Lo ngại ô nhiễm phóng xạ gia tăng
Thế giới - Ngày đăng : 06:11, 24/03/2011
Ngay sau trận động đất, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), đơn vị điều hành Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima 1 đã sơ tán các công nhân khỏi phòng điều khiển của nhà máy này sau khi khói đen được nhìn thấy bốc lên từ lò phản ứng số 3.
Nhiều người dân Nhật Bản vùng chịu thảm họa động đất, sóng thần vẫn phải sống trong các trung tâm cứu nạn. |
Theo số liệu mới nhất do cảnh sát Nhật Bản công bố, số người thiệt mạng do trận động đất và sóng thần vừa qua đã lên tới 9.300 người, 12.645 người khác vẫn mất tích. Có 5.682 trường học ở 23 tỉnh đã bị phá hủy, 260.000 người phải đi sơ tán. Báo Nikkei ngày 23-3 đưa tin, Chính phủ Nhật Bản ước tính tổng thiệt hại do trận động đất và sóng thần có thể lên đến 312 tỷ USD.
Cùng ngày, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết sẽ cử thêm một nhóm chuyên gia giám sát phóng xạ tới Nhật Bản, phối hợp với nhóm thứ nhất đã tới Nhật Bản từ ngày 17-3, nhằm kiểm tra độ phóng xạ tại khu vực Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima 1, thủ đô Tokyo và những vùng phụ cận. Theo ông Graham Andrew, Trợ lý đặc biệt của Tổng Giám đốc IAEA, tình hình Nhà máy Fukushima "vẫn rất nghiêm trọng". Trong khi đó, ông James Lyons, Giám đốc bộ phận An toàn cơ sở hạt nhân của IAEA cho biết các chất phóng xạ tiếp tục thoát ra từ khu vực nhà máy này, nhưng chưa thể xác định chính xác nguồn gốc.
Cùng ngày, Bộ Y tế Nhật Bản cho biết đã phát hiện chất phóng xạ vượt giới hạn cho phép trong sữa tươi chưa qua xử lý tại tỉnh Ibaraki và 11 loại rau củ trồng ở tỉnh Fukushima. Bộ Y tế Nhật Bản khuyến cáo người tiêu dùng không ăn các loại rau củ này. Trong khi đó, Trung tâm Xử lý nước tại trung tâm Tokyo, cơ quan cung cấp phần lớn nước máy cho thành phố, cho biết một số mẫu nước chứa 210 becquerel/lít. Hàm lượng phóng xạ trên an toàn cho người lớn song không được dùng để pha sữa cho trẻ nhỏ.
Lo ngại về thực phẩm nhiễm phóng xạ từ Nhật Bản, Pháp đã thúc giục Ủy ban châu Âu (EC) tiến hành kiểm soát một cách hệ thống đối với việc nhập khẩu các sản phẩm tươi sống từ Nhật Bản vào thị trường Liên minh châu Âu (EU). Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cho biết họ đã phát lệnh cảnh báo nhập khẩu đối với tất cả các loại sữa, sản phẩm làm từ sữa và rau quả tươi từ một số vùng của Nhật. Điều này có nghĩa là các sản phẩm từ tỉnh Fukushima, Ibaraki, Tochigi và Gunma phải được kiểm tra và bảo đảm an toàn trước khi được phép vào nước Mỹ.
Ngày 23-3, đại diện ĐSQ Việt Nam tại Nhật Bản, Công sứ Hồ Minh Tuấn cùng ban công tác cộng đồng đã đến thăm một số tu nghiệp sinh được nghiệp đoàn lao động J-LEC đưa về tạm trú tại Tokyo sau trận động đất ngày 11-3. Những lao động này sang Nhật Bản theo hợp đồng giữa Công ty SIMCO SONG DA và J-LEC, làm việc tại Nhà máy Chế biến thủy sản Sozitsu Shokuryo Suisan. Các tu nghiệp sinh cho biết, ngay sau khi xảy ra dư chấn thứ 2 của trận động đất ngày 11-3, quản lý nhà máy đã tới tận nơi thông báo về nguy cơ sóng thần và hướng dẫn các em tới nơi lánh nạn. Do thời gian quá gấp, không thể về nhà thu xếp hành lý tư trang, các em chỉ kịp thay thường phục và chạy lên ngọn núi cách đó 50m theo sự hướng dẫn của người quản lý. 5 phút sau khi tới nơi, sóng thần ập đến cuốn trôi toàn bộ nhà máy và khu nhà ở cán bộ công nhân viên. Những tu nghiệp sinh này sẽ hết hạn hợp đồng vào tháng 6 tới. Song trong hoàn cảnh nhà máy đã bị hư hỏng nặng sau thiên tai, bản thân các em và gia đình còn lo ngại nên ĐSQ đã cấp miễn phí hộ chiếu và toàn bộ giấy tờ; nghiệp đoàn J-LEC hỗ trợ quần áo tư trang, tạo điều kiện cho các em sớm được về nước theo nguyện vọng. Tuấn Minh |