Không lời nào nói hết tình yêu Việt Nam

Xã hội - Ngày đăng : 06:23, 24/03/2011

(HNM) - "Khúc hát thành Cổ Loa" là tập thơ đầu tiên của tôi ra mắt bằng tiếng Việt. Tôi xúc động ngỡ như đó là tập thơ đầu tiên trong đời được công bố.

Đó là chia sẻ của nhà thơ, giáo sư văn chương Kenvin Bowen (Giám đốc Trung tâm William Joiner, ĐH Masachussetts, Hoa Kỳ) trong buổi ra mắt tập thơ và giao lưu với bạn đọc vào tối 22-3 tại Hà Nội, trước khi ông vào TP Hồ Chí Minh nhận Giải thưởng Việt Nam học (Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh) vào tối nay, 24-3.

Bìa tập thơ “Khúc hát thành Cổ Loa”.

Kevin Bowen tới buổi giao lưu cùng với vợ và con gái. Ông gọi nhà thơ Nguyễn Quang Thiều là "em trai", ông cũng bày tỏ với các nhà thơ, sinh viên rằng "tôi không chuẩn bị bài phát biểu, vì chẳng có bài phát biểu nào thể hiện hết được tình cảm của tôi với Việt Nam". Lan tỏa từ ông một sự chân thành, như một người vừa trở về với gia đình!

"Khúc hát thành Cổ Loa" chở hơn 40 câu chuyện về Việt Nam bằng thi ca của Kevin Bowen. Điều thú vị là hầu như mỗi bài thơ đều gắn với một địa danh (từ một con đường nhỏ, một ngọn núi, tới một thành phố lớn) của Việt Nam. Đó là "Phố Hai Bà Trưng", "Núi Bà Đen", "Hồ Thiền Quang", "Những người xúc cát ở Huế", "Chèo thuyền tới Thái Bình"… Nói về thơ ông, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nhà thơ Hữu Thỉnh nhận định: "Thơ Kevin Bowen thường bắt đầu mà không có gì đặc biệt. Thế rồi, dần dà ta sẽ bắt gặp những chớp sáng, những phát hiện bất ngờ, những liên tưởng đột biến, đến cuối bài thì toàn bộ ý tưởng của nhà thơ được phát lộ…".

Người đàn ông này mang đến Việt Nam không phải chỉ một tập thơ, phía sau đó còn là cả một câu chuyện dài về hành trình bền bỉ vì Việt Nam của ông. Trao giải cho Kevin Bowen, đại diện Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh nêu rõ: "Đó là sự vinh danh văn hóa, vinh danh một con người và một tổ chức đã đem những giá trị văn hóa đích thực phục vụ cho những mục đích tốt đẹp nhất là hòa bình, hòa giải, tình yêu và hạnh phúc". Kevin Bowen là người đầu tiên mở đường cho văn học Việt Nam vào Mỹ. Ông cũng đã làm rất nhiều việc khác nhằm góp phần khắc phục hậu quả chiến tranh, thúc đẩy giao lưu văn hóa như trại hè sáng tác và chương trình dịch thuật văn học Việt Nam…

Biết được những điều này để thấy mỗi vần thơ của Kevin Bowen lắng đọng biết bao nỗi niềm của ông với Việt Nam.

Đêm ra mắt "Khúc hát thành Cổ Loa" còn có một điều kỳ diệu, mà nói như nhà thơ Lương Tử Đức thì "bằng lối diễn xướng truyền thống Việt Nam là ngâm thơ, chúng ta sẽ băng qua những trắc trở của sự không vần điệu để chuyển tải tinh thần thơ Kevin Bowen". Và sự thật là thế! Khi giọng ngâm của nghệ sĩ Nhà hát Chèo Hà Nội cất lên, thơ Kevin Bowen như có thêm đôi cánh đến gần hơn với tâm hồn người Việt. Trong công việc khó khăn vô cùng là chuyển ngữ thi ca, câu thơ rất dễ không còn đủ vần điệu. Chưa kể phong cách thể hiện của nghệ sĩ nước ngoài có thể khác với lối cảm nhận thông thường. Đêm thơ với Kevin Bowen đã cho thấy sự đồng điệu giữa những nền văn hóa và nghệ thuật truyền thống người Việt trong cuộc sống đương đại vẫn không ngừng làm lay động những trái tim nhân loại.

"Khúc hát thành Cổ Loa" của Kevin Bowen cũng giống như tập thơ và hồi ký "Sau mưa thôi nã đạn" của Bruce Weigl trước đó, đang là cầu nối văn hóa quan trọng cho hành trình hội nhập và phát triển của chúng ta.

Thi Thi