Cần cơ chế tốt và “thủ lĩnh” giỏi

Chính trị - Ngày đăng : 07:29, 26/03/2011

(HNM) - 80 năm qua, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh TP Hà Nội đã có những đóng góp quan trọng cho Thủ đô và đất nước, là nơi khởi xướng của nhiều phong trào hành động cách mạng của tuổi trẻ, là điển hình cho phong trào cả nước.

Nhưng làm gì để công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi Thủ đô tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn mới, xứng đáng với lời dạy của Bác "Đối với mọi công tác, thanh niên Thủ đô phải làm gương mẫu cho thanh niên cả nước" đang đặt ra nhiều thách thức cho tổ chức Đoàn.


Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái chúc mừng Thành đoàn Hà Nội nhân Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.    Ảnh: Nguyệt Ánh


Nhận diện đúng

Anh Ngọ Duy Hiểu, Thành ủy viên, Bí thư Thành đoàn Hà Nội, nhận định: Hiện nay, bên cạnh những thuận lợi về kinh phí, cơ sở vật chất, thông tin đa dạng, thì tổ chức Đoàn cũng đứng trước nhiều khó khăn so với trước đây. Sự tác động của mặt trái cơ chế kinh tế thị trường; thanh niên có nhiều mối quan tâm hơn và nhu cầu ngày càng lớn; mặt trái từ chính sự phong phú về thông tin khi thiếu định hướng hoặc định hướng không kịp thời; sức hấp dẫn của Đoàn và các tổ chức thanh niên so với nhiều thiết chế không chính thức; sự phối hợp, chăm lo của các cấp, các ngành đến thanh niên có nơi chưa được chú trọng, còn tình trạng khoán trắng hoặc chỉ ban hành chủ trương chung chung.

Một thực tế, nhiều người không muốn làm "thủ lĩnh" thanh niên, bởi vừa vất vả, thu nhập thấp (đặc thù của Đoàn thường tập hợp đoàn viên, thanh niên hoạt động vào buổi tối, ngày nghỉ), trong khi hầu hết họ ở độ tuổi mới xây dựng gia đình, có con nhỏ, hệ số lương thấp... Quan niệm làm trong cơ quan Nhà nước hay ngoài Nhà nước của thanh niên không còn nặng nề như trước. Nhiều bạn trẻ, sau khi tốt nghiệp đại học chỉ tìm việc ở các doanh nghiệp, công ty có vốn đầu tư nước ngoài bởi mức lương, thưởng cao, môi trường làm việc chuyên nghiệp, cởi mở, năng động hơn so với các cơ quan hành chính.

Theo anh Ngọ Duy Hiểu: "Chỉ có thể nhận diện đúng về tình hình thanh niên và tổ chức Đoàn thì mới có giải pháp hữu hiệu, tạo bước chuyển mình, đột phá trong những năm tiếp theo là vấn đề cần thiết không chỉ đối với tổ chức Đoàn mà còn là trách nhiệm các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn hệ thống chính trị".

Cơ chế tốt cần thực thi tốt

Để Đoàn hoạt động có hiệu quả, trước hết phải bắt đầu từ chủ trương, nghị quyết, chính sách đúng, cách thức thực hiện sáng tạo, linh hoạt và thực tiễn. Tuy nhiên, chủ trương, chính sách đúng nhưng khâu thực hiện kém thì chủ trương đó cũng chỉ trên giấy tờ.

Bí thư Thành đoàn Hà Nội Ngọ Duy Hiểu cho rằng, những năm qua, Thành ủy, HĐND và UBND TP Hà Nội đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, chính sách tạo cơ chế tốt cho Đoàn phát triển và thanh niên khẳng định sức mình. Các cấp bộ Đoàn khi thực hiện đã có nhiều sáng tạo, chủ động, tạo hiệu ứng tốt đối với xã hội và thanh niên. Song cũng có những chủ trương, chính sách tốt, thậm chí là đi đầu trong cả nước, nhưng khi thực hiện thì vướng ở nơi này, nơi khác, thiếu sự vào cuộc của các cấp, các ngành, để Đoàn có lúc "cô đơn" khi vận động, giáo dục thanh niên và thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Chương trình 01 - CTr/TU ngày 31-10-2008 của Thành ủy thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa" rất thiết thực, có nhiều giải pháp và chương trình, đề án rất cụ thể. Nhưng đến nay nhiều đề án giao cho các ban, ngành vẫn chỉ nằm trên giấy (trừ một số đề án giao cho Thành đoàn chủ trì đã hoặc đang thực hiện). Kết luận của Thường trực Thành ủy trong Thông báo số 400 ngày 24-9-2010 đến nay về cơ bản chưa được các ngành vào cuộc. Việc chậm thi công chức đối với cán bộ Đoàn trong hơn 3 năm qua, dẫn đến nhiều cán bộ trẻ sau một thời gian thử sức với Đoàn và bước đầu đã tích lũy được ít kinh nghiệm, nhưng rồi lại phải chuyển công tác đến các cơ quan khác, là một sự lãng phí đáng tiếc cho Đoàn.

