“Sống chung” với động đất, được không?

Xã hội - Ngày đăng : 07:07, 26/03/2011

(HNM) - Việt Nam được xác định là quốc gia ít có động đất, nhưng do nhiều vùng trên Trái đất vừa bị tàn phá nặng nề bởi động đất cực mạnh như Nhật Bản gần đây, trước đó là New Zealand, Chile, Haiti, Trung Quốc... nên mối lưu tâm của nhiều người hiện nay là làm sao có thể


Việt Nam chưa có tổn thương lớn do động đất

Theo Viện Vật lý địa cầu (IGP), Việt Nam nằm ở phần đông nam của mảng Âu Á, giữa mảng Ấn Độ, mảng Philippines và mảng châu Úc. Lãnh thổ Việt Nam không nằm ở rìa các mảng do vậy ít bị tổn thương bởi ĐĐ so với các nước trong khu vực như Indonesia, Philippines, Malaysia. Nhưng trên lãnh thổ và lãnh hải Việt Nam tồn tại hệ thống đứt gãy hoạt động phức tạp như: Lai Châu - Điện Biên, sông Mã, Sơn La, sông Hồng, sông Cả, đứt gãy kinh tuyến 109o - 110o… do vậy ĐĐ cũng thường xuyên xảy ra.


Theo quy định, các công trình xây dựng buộc phải thiết kế chống động đất.   
    Ảnh: Trung Kiên

Trận ĐĐ gây ảnh hưởng lớn nhất đến Việt Nam gần đây xảy ra tại Điện Biên năm 2001, đạt cường độ 5,3 độ richter. Từ năm 2007 đến nay nhiều trận ĐĐ có cường độ nhỏ hơn 5,5 độ richter đã xảy ra ở Việt Nam. Khu vực chịu ảnh hưởng ĐĐ kéo dài suốt ba miền của cả nước ta như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lai Châu, khu vực Vịnh Bắc bộ.

Theo GS Nguyễn Đình Xuyên (IGP), riêng địa bàn Hà Nội, chạy qua khu vực này có hai dải đứt gãy lớn là đứt gãy sông Hồng, sông Chảy. Chúng chạy song song và cách nhau từ 17 đến 20km. Đứt gãy sông Hồng ở phía tây thành phố Hà Nội và đứt gãy sông Chảy tính từ khoảng trung tâm thành phố về phía đông. Đây là hai đứt gãy được xếp vào loại lớn trên lãnh thổ Việt Nam và đều bắt nguồn từ Trung Quốc. Trên hai đứt gãy này gần đây đã xảy ra một số trận ĐĐ khá mạnh như: Lục Yên (Bắc Giang) năm 1953-1954 với cường độ 5,4 độ richter, Yên Lạc (Vĩnh Phúc) năm 1958 mạnh 5,3 độ richter. Theo tài liệu lịch sử, ở Hà Nội đã xảy ra các trận ĐĐ mạnh 5,1-5,5 độ richter vào các năm 1276, 1278 và 1285. Vài chục năm trở lại đây, Hà Nội không có trận ĐĐ nào đáng kể. Tuy nhiên, do nằm trên hai dải đứt gãy nên cũng cần được nghiên cứu kỹ hơn. Chu kỳ lặp lại của các trận ĐĐ trên là khoảng 1.000 năm và chúng ta đang ở khoảng năm thứ 710 của chu kỳ đó.

Xây nhà "kháng chấn" thế nào?

Theo các nhà khoa học, giải pháp an toàn nhất đối với người dân sống ở những vùng được dự báo có khả năng xảy ra ĐĐ chính là có ý thức về hiện tượng này và khi xây dựng các công trình dân dụng phải tính đến yếu tố kháng chấn. Tuy nhiên, ở nước ta, hầu như chỉ có các công trình quy mô lớn, cao tầng là có yêu cầu nghiên cứu về ĐĐ và đưa ra các biện pháp kháng chấn cần thiết. Công trình dân sinh hầu hết không tính đến các giải pháp kháng chấn.

Theo các chuyên gia của Viện KHCN Xây dựng, xét dưới góc độ khoa học, việc xây dựng nhà ở của dân ta khá tự phát. Điều này thể hiện qua việc người ta thường thi công khung nhà bằng bê tông chịu lực trước, sau đó xây chèn gạch vào trong và không có thép dẫn nối từ cột vào vách ngăn. Do sợ xấu nên nhiều phòng trong nhà có diện tích khá lớn nhưng không bố trí dầm chịu lực mà thay bằng đổ trần dày thêm như một biện pháp gia cường. Thực tế đây là biện pháp phản tác dụng trong kháng chấn. Khoảng cách từ sàn đến trần cao hơn 4m, ô văng có khẩu độ quá xa là không thích hợp với các công trình kháng chấn. Việc trổ cửa không có quy tắc, lanh - tô không được gắn với cột bê tông chịu lực cũng làm công trình suy yếu trước những biến động bất ngờ của nền móng.

