhà máy nước của TP sản xuất hơn 1,5 triệu mét khối nước ngọt, và theo tỷ lệ thất thoát này thì số lượng nước mất đi khoảng hơn 600.000 m3. Con số này tương đương với lượng nước ngầm mà TP đang khai thác hiện nay! Trong khi Sawaco đang cố gắng hạn chế tình trạng thất thoát nước sạch thì Sở TN-MT cũng tìm nhiều biện pháp hạn chế khai thác nước ngầm. Theo các giải pháp đưa ra, thì từ sau năm 2020 nước ngầm chỉ được khai thác ở 5 quận: Củ Chi, Hóc Môn, Thủ Đức, quận 9 và 12. Tuy nhiên, mục tiêu này rất khó, vì khi người dân không đủ nước sinh hoạt và sản xuất thì rất khó cấm họ khoan giếng để dùng!

Hiện ký túc xá ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh đang thử nghiệm áp dụng mô hình thu gom nước mưa từ mái nhà. Theo tính toán của PGS.TS Nguyễn Việt Kỳ, tùy theo địa hình của mỗi vùng, có thể thu gom nước mưa trên mái nhà hoặc xây các hồ thấm (dạng hồ sinh thái) để nước ngấm, bổ sung cho đất. Đồng thời, với các tòa nhà mới, buộc phải xây những công trình chứa và sử dụng nước mưa… Nếu thực hiện phương pháp thu gom này thì có thể bổ sung được 600.000 m3/ngày, tương đương với lượng nước ngầm đang bị xâm hại hiện nay!

Minh Quỳnh