Cần những “cái bắt tay” thân thiện

Đời sống - Ngày đăng : 06:32, 24/03/2011

(HNM) - Có thể nói hầu hết những người đi XKLĐ đều phải vay tiền, thế nhưng mục đích được đổi đời nhờ XKLĐ lại không đến với họ. Đây là kết luận mà Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) và Viện Khoa học lao động và xã hội vừa công bố trong chương trình "Đánh giá thực trạng đi làm việc ở nước ngoài đã trở về Việt Nam".

Người lao động xuất khẩu khi về nước cần được các cấp, ngành quan tâm tạo việc làm để ổn định cuộc sống. Ảnh: Quang Trung

Các đối tượng được khảo sát là những lao động đã từng làm việc tại 4 quốc gia và khu vực Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản, Đài Loan, giai đoạn 2004-2008 và hầu hết đang sống tại các tỉnh Phú Thọ, Bắc Giang, Vĩnh Phúc và Thái Bình. Thực tế hầu hết các gia đình có con em đi XKLĐ đều có thêm thu nhập, cải thiện đáng kể đời sống nghèo túng trước đó. Thế nhưng tuy tạm thoát nghèo, song người lao động xuất khẩu sau khi trở về nước lại không dễ dàng tìm kiếm việc làm để tiếp tục phát triển kinh tế. Bởi trước khi xuất cảnh để thoát nghèo, 100% người lao động phải vay mượn tiền để lo các thủ tục đi. Trong đó có đến 2/3 lao động phải vay hoàn toàn vốn từ ngân hàng, số còn lại phải chấp nhận vay lãi cao ở ngoài.

Hầu hết người lao động làm việc tại Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia và Nhật Bản đều là lao động phổ thông, làm các công việc giản đơn trong các nhà máy, xí nghiệp hoặc làm nghề giúp việc gia đình. Tuy đơn giản, nhưng áp lực công việc khá căng thẳng. Đáp ứng với áp lực công việc đó, mức lương của lao động Việt Nam được trả cao gấp 5 đến 6,2 lần so với mức lương khi họ làm việc tại Việt Nam. Nhưng so với lương của lao động bản địa hoặc lao động đến từ các nước khác thì vẫn thấp hơn nhiều. Do vậy, trừ chi tiêu, theo tính toán của Cục Quản lý lao động ngoài nước, phải mất 1 năm tích cực gửi tiền về quê thì người lao động mới trả hết khoản nợ vay ngân hàng. Còn gần 2 năm làm việc theo hợp đồng đã ký theo thỏa thuận chung thì người lao động chỉ tích cóp được vài chục triệu đủ để có lưng vốn khi về quê làm ăn. Đó là những trường hợp "thông đồng bén giọt", còn với những lao động tốn kha khá chi phí cho "cò" hoặc gặp trục trặc trong các thủ tục hộ chiếu, visa, đào tạo… thì việc trả nợ kéo dài thời gian hơn. Hoặc có nhiều lao động bị lừa đảo thì coi như mất trắng, món nợ ngày một chồng chất.

Hầu hết người lao động có nghề, khi về nước, họ chi một khoản tiền lớn để xây, sửa nhà, mua sắm, sau đó quay lại với các công việc đơn giản với thu nhập không cao. Nguyên nhân là do số lao động này rất khó tìm việc ở các khu vực chính thức. Đây là một sự lãng phí khá lớn nguồn nhân lực đã qua đào tạo và có kinh nghiệm bởi hằng tuần, hằng tháng, hàng nghìn công ty trong nước vẫn ra sức tìm kiếm nguồn lao động có tay nghề trên các phương tiện truyền thông đại chúng, tại các trung tâm giới thiệu việc làm, các sàn giao dịch việc làm.

Rõ ràng, có một nghịch lý thiếu và thừa, có một lỗ hổng về thông tin giữa các doanh nghiệp với người lao động. Và điều đáng nói hơn là thiếu sự quan tâm, hỗ trợ từ chính quyền địa phương và các công ty đã đưa lao động đi nước ngoài làm việc. Bà Trịnh Thu Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dân số lao động, việc làm (Viện Khoa học lao động và xã hội) cho biết, chỉ có 13,5% lao động nhận được sự hỗ trợ từ địa phương và 16,3% nhận được sự hỗ trợ từ doanh nghiệp. Theo kết quả điều tra thì khi đối thoại với chính quyền địa phương về vấn đề này, họ đã lý giải nguyên nhân là do cán bộ ban chỉ đạo XKLĐ phần lớn đều làm kiêm nhiệm nên hiệu quả hoạt động chưa cao. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền chính sách XKLĐ ở địa phương vẫn chưa sâu rộng, mặc dù hầu hết các tỉnh đều có đề án XKLĐ.

Ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, hiện nay Bộ đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu giải pháp khai thác triệt để và có hiệu quả lợi thế của các lao động sau khi về nước, tạo điều kiện về việc làm, đồng thời phát huy các điều kiện về trình độ tay nghề, kỹ thuật, nền nếp công nghiệp đã học được. Bộ đã chỉ đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước triển khai các giải pháp tạo việc làm, thu nhập cho các lao động về nước. Thời gian tới, cần tăng cường bảo vệ lợi ích, quyền lợi của người lao động trước khi xuất khẩu, trong thời gian làm việc ở nước ngoài, sau khi họ trở về.

Kim Vũ