Chính sách đi liền với tự rèn luyện

Cơ chế tốt phải đi cùng với "thủ lĩnh" giỏi. TP Hà Nội đã có kinh nghiệm quý từ bài học cách đây 30 năm về việc đào tạo, tuyển dụng và đưa cán bộ Đoàn về cơ sở. Lực lượng này hầu hết đã phát huy tác dụng, nhiều đồng chí trở thành cán bộ lãnh đạo cao cấp. Trước tình hình thiếu "thủ lĩnh" thanh niên, nhiều người không muốn làm cán bộ Đoàn thì việc đào tạo, bồi dưỡng càng trở nên cấp bách. Vì thế, Đề án đào tạo bồi dưỡng 500 cán bộ Đoàn cho cơ sở theo Chương trình 01 của Thành ủy Hà Nội rất cần được Thành đoàn và các sở, ngành tập trung thực hiện trong thời gian tới. Cùng với vấn đề đào tạo thì TƯ Đoàn, TP Hà Nội cũng cần quan tâm đến chế độ chính sách, lương cho đội ngũ này. Hiện nay, lương của Bí thư Đoàn xã, phường, thị trấn ở mức 1,75 dù có bằng đại học. Trong khi đó cũng với trình độ tương đương, nếu vào làm ở cơ quan cấp huyện, TP thì sẽ được ở mức 2,34. Ngoài chế độ đãi ngộ, thì chính sách luân chuyển khi quá tuổi Đoàn ở một số địa phương Hà Nội còn chậm, những "gương" cả bố - con, mẹ - con cùng làm công tác Đoàn ở một số huyện ngoại thành Hà Nội khiến cho các bạn trẻ lo lắng, ngại ngần khi được cấp ủy quan tâm, đoàn viên tín nhiệm bầu làm "thủ lĩnh" Đoàn cơ sở. Chưa kể, kinh phí hoạt động của Đoàn "eo hẹp", trung bình chỉ có khoảng 22 đến 25 triệu đồng/năm/xã, phường, thị trấn (mặc dù Hà Nội đã là địa phương có mức kinh phí cao so với cả nước), trong đó bao gồm cả phụ cấp cho đội ngũ bí thư chi đoàn và hoạt động phong trào. Không ít cán bộ Đoàn phải bỏ tiền túi ứng trước để tổ chức hoạt động, rồi chờ không biết đến bao giờ mới được quyết toán. Đội ngũ cán bộ Đoàn trên địa bàn dân cư, những người điển hình của tình trạng "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng", cho dù không đòi hỏi gì nhiều về chế độ, chính sách nhưng mức thu nhập quá thấp, vẫn còn nhiều thì sẽ khó đòi hỏi họ gắn bó lâu dài với tổ chức Đoàn bởi họ cũng có cuộc sống và gia đình như bất cứ ai.

Ngoài sự quan tâm của cấp ủy, bản thân cán bộ Đoàn phải không ngừng tự đổi mới mình, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước và nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên, thực sự là thủ lĩnh của thanh niên. Ngoài có mối quan hệ tốt với thanh niên; am hiểu; gắn bó; có khả năng đối thoại và khả năng định hướng, đánh giá về thanh niên còn phải chủ động, tự nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng. Đây là yếu tố quan trọng, "nghệ thuật" về kỹ năng thanh vận.

Rõ ràng để công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi Thủ đô luôn làm gương mẫu cho cả nước, ngoài sự nỗ lực nội tại của tổ chức Đoàn, rất cần sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền và hệ thống chính trị cũng như sự chỉ đạo, chia sẻ, hỗ trợ của các ban, ngành, đoàn thể của TP và TƯ Đoàn.

Việt Tuấn