Một “siêu phẩm” được dàn dựng

Thế giới - Ngày đăng : 06:26, 25/03/2011

(HNM) - Sau khi làm rùm beng vụ tình báo công nghiệp liên quan đến chương trình chế tạo ô tô điện hồi đầu năm, những ngày gần đây, Tập đoàn sản xuất xe hơi Renault (Pháp) lại tỏ ra lúng túng vì nghi ngờ đã bị

Người thứ nhất là Michel Balthazar, 56 tuổi, một trong 30 thành viên của ban lãnh đạo tập đoàn. M.Balthazar tốt nghiệp kỹ sư Trường Đại học Lyon, vào Renault năm 1980, từng giữ nhiều vị trí quan trọng trước khi được bổ nhiệm làm Giám đốc phòng thiết kế các dòng xe hơi mới của hãng vào năm 2006. Nhân vật thứ hai là Matthieu Tenenbaum vào Trung tâm Công nghệ của tập đoàn từ năm 1997. Ông là Phó Giám đốc dự án xe hơi điện và là người quảng cáo xe điện Twizy của Renault tại triển lãm thế giới xe hơi 2011 ở Paris. Cuối cùng là Bertrand Rochette, cánh tay phải của M.Balthazar, phụ trách phòng nghiên cứu. Ở vị trí này, ông B.Rochette nắm được những công nghệ mới nhất của tập đoàn.

Tuy nhiên, kể từ khi bị cáo buộc "bán" thông tin mật về chiến lược phát triển loại xe ô tô điện đời mới được xem là có thể mang lại "cú hích" ngoạn mục cho Renault, 3 nhân viên cấp cao của tập đoàn gồm các ông Bertrand Rochette, Michel Balthazard và Matthieu Tennenbaum luôn luôn khẳng định mình vô tội. Các cuộc điều tra sau đó đã không tìm thấy những chứng cứ thực sự buộc tội 3 người này. Họ cũng không có tài khoản tại Thụy Sĩ hay tại Liechtenstein như những thông tin mà Renault từng thu thập được và dựa vào đó để sa thải họ. Tuy nhiên, các công tố viên lại phát hiện những yếu tố chứng tỏ đây là một "vở kịch được dàn dựng" khá bài bản.

Ngay lập tức, Dominique Gevrey - một quan chức phụ trách an ninh của Renault đã bị bắt giữ khi đang chuẩn bị lên máy bay sang Guinea. Từ những thông tin mà D.Gevrey cung cấp, Renault đã đưa ra quyết định sai lầm đối với 3 nhân viên kỳ cựu của tập đoàn. Cay đắng hơn, Renault đã phải trả hơn 300.000 euro mới có được số thông tin không chuẩn xác này. Hiện tại, D.Gevrey vẫn đang bị tạm giam và nhiều khả năng phải đối mặt với tội danh lừa đảo có tổ chức.

Giới chuyên gia cho rằng vụ việc này đang làm suy giảm uy tín của ban lãnh đạo Renault, đặc biệt là Chủ tịch Tập đoàn C.Ghosn - người bị chỉ trích là đã vội vã quy kết đây là một vụ gián điệp công nghiệp. Trong một động thái nhằm xoa dịu dư luận, mới đây, ông C.Ghosn đã cam kết sửa chữa lỗi lầm gây ra cho 3 nhân viên cấp cao của Renault bằng cách đề nghị mời trở lại làm việc hoặc bồi thường. Tuy nhiên chỉ có 2 trong số 3 nạn nhân, ông Matthieu Tenenbaum và ông Michel Balthazard cho rằng có thể gặp gỡ với sếp cũ của họ. Còn ông B.Rochette, cựu thành viên của Ban điều hành Renault loại trừ khả năng quay trở lại tập đoàn.

Ngoài ra, ông C.Ghosn và Patrick Pélata - nhân vật số hai của Renault cùng các quan chức có liên quan khác cũng tuyên bố sẽ không nhận tiền thưởng của năm 2010 và lợi nhuận từ cổ phiếu của năm 2011.

Quỳnh Chi