Những người lính nối mạch đường đất nước

Chính trị - Ngày đăng : 06:42, 24/03/2011

(HNM) - Thực hiện đề án xây dựng đường tuần tra biên giới (ĐTTBG) của Chính phủ, Bộ Quốc phòng đã giao cho Bộ Tư lệnh Công binh khảo sát, thiết kế, xây dựng và thẩm định thi công hệ thống ĐTTBG trên địa bàn 25 tỉnh với tổng chiều dài 14.500km.

Mở đường tuần tra biên giới

Điểm đặc biệt ở con đường này là phải bảo đảm tiêu chí bám đường biên, biên giới chạy qua đâu, con đường theo sát đó, có khi là đỉnh núi cao mà ít người đặt chân đến, khi là lòng suối sâu, vách đá… Tất cả lực lượng bộ đội công binh trong toàn quân đã vào cuộc, bắt đầu từ đoạn đường đầu tiên ở biên giới tỉnh Bình Phước (giáp Campuchia), đến các tỉnh biên giới Tây Bắc, Đông Bắc. Từ năm 2007 đến nay, trên 1.000km đường biên đã được bộ đội công binh làm qua những địa bàn như thế.


Các chiến sĩ công binh thực hiện nhiệm vụ xử lý một quả bom hóa học dưới nước. Ảnh: Vân Thanh


Mặc dù đã có máy, xe chuyên dụng, nhưng phần lớn công việc rà đường, phá núi lại diễn ra ở những vùng địa hình rất phức tạp nên thao tác thủ công vẫn là chính. Đại tá Trần Hồng Minh, Đoàn trưởng Đoàn H49, đơn vị trực tiếp làm ĐTTBG ở địa bàn các tỉnh Sơn La và Thanh Hóa nói: "Địa hình thi công đường rất hiểm trở và cheo leo, có những đoạn đường nằm trên độ cao 2.000m so với mặt nước biển, có nơi lại tít dưới vực sâu mà lề đường bên kia là biên giới của bạn và nếu không xây dựng ĐTTBG chắc sẽ không có dấu chân người. Để mở ĐTTBG bộ đội phải mất rất nhiều công sức làm đường công vụ, trung bình 3-4 ngày mới đưa được một chuyến vật liệu vào công trường". Việc "giải phóng mặt bằng" ở nơi đây cũng không kém phần gian nan. Để đưa được bộc phá vào khe núi, lính công binh phải lên tận đỉnh núi cao tìm cây to buộc dây thừng, dây chão vào rồi đeo khí tài để khoan đá, nhồi thuốc phá núi, mở đường.

Và những con đường không còn hiểm họa bom mìn

Cùng với việc mở những con đường chiến lược phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, bộ đội công binh luôn có mặt trên mọi nẻo đường còn sót bom đạn để mang lại màu xanh cho đất, bình yên cho nhân dân. Trong vòng 5 năm trở lại đây, bộ đội công binh đã rà phá, xử lý hàng nghìn tấn bom mìn, vật nổ, giải phóng nhiều vùng đất đai, đã có nhiều đồng chí hy sinh và bị thương.

Đại tá Nguyễn Quốc Việt, Chính ủy Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn cho biết: "Trang, thiết bị xử lý bom mìn rất thiếu, việc dò tìm, xử lý, tháo gỡ bom đạn chủ yếu ở những vùng xa xôi, hẻo lánh, địa bàn phức tạp, khí hậu khắc nghiệt. Song với tinh thần "khó khăn nào cũng vượt qua", từng CBCS trong đơn vị quyết tâm thực hiện công việc một cách tỉ mẩn và không cho phép để xảy ra sai sót, dù chỉ một lần".

Thống kê đến nay mới có 3,28% diện tích đất đai có bom mìn trên toàn quốc được dọn sạch, hiện còn khoảng 6,6 triệu héc ta đất còn sót bom mìn, tức là còn khoảng 20% diện tích cần được rà phá. Trước thực trạng ấy, năm 2010, CBCS Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn đã xây dựng "Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam" được Chính phủ phê duyệt và đi vào hoạt động. Các chuyên gia nước ngoài và các chuyên gia đầu ngành về bom mìn trong nước nhận định, nếu bảo đảm được tiến độ của chương trình, thời gian khắc phục hậu quả bom mìn trên đất nước ta sẽ rút ngắn từ 300 năm xuống còn 50 năm.

Những con đường của bộ đội công binh đã đi xuyên qua lịch sử, qua hai cuộc chiến tranh vệ quốc đầy gian nan và khốc liệt. Con đường tuần tra biên giới hôm nay, những công trình trọng điểm quốc gia trước ngày khởi công, điểm xây dựng tái định cư mới của đồng bào các dân tộc và tại vùng rừng núi xa xôi, hiểm trở, những chiến sĩ công binh vẫn âm thầm, bền bỉ làm nhiệm vụ, góp phần đưa đất nước vững bước trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Nguyên Hoa