Điển hình cho việc xây dựng tùy tiện, không chú ý đến các yếu tố kháng chấn dẫn đến những thiệt hại không đáng có. Ví dụ trận ĐĐ tại TP Điện Biên năm 2001, có tâm chấn cách trung tâm thành phố 15km, nhưng làm khoảng 2.000 trụ sở cơ quan nhà nước, nhà ở của dân bị đổ, nứt tường... không thể sửa chữa được. Thiệt hại sẽ không lớn đến vậy nếu các cảnh báo và một vài biện pháp thi công công trình có kháng chấn do Viện Vật lý địa cầu đưa ra từ năm 1996 được chú ý và phổ biến tới người dân.

GS Nguyễn Đình Xuyên cũng nhấn mạnh, tuyệt đối không xây nhà tại những vị trí được xác định nằm trên điểm đứt gãy có thể xảy ra ĐĐ. Người dân cũng cần lưu ý xem vị trí nhà mình đang xây là ở đâu, có bị ảnh hưởng của ĐĐ không. Tốt nhất là cần xây dựng công trình có tính mềm dẻo, thông qua việc chọn các loại vật liệu nhẹ. Nếu không cần thiết, không nên bố trí trong một ngôi nhà quá nhiều vách ngăn dẫn đến tải trọng công trình lớn quá mức không cần thiết.

Hiện nay, chưa có thông tin chính thức nào khẳng định hiện tượng biến đổi khí hậu có tác động đến tần suất của các trận ĐĐ trên thế giới. Tuy nhiên, trước những gì đang diễn ra rõ ràng buộc chúng ta cần có cái nhìn thận trọng hơn về hiện tượng ĐĐ. "ĐĐ không thường xuyên xuất hiện nhưng chúng ta không được thờ ơ với nó. Cái chính là người Việt Nam chưa thường trực ý thức phòng tránh thiên tai. Chống ĐĐ hiệu quả nhất vẫn là xây dựng các công trình kháng chấn, giúp giảm thiệt hại về người và của" - một lãnh đạo của Viện Vật lý địa cầu chia sẻ.


Lo ngại đối với nhà chung cư cũ
Ngày 25-3, trao đổi với báo chí, ông Lê Quang Hùng - Cục trưởng Cục Giám định chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), cho biết, các công trình xây dựng mới hiện nay đều có thiết kế kháng chấn động đất. Cụ thể, những công trình ở nơi có khả năng xảy ra động đất tới cấp 7 (trong thang 12 cấp) bắt buộc phải thiết kế chống động đất. Những vùng dao động trong khoảng cấp 5-6 thì tùy theo tầm quan trọng để quyết định hoặc có những giải pháp để kháng chấn. Còn những vùng có nguy cơ xảy ra dưới cấp 5 thì không yêu cầu.

Ở Hà Nội, mặc dù chưa ghi nhận số liệu nào cho thấy đã xảy ra động đất tới cấp 7, nhưng do nằm trong vùng động đất tới cấp này nên các công trình xây dựng cần có thiết kế kháng chấn. Cũng theo ông Hùng, thiết kế kháng chấn không phân biệt công trình, dù là khách sạn, nhà ở hay trung tâm thương mại…
Quan ngại lớn nhất khi xảy ra động đất là đối với các chung cư cũ. Về quy định, hệ thống pháp luật từ những năm 1995 đến nay tương đối hoàn thiện, đồng thời việc xây dựng theo công nghệ mới nên có thể kiểm soát được. Nhưng từ những năm 1990 trở về trước được phân biệt thành hai dạng: một là những công trình có tầm quan trọng được nước ngoài hỗ trợ thiết kế thi công xây dựng nên về cơ bản đã tính đến kháng chấn động đất. Còn công trình do ta tự xây dựng phải có kiểm tra, chủ động cải tạo, hoặc phá đi xây mới lại.

Ông Hùng cho biết, qua các vụ động đất trên thế giới, đặc biệt ở vụ Nhật Bản vừa rồi, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Xây dựng có nghiên cứu đề xuất, đánh giá toàn diện, hệ thống đối với toàn bộ công trình nhà ở, đập, cầu… và cách ứng xử với những công trình đã xây dựng. Từ năm 2008 (khi xảy ra động đất ở Tứ Xuyên - Trung Quốc), Chính phủ cũng đã có chỉ đạo kiểm tra, phân loại rõ ràng, xem xét lộ trình thực hiện cải tạo, phá đi xây lại những công trình không bảo đảm chất lượng.

Khánh Khoa

Thế Dũng